Gian lận trọng lượng hàng hóa: Người tiêu dùng chịu thiệt
- Y học 360
- 21:46 - 08/10/2015
Kiếm lời hàng tỷ đồng từ... cân “điêu”
Từ trước đến nay, tình trạng “cân điêu, cân thiếu” luôn diễn ra tại các chợ, hàng cóc. Theo bật mí của các bà nội trợ: “càng mặc cả, dân buôn càng cân thiếu, kiểu gì họ cũng thắng!”. Vì thế, không ít người chuyển sang mua hàng đóng gói sẵn của các doanh nghiệp từ đồ khô, thịt cá, rau hay hoa quả đều chọn mua tại siêu thị.
Nước mắm, kẹo đóng gói, ngô đóng gói hay các sản phẩm đông lạnh... những sản phẩm đóng gói có khối lượng nhỏ, nên phần lớn người tiêu dùng không kiểm tra, hoặc tặc lưỡi cho qua vì nghĩ không đáng kể. Người tiêu dùng cho qua, nơi phân phối hàng hóa cũng tỏ ra lơ là kiểm tra trách nhiệm ngay chính tại cửa hàng bán sản phẩm.
Đặc biệt, một số nhà sản xuất thay vì tăng giá bán, bày ra chiêu ăn bớt khối lượng. Vậy là, thay vì tăng giá 5%, nay ăn bớt 5%, lợi nhuận vẫn đảm bảo, người tiêu dùng không phải chi thêm tiền khi mua sản phẩm nhưng thực chất khối lượng đã giảm mà không mấy ai để ý. Đơn cử với mặt hàng nước mắm, một chai nước mắm 500ml có giá 20.000 đồng/chai, hao hụt 5%, tức là người tiêu dùng mất 1.000 đồng. Trung bình một năm, một doanh nghiệp sản xuất ra 3 triệu lít nước mắm, tính ra mỗi năm doanh nghiệp thu lời 3 tỷ đồng.
Nhiều người tin tưởng hàng đóng gói đảm bảo trọng lượng. (ảnh minh họa)
Hiện nay, sai phạm về trọng lượng xảy ra nhiều nhất ở mặt hàng thủy hải sản. Đặc thù sản phẩm đông lạnh cần có đá bào để bảo quản, quy định chỉ cần một lớp mỏng, nhưng rất nhiều doanh nghiệp hám lợi “độn” đá bào nhiều đến mức đá phủ trắng cả sản phẩm. Các sản phẩm đông lạnh đóng gói sau khi rã đông hao hụt đến 30 - 40%, trong khi quy định lượng hao hụt cho phép chỉ 5%. Vì thế, người tiêu dùng bị thiệt một khoản tiền không hề nhỏ do gian lận về trọng lượng của doanh nghiệp bán hàng.
Nhiều sai phạm đóng gói sản phẩm
Chánh Thanh tra Bộ KH&CN Trần Minh Dũng cho biết, sau 2 tháng triển khai kiểm tra chuyên đề hàng đóng gói sẵn trên toàn quốc, báo cáo nhanh kết quả thanh tra tại hơn 30 tỉnh, thành phố cho thấy mức độ vi phạm với đóng gói sẵn là không nhỏ. “Trong số 1.283 đơn vị sản xuất được kiểm tra, có 265 cơ sở có vi phạm. Số cơ sở có vi phạm chiếm trên 20%. Các vi phạm nhiều nhất là thiếu về khối lượng, dung tích so với công bố trên bao bì sản phẩm, chiếm tới 33% số vi phạm. Tiếp đến là những loại hàng hóa có số đơn vị hàng hóa đóng gói sẵn không phù hợp vượt quá tỉ lệ cho phép, hàng hóa đóng gói sẵn không ghi lượng hoặc ghi không đúng đơn vị đo pháp định...Vi phạm nhiều nhất là không đạt giá trị trung bình cho phép, tức là sản phẩm đóng gói bị thiếu hụt vượt ngưỡng cho phép so với số liệu công bố trên bao bì. Chúng tôi đã lưu ý Thanh tra các Sở KH&CN cần chú ý hơn đến việc kiểm tra chất lượng hàng hóa đóng gói sẵn, lấy nhiều mẫu hàng để xét nghiệm, đánh giá việc đảm bảo chất lượng, thành phần như công bố", ông Dũng cho biết.
Được biết, đây là lần đầu tiên Bộ KH&CN triển khai một đợt thanh tra chuyên đề diện rộng đối với hàng đóng gói sẵn, với 16 nhóm hàng hóa nằm trong diện thanh tra gồm: Sữa và sản phẩm từ sữa; thủy sản và sản phẩm từ thủy sản; bánh mứt, kẹo, đường; bia rượu, nước giải khát và nước uống; dầu ăn, muối, bột ngọt, bột gia vị; nước mắm, nước chấm, nước xốt; xà phòng và chất tẩy rửa, nông sản và sản phẩm từ nông sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; dầu nhờn, khí đốt hóa lỏng, sơn; ximăng...
Ngay sau khi phát hiện các sai phạm, Thanh tra các Sở KH&CN đã xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền theo quy định hơn 600 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất phải áp dụng những hình thức khắc phục hậu quả như buộc định lượng lại hàng hóa, buộc công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định, buộc hoàn thiện ghi nhãn sản phẩm theo đúng quy chuẩn...