THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:51

Thừa Thiên - Huế: Nhiều bất cập xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn

 

Từ bài ca "thu tiền không thu gom rác thải"…

Phần lớn vùng quê ở tỉnh Thừa Thiên- Huế hiện đang đứng trước nguy cơ lớn bị ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tồn đọng quá lâu. Dù đã được đầu tư cả về cơ sở hạ tầng lẫn con người, song do tồn tại quá nhiều bất cập nên việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn còn là vấn đề gây bức xúc cho người dân.

Những bao tải chứa rác thải sinh hoạt của người dân xã Lộc An đã hơn 3 tháng không có người đi thu gom.


Đơn cử như tại xã Lộc An (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), dọc theo tuyến Quốc lộ 1A hay len vào ngã đường trong các thôn, xóm dân cư, hàng chục đống rác thải sinh hoạt do để ùn ứ lâu ngày, bốc mùi hôi thối xộc thẳng vào mặt mũi người đi đường, vào nhà dân. 

“Họ đi thu tiền phí vệ sinh môi trường thi nhanh và đều đặn lắm. Trong khi đó, rác thải sinh hoạt người dân thải ra thì họ cứ để cả 3, 4 tháng trời, chẳng thấy ai đi thu gom cả”, ông Võ Thảo, người dân tại thôn Nam Phổ Hạ cho biết.

Chỉ tay về phía đống rác thải chất cao, bốc mùi hôi thối nằm bên cạnh quán nhà mình, ông Lê Đại, chủ quán giải khát tại thôn Nam Phổ Hạ bức xúc nói: "Các anh thấy đấy,ì còn ai dám đến uống nước nữa mà bán hàng với quán”.

 

Rác thải ở khắp mọi nơi, từ trong đường thôn, xóm cho đến trên đường Quốc Lộ 1A...


Thậm chí trong khuôn viên trường học cũng phải chịu chung hoàn cảnh


Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Viết Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết, hiện nay xã đã thành lập tổ thu gom rác thải gồm 5 người, thực hiện thu gom thường xuyên, hàng ngày? Tổ thu gom sẽ đi thu gom rác thải đem về tập kết tại 5 điểm xuồng tập trung, sau đó xe chở rác chuyên dụng của Công ty CP  Môi trường và Công trình Đô thị Huế đến chở rác mang đến điểm xử lý chung.

Về việc người dân trên địa bàn phản ánh rác thải sinh hoạt để 3, 4 tháng, không có người đi thu gom, gây ô nhiễm môi trường, ông Việt khẳng định là không có việc đó: “Rác thải người dân thải ra là có người trong tổ thu gom đi thu gom ngay, nhưng do lượng rác thải nhiều quá nên chưa thu gom kịp. Những hình ảnh anh ghi nhận được là đúng nhưng những chỗ đó họ dọn từ tối hôm trước rồi, đến ngày hôm sau nó phát sinh ra thôi”, ông Việt lý giải. Tuy nhiên trên thực tế, những gì ông Việt nói là không chính xác hoàn toàn, theo người dân. 

Rác tràn ra đường tại 1 điểm xuồng tập kết rác thải sinh hoạt


Qua tìm hiểu, chúng tôi còn ghi nhận, thực trạng, chính quyền địa phương tổ chức thu tiền phí vệ sinh môi trường hàng tháng, hàng quý, thậm chí là cả năm rất đầy đủ, nhanh gọn, nhưng công tác thu gom bị trì trệ còn xảy ra ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Theo đánh giá của Sở TN&MT Thừa Thiên Huế thì công tác quản lý môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập cả về con người, cơ sở vật chất và hệ thống pháp luật. Hiện, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn Thừa Thiên- Huế vào khoảng 55%. Mới chỉ có trên 78% sô thôn, xã tổ chức thu gom rác định kỳ.

Rác thải nguy hại và rác thải thông thường nằm lẫn lộn


Trong khi nhà phân loại rác của xã Lộc An xây ra chỉ để... cấm đổ rác

…đến chuyện dân chặn xe chở rác thải

Ngày 27/2 vừa qua, người dân thôn Nam Phước (xã Lộc Thủy, Phú Lộc) tổ chức chặn đường, ngăn không cho các xe chở rác thải vào Khu xử lý rác Lộc Thủy thuộc Công ty CP công trình môi trường và đô thị Huế (gọi tắt là Hepco Huế).

Nguyên nhân dẫn đến vụ việc được người dân cho là, trong suốt thời gian qua, khu xử lý chất thải rắn gây mùi thối, nhiều ruồi nhặng; mùa mưa nước bẩn rò rỉ ra ruộng của người dân gây ô nhiễm nên buộc phải bỏ hoang, không sản xuất được, có nước đen từ bãi rác chảy ra môi trường bên ngoài. Mặt khác, từ đầu năm 2017, lượng xe chở rác đột ngột tăng, trong đó có một số xe là xe ben tải bình thường chở rác từ huyện khác đến làm rác và nước bẩn đổ ra đường ảnh hưởng đời sống của người dân.

Người dân thôn Nam Phước ngăn chặn không cho xe chở rác đi vào khu xử lý


Trước nguy cơ Khu xử lý bị đình trệ, chiều cùng ngày, chính quyền địa phương, ngành tài nguyên môi trường huyện Phú Lộc đã phối hợp với Công ty Hepco Huế tiến hành họp dân, đối thoại và ghi nhận những thông tin phản ánh. Cuộc họp kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, đến gần 18h chiều tối mới kết thúc.

Hầu hết ý kiến của người dân Nam Phước đều phản đối cách vận hành, xử lý còn tồn tại nhiều bất cập của bãi rác Lộc Thủy gây ảnh hưởng môi trường sống của người dân trong vùng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Tuyên, Trưởng thôn Nam Phước cho biết, người dân đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng kiểm tra thực trạng ô nhiễm môi trường do Khu xử lý rác Lộc Thủy gây ra. Tuy nhiên, do chưa có cơ quan nào vào cuộc, trong khi thời gian gần đây có nhiều diễn biến gây bức xúc cho người dân nên mới dẫn đến hành động chặn xe.

Đến chiều tối, các xe chở rác vẫn phải quay đầu trở ra vì người dân vẫn chưa cho đi vào


Tại buổi đối thoại, ông Trần Trung Khánh, Phó tổng giám đốc Công ty Hepco Huế cho rằng, từ đầu năm 2017 tới nay, lượng xe chở rác về Khu xử lý rác Lộc Thủy tăng là do bãi xử lý rác chính của Công ty tại phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) đã gần đầy, trong khi bãi rác mới tại xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) mới chỉ đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng. Vì vậy, ngoài  thu gom và xử lý rác của 18 xã, thị trấn của H.Phú Lộc với công suất khoảng 135 tấn rác/ngày, Hepco Huế đã xin chủ trương của tỉnh để đưa rác thải ở địa phương khác về Khu xử lý rác Lộc Thủy để xử lý, nhằm giảm tải cho bãi rác chính Thủy Phương.

Một chiếc xe ben tham gia chở rác thải về Khu xử lý rác Lộc Thủy bị chặn và phải quay đầu


Đối với việc môi trường bị ảnh hưởng bởi khu xử lý rác thải, ông Khánh cho rằng bãi rác được thiết kế và vận hành hợp vệ sinh; từ khi ra đời (năm 2011) đến nay không gây ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh. Ông Khánh cũng hứa trước người dân là: “khâu xử lý kỹ thuật, vận hành nào chưa đảm bảo, thời gian tới, Công ty sẽ tích cực, khẩn trưởng khắc phục để bảo đảm vệ sinh môi trường”.                                                            

Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh