THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:25

Nguy cơ nhiều trẻ sang chấn tâm lý sau thời gian dài giãn cách

Trẻ em phải học online thời gian dài để phòng chống dịch Covid-19.

Trẻ em phải học online thời gian dài để phòng chống dịch Covid-19.

Xuất hiện sự “không bình thường” ở trẻ

Theo thống kê vào đầu tháng 6/2021 của Bệnh viện Tâm thần Trung ương (Hà Nội), trong số những người có biểu hiện tâm lý bất bình thường đến khám, tư vấn thời gian qua thì có đến 30% là học sinh, sinh viên.

Đang là một học sinh chăm chỉ học hành, em T.H. (nữ sinh lớp 8) bỗng trở nên chán học, học không tập trung, thường ngủ gật… kể từ khi em chuyển sang học online. Từ một cô bé vui vẻ, hòa đồng, em cũng ít nói chuyện với ông bà, cha mẹ như trước. Hay như tình trạng của bé Nh. (học sinh lớp 3). Năm lớp 2, bé cũng trải qua thời kỳ học online do dịch bệnh. Lần đầu tiên trải nghiệm, bé háo hức nhưng chỉ được mấy ngày đầu sau đó, ngày nào bé cũng than chán, mệt và không thích học. Lên lớp 3 lại tiếp tục phải học online nên Nh càng chán nản, hay cáu gắt, học không tập trung…

Chị Ngọc Lan (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) cho biết, khi bắt đầu những buổi học online lớp 1 đầu tiên, con rất thích, chỉ mong đến 7 giờ tối để được gặp cô giáo và các bạn trên… màn hình máy tính. Sau buổi học online, con rất thích, chăm chỉ luyện viết, phát âm và chịu khó tập đọc sách; thậm chí còn muốn được cô giáo và mẹ giao bài cho luyện viết thêm.

Tuy nhiên, sau đó một thời gian gia đình phát hiện con có những biểu hiện khác thường. Đang là một đứa trẻ tinh nghịch thì giờ con có phần trầm tư hơn. Ngày trước con rất thích được ra phố với mẹ hoặc chơi đùa cùng các bạn trong ngõ, nhưng thời gian này rủ con ra khỏi nhà con không muốn đi. Đặc biệt, con rất ương bướng và hay giấu đồ đạc nhỏ trong nhà như: Điện thoại, bút viết, đồng hồ đeo tay, chìa khóa cửa… khi phát hiện hỏi thì con chối bay, không nhận lỗi và nhất định không tìm lại đồ đã giấu. “Cao điểm nhất là vừa qua cả nhà phát hiện ra số tiền vài triệu đã “không cánh mà bay”. Thì ra, con lấy tiền mẹ để trong ví rồi vứt qua cửa sổ xuống dưới đường. Khoảng 30 phút sau, con tự nói với người nhà là thấy con chuột vứt tiền bay ở ngoài cửa sổ. Lúc này cả nhà mới thảng thốt nhận ra rõ hơn sự “không bình thường” ở con vì từ trước tới nay con chưa bao giờ có những hành động như vậy và đây không phải lần đầu con nhìn thấy tiền. Gia đình rất lo sợ nếu tiếp tục học online, không được đi học gặp thầy cô và các bạn, e rằng con sẽ có những rối loạn về tâm thần”, chị Lan lo lắng.

Chia sẻ về việc học online của con, chị Trúc Anh, quận Cầu Giấy (Hà Nội) tâm sự:  Con trai tôi năm nay học lớp 4. Đây là lần thứ ba cháu đã phải học oline do dịch bệnh Covid-19. Hai lần học trực tuyến trước, con còn tập trung nghe cô giảng bài và cu cậu vẫn ở trạng thái “bình thường”. Còn đợt ba này đã khác. Trong giờ học, con ít tập trung, hay ngọ nguậy, làm việc riêng, sự tương tác với cô giáo không được tốt. Ví dụ đang học thì con lại tắt camera đi rồi đi ra khỏi chỗ ngồi “múa võ” một lúc; rồi hý hoáy bật nhạc, đặt hình nền, nhắn tin ở zalo cho bạn bè, anh chị em họ trong khi không muốn nói chuyện trực tiếp với bố mẹ.

Các vấn đề tâm lý của học sinh có dấu hiệu bệnh lý

Ở góc độ tâm lý, tiến sĩ Lê Minh Công, chuyên ngành tâm lý học lâm sàng cho rằng, trẻ em, nhất là lứa tuổi Tiểu học, cần phải vận động và học tập thông qua các hoạt động trên lớp để có thể tiếp nhận kiến thức và kỹ năng một cách tốt nhất. Đồng thời, nhờ các hoạt động đó trẻ mới hình thành thái độ, cảm xúc, phát triển nhân cách. Chính vì thế, khi học trực tuyến dài ngày có thể dẫn tới nhiều khó khăn của trẻ như thay đổi thói quen sống và sau này khó thích ứng trở lại. Trẻ có thể gia tăng những cảm xúc tiêu cực do phải tiếp xúc với màn hình máy tính quá lâu, gia tăng sự khó khăn trong kết nối xã hội với thầy cô, bạn bè.

Theo các chuyên gia: Trẻ cần phải vận động và học tập thông qua các hoạt động trên lớp để có thể tiếp nhận kiến thức và kỹ năng một cách tốt nhất.

Theo các chuyên gia: Trẻ cần phải vận động và học tập thông qua các hoạt động trên lớp để có thể tiếp nhận kiến thức và kỹ năng một cách tốt nhất.

Theo TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, các vấn đề tâm lý của học sinh không chỉ còn ở mức "nguy cơ", mà đã bộc lộ thành nhiều biểu hiện rõ rệt, có dấu hiệu bệnh lý. Các vấn đề tâm lý hướng nội phổ biến là hiện tượng stress, lo âu, thậm chí trầm cảm và các rối loạn cảm xúc khác. Ở phương diện hướng ngoại là các hành vi bột phát, hung tính, nghiện game. Các nghiên cứu cũng chỉ ra những hành vi lệch chuẩn, bắt nạt qua mạng, xung đột với cha mẹ và các thành viên trong gia đình và sự phân tán, sao nhãng chú ý ở trẻ diễn ra phổ biến trong thời gian giãn cách xã hội. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm.

TS. Hoàng Trung Học cho biết, về mặt nguyên tắc, các hiện tượng tâm lý, trong đó có các rối nhiễu sẽ xuất hiện và duy trì khi các tác nhân gây ra chúng còn tồn tại, đồng thời sẽ mất đi khi những tác nhân duy trì không còn. Đối với những trẻ gặp khó khăn tâm lý ở mức độ nhẹ, chưa nghiêm trọng không quá lo ngại. Khi thời gian giãn cách xã hội kết thúc, cuộc sống trở lại bình thường thì các vấn đề tâm lý của học sinh cũng sẽ tự động được điều chỉnh. Đối với những em có vấn đề rối loạn hành vi và cảm xúc nghiêm trọng, đã đến mức bệnh lý, thì rõ ràng có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển tâm lý, nhân cách và khả năng học tập của học sinh cần hỗ trợ can thiệp ngay. “Trong bối cảnh cấp bách của việc chống dịch, học trực tuyến là một đòi hỏi tất yếu để đảm bảo yêu cầu vừa chống dịch, vừa đảm bảo quyền lợi được học của học sinh. Việc còn lại là chúng ta phải có biện pháp chuyên môn để hạn chế tối đa các vấn đề tâm lý cho trẻ”, TS. Hoàng Trung Học nói.

