THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:43

Người tiêu dùng đang bỏ tiền thật, mua hàng giả

Quá tầm cơ quan quản lý?

Bất chấp mọi nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát của các cơ quan chức năng, hàng giả vẫn “sống khoẻ”. Bản thân các cơ quan quản lý cũng thừa nhận khó quản lý hết, do hành vi làm giả, làm nhái trong thời đại công nghệ cao, hết sức tinh vi, khó phát hiện đâu là giả, đâu là thật. Tại buổi toạ đàm chuyên đề về chống hàng giả vừa được tổ chức, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường(Bộ Công Thương), cho biết: “Hiện nay, có những sản phẩm được làm giả tinh vi đến mức ngay cả những chuyên gia của chính DN bị nhái hàng hóa, cũng không thể phân biệt được, phải chờ giám định lại mới biết đó là hàng nhái, huống hồ người tiêu dùng”. 

Hiện nay, các mặt hàng nhái, giả rất khó kiểm soát nhất là các mặt hàng xách tay, đang được rao bán nhan nhản khắp nơi trên các diễn đàn mạng. Với mặt hàng thực phẩm chức năng, các chuyên gia ngành y tế cho biết, việc cấp phép, quản lý mặt hàng này vẫn đang bộc lộ quá nhiều kẽ hở. Bên cạnh đó, khâu cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng còn đơn giản, giữa nhà máy có tiêu chuẩn cao và nhà máy có tiêu chuẩn cơ sở không khác nhau về nội dung khi ghi nhãn đơn vị sản xuất, làm nản lòng các DN đầu tư có chuẩn qui định chất lượng cao. Một lỗ hổng nữa trong khâu quản lý thực phẩm chức năng thuộc về Bộ Y tế, bởi từ rất lâu đã coi mặt hàng này không phải là thuốc, nên chưa có quy định bắt buộc công bố định lượng sản phẩm và không kiểm nghiệm lâm sàng như thuốc chữa bệnh

Quản lý thị trường Hà Nội tiêu hủy hàng giả, hàng nhái.

Thực tiễn hiện nay, qua việc đấu tranh với các loại tội phạm kinh doanh các mặt hàng nhái, hàng giả cho thấy, sự tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực thi (Quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, thanh tra Bộ KH&CN, Hải quan, thanh tra Bộ Y tế...) còn quá nhiều bất cập. Do vậy, việc chống giả, nhái hiện nay chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Ngoài những vấn đề còn tồn tại khiến cho công tác chống hàng giả chưa được hiệu quả như hệ thống luật pháp còn nhiều lỗ hổng, thiếu sót; nguồn nhân lực thực thi công tác điều tra xử lý chưa được tập trung, đồng bộ, thì chính bản thân DN trong nước còn đứng ngoài cuộc chiến chống hàng giả, thậm chí nhiều DN hầu hết xác định phải “sống chung với lũ”.  

Tránh nguy cơ thành “vùng trũng” của hàng giả

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan(Bộ Tài chính):Trong 5 tháng đầu năm 2015, cơ quan chức năng đã xử lý khoảng 80.000 vụ vi phạm, trong đó có 8.800 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tuy phát hiện số lượng khá lớn, nhưng mới có 25 vụ bị khởi tố hình sự với trên 40 bị can. Nhiều DN vẫn chưa có ý thức phối hợp với cơ quan chức năng trong việc xử lý những vụ việc này. Thậm chí, một bộ phận nhỏ chi nhánh bán lẻ của các thương hiệu còn tiếp tay cho hàng giả tuồn vào Việt Nam. Trong thời đại hội nhập, khi hàng rào thuế quan dần dần hạ xuống bằng 0, buôn lậu sẽ không còn là câu chuyện nhức nhối, thay vào đó sẽ là hàng giả, hàng nhái.

 Việt Nam phải tránh nguy cơ trở thành vùng trũng của hàng giả, hàng nhái, đặc biệt trong khi “sức đề kháng” của nền kinh tế với vấn nạn này vẫn chưa cao - Đó là thông điệp được các DN tâm huyết trong nước mang đến tại buổi tọa đàm chống hàng giả, hàng nhái. Trong lĩnh vực sản xuất thép, đại diện một Cty sản xuất, cho biết: “Chỉ cần trang bị một máy in phun đơn giản, các cơ sở dễ biến tôn kém chất lượng thành tôn của nhà sản xuất nổi tiếng để trục lợi. Không chỉ vậy, các DN gian lận không bao giờ xuất hóa đơn, gian lận thuế của Nhà nước nên tôn bán ra thấp hơn hẳn chính hãng, gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của DN chính hãng và chất lượng công trình”. 

“Trước đây, một sản phẩm bị làm giả thường phải mất 6-7 tháng, thì nay thời gian làm giả chỉ khoảng một tháng. Với tốc độ phát triển của công nghệ sản xuất hàng giả, hàng nhái như hiện nay, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hàng giả, hàng nhái sẽ có nguy cơ trở thành một “đại dịch” nguy hiểm, khó kiểm soát” - một DN bày tỏ lo ngại. Thay vì chịu “sống chung với lũ”, một trong những giải pháp chống giả được nhiều DN lựa chọn là dán tem chống giả lên sản phẩm, đặc biệt là tem chống giả điện tử SMS công nghệ cao, các đối tượng làm giả hầu như không có cách nào làm giả được.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), thời gian tới, Cục sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về quyền lợi của NTD cũng như tiếp tục phổ biến rộng rãi về tổng đài 1800.6838 để người dân biết, phản ánh các vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình.

Trước tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt đối với những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) vừa có công điện phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng từ ngày 15/7 - 15/10/2015.

Thanh Nhung

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh