CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:46

Người Trung Quốc và "thế giới ngầm" trong kinh doanh du lịch ở Nha Trang

Liên quan đến vụ “Người Trung Quốc và thế giới ngầm du lịch” mà chúng tôi đã phản ánh, chiều 8/6, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, ông đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, tham mưu xử lý.

“Tôi không biết phí bảo kê gì ở đây”

Trước đó, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Trương Đăng Vũ Thụy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Silent Bay (Công ty Silent Bay; TP Nha Trang, Khánh Hòa). Trong khi chờ làm việc, chúng tôi bắt gặp khá nhiều người nói tiếng Trung Quốc (TQ) tại trụ sở công ty này.

Tại buổi làm việc, ông Thụy thừa nhận có hợp tác làm du lịch với ông Yang Ziming, tổng giám đốc một công ty trực thuộc Công ty Du lịch quốc tế Chengdu (Công ty Chengdu - TQ) nhưng không biết Công ty Chengdu cũng như phó giám đốc công ty này là ông Wang Tao (người đứng đơn tố Công ty Silent Bay đòi tiền bảo kê). Việc hợp tác này, theo ông Thụy, chỉ là hợp tác giữa Công ty Silent Bay với cá nhân ông Yang Ziming.

Ông Thụy đưa ra một bản hợp đồng giữa Công ty Silent Bay và ông Yang Ziming. Trong đó, thể hiện các khoản phí (500.000 USD/năm) mà ông Yang Ziming phải trả cho Công ty Silent Bay đúng như trong đơn của Công ty Chengdu đề cập. Giải thích về khoản phí này, ông Thụy cho rằng, đấy là chi phí, là doanh thu của công ty ông. “Tôi phải tổ chức một bộ máy nhân sự cho ông Yang Ziming, phải làm visa cho khách, vận chuyển, bộ phận văn phòng, khách sạn” - ông Thụy giải thích.

Nguoi Trung Quoc va the gioi ngam du lich: Hop tac hay bao ke? - Anh 1

Công ty Silent Bay đưa khách Trung Quốc tham quan chùa Long Sơn (TP Nha Trang) Ảnh: KỲ NAM

Ông Thụy cũng thừa nhận trên cơ sở hợp đồng, ông Yang Ziming có đưa nhân viên là người TQ qua đây làm việc. Ông Thụy phân trần: “Chúng tôi cũng có trách nhiệm mời nhân viên của ổng về đây làm việc. Mời với tư cách là hợp tác vì chúng tôi cũng chỉ phụ trách một bộ phận còn một số công việc chúng tôi phải đưa cho ổng chứ. Về chỗ ăn, chỗ ở cho các nhân viên này thì ông Yang Ziming lo. Những nhân viên ấy làm việc tại đây, còn ăn ở thế nào thì không biết”.

Khi được hỏi về giấy phép lao động của ông Yang Ziming cũng như những người TQ, ông Thụy cao giọng: “Anh không hiểu rồi. Cái chứng chỉ lao động là nếu tôi thuê lao động người nước ngoài. Còn ở đây ông Yang Ziming qua đây hợp tác với Công ty Silent Bay mà. Tôi quan tâm làm gì!”.

Ông Thụy phủ nhận khoản phí bảo kê 500.000 USD/năm mà trong đơn của Công ty Chengdu cho rằng Công ty Silent Bay đòi, nếu không sẽ trục xuất ông Yang Ziming và những nhân viên người TQ về nước. “Tôi không biết phí bảo kê gì ở đây, bảo kê như thế nào. Tôi là doanh nghiệp, tôi đuổi người ta đi bằng cách nào?...” - ông Thụy biện minh.

Về nhiều đoàn khách của Công ty Silent Bay có hướng dẫn viên (HDV) nghi là người TQ, ông Thụy cho rằng có thể đấy là trưởng đoàn người TQ (?). “Trong hiểu biết của họ, họ chỉ trỏ như thế này thế kia thì đó cũng là bình thường thôi” - ông Thụy giải thích và khẳng định việc hợp tác giữa Công ty Silent Bay và ông Yang Ziming vẫn đang diễn ra bình thường.

Hợp tác trái phép

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khả, Trưởng Phòng Việc làm - an toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa), cho biết, theo quy định, người nước ngoài sang Việt Nam làm việc phải có giấy phép lao động hoặc có giấy xác nhận thuộc diện được miễn giấy phép này. “Trường hợp ông Yang Zhiming hay hơn 90 người TQ đến Nha Trang làm nhân viên, HDV du lịch, chúng tôi không biết họ đang làm gì, ở đâu, đại diện pháp nhân nào tại Nha Trang? Chúng tôi khẳng định họ không có trong danh sách cấp phép hay thuộc diện miễn giấy phép lao động của sở. Do đó, việc ông Yang và các nhân viên hoạt động tại Nha Trang là trái pháp luật” - ông Khả khẳng định.

Ông Khả cho biết thêm Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa sẽ lập đoàn kiểm tra việc sử dụng lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Nha Trang.

Theo bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, trên thực tế ngành du lịch đang thiếu nghiêm trọng HDV quốc tế, việc nhiều người nước ngoài hoạt động cho các công ty lữ hành là có thật. “Tuy nhiên, việc hợp tác để người nước ngoài vào lao động khi không có giấy phép lao động là sai, kể cả Silent Bay cũng sai quy định” - bà Trúc khẳng định.

Bà Trúc cũng cho biết mặc dù Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã có đề nghị các đơn vị du lịch nếu có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài thì báo cáo, lập danh sách cụ thể để xem xét và làm việc với Sở LĐ-TB&XH. Thế nhưng, hiện chưa có doanh nghiệp nào đứng ra đăng ký để xin cấp giấy phép lao động theo quy định. “Còn theo quy định của Luật Du lịch, HDV người nước ngoài không được hành nghề trong nước” - bà Trúc nhấn mạnh thêm.

Núp bóng visa du lịch để làm việc là trái phép

Đại tá Phạm Văn Dũng, Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết, theo quy định người nước ngoài muốn cấp thị thực lao động phải có giấy phép lao động của Sở LĐ-TB&XH cấp. Còn đối với thị thực du lịch chỉ có hiệu lực trong 3 tháng, việc sử dụng thị thực du lịch để kinh doanh, buôn bán, lao động đều trái phép.

Silent Bay không chỉ là “sân sau” của gia đình giám đốc sở

Bà Phan Thanh Trúc xác nhận người đại diện cho Công ty Silent Bay trước đây là bà Huỳnh Thị Minh Thanh, vợ của ông Trương Đăng Tuyến (lúc đó là giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, vừa nghỉ hưu). Công ty này có giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế, giám đốc hiện nay là ông Trương Đăng Vũ Thụy, con trai ông Tuyến.

Ngoài ra, theo đơn tố giác của ông Wang Tao, Phó Giám đốc Công ty Chengdu, người đại diện cho Công ty Silent Bay yêu cầu ông Yang Ziming (đại diện Công ty Chengdu tại Việt Nam) trả khoản phí 500.000 USD/năm gọi là phí bảo kê (chữ tiếng Anh trong đơn là protection fee) vào ngày 4/2/2016, là ông Nguyễn Đức Tấn, đại diện pháp luật Công ty CP Trọng điểm Nha Trang.

Tuy nhiên, ông Tấn phủ nhận việc ông đại diện cho Silent Bay tham gia buổi làm việc vào ngày 4/2/2016, với ông Yang Ziming và việc ông góp vốn vào Silent Bay. “Ông Yang có tìm tới tôi để hợp tác và tôi là người giới thiệu ông Yang làm việc với Thụy. Chừng đó vậy thôi” - ông Tấn nói. Ông Tấn còn cho biết mình đang làm việc với luật sư để gửi đơn lên công an nhờ làm rõ việc mình có tên trong đơn tố cáo của ông Wang Tao.

Trong khi đó, trao đổi vào sáng 8/6, ông Trương Đăng Tuyến xác nhận ông Nguyễn Đức Tấn (em ruột của ông chủ “siêu dự án Nàng tiên cá” Rusalka Nguyễn Đức Chi) là người tư vấn Công ty Silent Bay. Trả lời việc có hay không ông Tấn góp vốn thành lập Công ty Silent Bay, ông Tuyến phân bua: “Bao nhiêu đâu, mấy đồng bạc. Làm công ty du lịch đấy mà”.

Ông Tuyến khẳng định Công ty Silent Bay được vợ ông thành lập, do lớn tuổi nên chuyển sang cho con là ông Trương Đăng Vũ Thụy, còn mình không can thiệp gì đến việc thành lập, hoạt động của công ty này. Ông nói: “Xin thành lập doanh nghiệp thì bình thường, ai làm cũng được chứ giúp cái gì. Tỉnh này gần 560 doanh nghiệp du lịch thì nhờ là nhờ cái gì, núp ai. Đâu phải có 1 hay 2 cái mà nói”.

Đề cập việc người TQ hợp tác với Công ty Silent Bay không có giấy phép lao động, ông Tuyến lập luận: “Theo luật mình, nếu ổng qua đây làm lâu dài thì đương nhiên phải hoàn thiện giấy phép lao động cho ổng. Giờ người ta đang làm chứ sao không làm. Cái gì cũng phải có thời gian chứ có gì đâu mà vội vàng”.

Ông Tuyến tỏ ra hào hứng với việc du khách TQ tăng vọt ở Nha Trang. Ông say sưa: “Thị trường du lịch Nha Trang hiện nay một năm tăng mấy ngàn phòng. Nếu không có họ thì gọi người ta vô ở cũng không hết phòng”.

Trong khi đó, như nhiều bài báo gần đây phản ánh, việc khách TQ tăng vọt ở tỉnh Khánh Hòa đã nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như “tour tù”, HDV “chui”…

Theo Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh