Nguyên Phó Chủ tịch nước: "Hãy gọi tôi là Cô giáo Doan"
- Giáo dục nghề nghiệp
- 19:19 - 20/11/2017
Đó chính là những ấn tượng đầu tiên khi PV chúng tôi gặp mặt GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XH CN VN, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhân dịp kỉ niệm 35 năm ngày Nhà Giáo Việt Nam
Trắng đêm trước buổi dạy đầu tiên
Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan
Từng là chính trị gia nổi tiếng nhưng cô giáo Doan vẫn luôn giữ được cốt cách của một người giáo viên nhân dân bao nhiêu năm qua. Cô Doan vui vẻ: “Điều tự hào thứ nhất là cả cuộc đời công tác tôi luôn mang tinh thần “Người thầy” chân chính, vì học sinh, vì tương lai mà không ngừng tự trau dồi kiến thức bằng cách phải học, phải đọc nhiều mỗi ngày giống như ăn cơm, đi tắm, đi ngủ vậy. Ngày nào không đọc, không học thì đó là ngày ta nhịn đói, ta không tắm và ta không ngủ trái với nhu cầu tất yếu của người giáo viên”.
Khi được hỏi về kỉ niệm nhớ nhất trong cuộc đời làm giáo viên của mình, cô Doan không ngần ngại chia sẻ: “Tôi rất nhớ khi lần đầu tiên chuẩn bị được bước chân lên bục giảng với sinh viên. Đêm hôm trước, gần như thức trắng đêm với một tâm trạng rất hồi hộp và vô vàn những điều tôi tưởng tượng về buổi dạy sáng hôm sau. Tôi đã mày mò, cố gắng tập dượt nhiều cách dạy, cho bài giảng của mình được súc tích nhưng không được phép kém phần thú vị vì tôi không muốn kiến thức truyền đạt cho sinh viên giống trong giáo trình .
Với một tâm thế như thế, những bài giảng đầu tiên của tôi được đánh giá bởi chính những sinh viên của mình. Sau buổi lên lớp thứ 3, thầy chủ nhiệm khoa đã thông báo, lớp tôi đảm nhiệm giảng dạy phản hồi tích cực, trong đó có câu nói mà tôi vẫn nhớ như in của cậu sinh viên lớp trưởng, khi đó là một anh bộ đội được cử đi học có nói: “Bài giảng của cô ngày thứ nhất khác ngày thứ 2 khác và ngày thứ 3 tiếp tục khác”. Chính lời động viên ấy, lời nhận xét ấy thay cho việc công sức của mình đã được khẳng định, càng là động lực giúp tôi tự tin hơn trong những lần lên lớp tiếp theo.
Giáo viên cũng như những người đi truyền đạo, nhưng khác ở chỗ, ngoài truyền đạt tri thức thì cảm hứng cũng là thứ không thể thiếu. Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng dạy, hãy để “mỗi ngày tới trường là một ngày vui”, ta vui vì ta được sống với đam mê, được tiếp lửa cho các thế hệ học trò và học trò thấy vui vì được học một cách thực sự mỗi khoảng khắc trên ghế nhà trường. Đâu cần quá cao sang, đấy là điều học sinh vẫn luôn mong chờ ở chúng ta - những người chèo lái con đò tri thức thực thụ.
Tinh thần người giáo viên nhân dân mãi sục sôi
Những lời trải lòng tâm sự của Cô, chúng tôi cảm nhận tinh thần của Cô giáo Doan ngày nào như đang ùa về, lời nói cô đanh thép cuốn hút vô cùng.
Hồi tưởng lại những gian truân khi mới bước vào nghề, cô Doan chia sẻ: “Cuộc sống của các thầy, cô giáo còn nhiều khó khăn cũng như lớp giáo viên chúng tôi thời bao cấp xưa. Thầy trò thương nhau, san sẻ từ củ sắn, củ khoai, tới hộp sữa khi ốm đau hay dành dụm tem phiếu mà chia cho sinh viên; thế nhưng nhờ có cái tâm, sự yêu nghề và nhờ trách nhiệm với nghề, thầy và trò chúng tôi đã cùng nhau tạo nên những thế hệ sinh viên vàng đi vào lịch sử thì không có lí gì mà các thầy cô thời nay không tiếp nói được tinh hoa ấy.
Bây giờ đến giai đoạn nghỉ hưu rồi nhưng cái phẩm cách, sự nhiệt huyết và tinh thần “Người thầy” vẫn luôn chảy mãi ở trong người của cô giáo Doan. Cả đời làm giáo viên đứng trên bục giảng, cho tới khi tham gia và chính trường tôi cảm nhận rằng: “dù bất cứ ngành nghề nào, lòng yêu nghề luôn là điều cốt lõi, nhất là đối với người giáo viên nhân dân điều ấy càng quan trọng”. Nếu như mình không tâm huyết, không yêu nghề, không vì sự phát triển của bản thân, của học sinh, của nhà trường thì không bao giờ có tinh thần phục vụ tốt, nhưng không phải ai cũng có được nhận thức về điều đó.
Nếu ai đã theo đuổi nghề giáo viên thì cần phải biết rèn luyện và giữ mình, vì nghề giáo viên là một nghề rất thanh cao, đã thanh cao thì hãy làm những việc cho đúng cái thanh cao của nó. Cuộc sống bây giờ dù còn nhiều khó khăn, thầy giáo lại làm một điều không đúng với cái thanh cao của nghề giáo, làm trái với đạo đức của nghề giáo thì xã hội sẽ nhìn người thầy, một góc độ rất xấu.
Làm giáo viên là sống cho quá khứ, hiện tại và tương lai; sống cho cả xã hội, cho vận mệnh của cả đất nước chứ không đơn thuần sống riêng một mình ta. Tại sao quốc tế và Việt Nam lại có ngày hiến chương các nhà giáo, vì người ta tôn vinh nghề thầy giáo, tôn vinh những nhà giáo. Vậy những thầy giáo cầm bông hoa của học sinh nhân ngày 20/11 trên tay, hãy nghĩ về mình xem mình có thật sự thanh cao như cái nghề mà xã hội tạo cho mình hay chưa mà rèn luyện bản thân hơn.
Giáo viên không chịu học sẽ dốt hơn học sinh
Chứng kiến bao đổi thay của xã hội, của lớp lớp những thế hệ thầy trò phát triển đi lên, cô giáo Doan cũng trăn trở rất nhiều điều: “Thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, trên mạng Internet viết rất nhiều điều, thậm chí rất sâu sắc về kiến thức chúng ta sẽ, đã và đang giảng. Bên cạnh đó, học sinh ngày càng thông minh, học sinh chịu khó vào mạng đọc và chăm học mà chúng ta không chịu học, không chịu đọc, không chịu bồi bổ kiến thức, không chịu bồi bổ kinh nghiệm và phương pháp học tập, phương pháp giảng dạy thì học sinh nó sẽ giỏi hơn chúng ta.
Tình trạng đó đã diễn ra ở nhiều lớp học hiện nay, khi lên lớp chính giáo viên sẽ bị chất vấn lại những điều chúng ta giảng. Đặc biệt, hiện nay phương pháp giảng dạy ở Đại học đã thay đổi rất nhiều. Khi xưa phương pháp giảng dạy độc thoại là chính nhưng bây giờ phương pháp giảng dạy là gợi ý, nêu vấn đề là chính, giáo viên đóng vai trò là người định hướng và đồng hành cùng sinh viên tìm ra chân lý.
Muốn nêu được vấn đề, trước hết bản thân thầy phải biết vấn đề ở đâu để nêu, muốn biết vấn đề ở đâu thì bản thân người thầy phải đọc, phải xem xét vấn đề mình đang định nêu đó nằm trong quyển sách nào, do tác giả nào. Cho nên, theo kinh nghiệm của người đi trước, tôi khuyên tất cả các thầy cô giáo khi còn trẻ, phải nỗ lực học tập để đến một ngày tri thức của nó đầy dần lên, truyền đạt kiến thức trước sinh viên thật tự tin, xứng đáng 2 chữ giáo viên.
Cô giáo Doan rất kỳ vọng thế hệ trẻ: “Mỗi giáo viên phải hiểu được cái bối cảnh của mình và đất nước, hiểu được Việt Nam cần đi đến đâu trong xã hội hội nhập này mà cố gằng vươn lên. Hãy học, tự học và đừng thỏa mãn với tất cả kiến thức mình đã có. Nhiều người nghĩ rằng học tới hàm vị Giáo sư, Tiến sĩ là đủ, không cần học thêm nữa. Đó là sai lầm, học tập suốt đời vì kiến thức không phân biệt tuổi tác hay trình độ , xã hội chỉ có kẻ những kẻ dốt mới nghĩ mình học đã đủ.