Mong con đến trường nhưng phải an toàn

Đến ngày 12/10, có 23 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp; 8 địa phương kết hợp vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; 32 địa phương phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình. Sau một thời gian dài giãn cách, các con phải học trực tuyến, phụ huynh đều có chung mong muốn cho con sớm đi học trực tiếp trở lại. Tuy nhiên, việc quyết định cho học sinh đến trường cần sự cân nhắc để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, những ảnh hưởng của việc trẻ phải học trực tuyến là đã nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, việc cho trẻ học trực tuyến là nhằm thực hiện mục tiêu kép trong phòng, chống dịch. Theo chỉ đạo của Chính phủ, những địa phương an toàn sẽ sớm cho học sinh trở lại trường học trực tiếp sau khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng như của địa phương. “Chỉ nên cho trẻ đến trương khi đã thật sự an toàn. Tại một số địa phương như Nghệ An, Bắc Ninh,… học sinh đến trường được ít hôm bị lây nhiễm Covid-19 phải cách ly điều trị, một số phải cách ly y tế, một số quay lại học trực tuyến”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo bộ tiêu chí của Bộ Y tế, Hà Nội, Quảng Ninh là những địa phương đáp ứng được tiêu chí dịch bệnh cấp 1, được mở cửa trường học trở lại. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng "chưa thật sự an toàn". Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở cho hay việc cho học sinh trở lại trường là mong muốn của nhiều người nhưng "còn nhiều khó khăn". Hiện, Sở GD&ĐT đã xây dựng nhiều phương án để học sinh trở lại trường. Trong đó, phương án được đánh giá khả thi nhất là cho những khối lớp đầu và cuối cấp đi học trước, sau đó mở cửa dần.

Nếu các con chưa được tiêm vaccine, môi trường chưa thật sự an toàn thì chưa nên để các con quay lại học trực tiếp.

Nếu các con chưa được tiêm vaccine, môi trường chưa thật sự an toàn thì chưa nên để các con quay lại học trực tiếp.

Sau khi nhận được email từ công ty thông báo đi làm trở lại từ ngày 13/10, chị Hoài Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) chuyển cả nhà về nhà bà ngoại. Chồng là bộ đội thường xuyên xa nhà, công ty chị cách nhà gần 10km nên nếu đi làm chị chỉ còn cách nhờ bà trông con. “Nhà có bé lớp 2 và bé đang học lớp 5, ngoài việc lo ăn uống thì quan trọng nhất là nhờ bà trông con học online.  Không phải là nhờ bà hướng dẫn các bé mà canh giờ… tắt Internet. Nếu để hai chị em tự học thì không đời nào tự giác rời máy tính. Vì vậy, mình nhờ bà xem thời khoá biểu, hết giờ học là rút dây mạng luôn, đến buổi chiều nếu có học mới cho vào lại”, chị Phương nói.

Anh Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng bày tỏ sự lo lắng khi quay lại chế độ làm việc bình thường nhưng không có ai trông con khi ông bà nội ngoại đều ở xa không thể gửi con. "Một bạn bé 4 tuổi, một bạn lớp 2 rất cần phải có người ở nhà hỗ trợ cơm nước, học hành. Trường học chưa mở cửa nên hiện tại dù công ty báo đi làm nhưng xin nghỉ phép để trông con cho vợ đi làm. Chúng tôi mong TP có mốc thời gian cụ thể thu xếp công việc. Nếu ngày 1/11 đi học thì còn xin nghỉ làm hay gửi gắm người này người khác, đầu tháng 12 thì có khi nhờ bà ở quê ra trông. Hoặc hết hẳn học kỳ I thì có khi tìm giúp việc", anh Trung nói.

Chị Nguyễn Hồng Hiền (Long Biên) cho biết, gia đình và con rất mong được đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, con trai chị năm nay lớp 6 và con mới 11 tuổi nên chưa đủ điều kiện để được tiêm phòng vaccine. Vì thế, việc cho con trở lại trường khi chưa thật sự an toàn khiến chị rất lo lắng. Theo văn bản hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em theo hướng mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. “Nếu các con chưa được tiêm vaccine, môi trường chưa thật sự an toàn thì chưa nên để các con quay lại học trực tiếp. Các con rất hiếu động nên việc thực hiện 5K rất khó”, chị Hiền lo lắng.

VÂN KHÁNH – THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh