CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:51

Một thương binh nặng lòng với đồng đội

Lăn lộn với công nhân, luôn có mặt ở xưởng sản xuất kể cả ngày nghỉ là cách mà ông Nguyễn Ngọc Sáu chia sẻ công việc, cuộc sống với công nhân của mình mà phần lớn trong số đó là vợ, con của cựu chiến binh, cựu quân nhân - ảnh: Bùi Minh

Tạo việc làm cho hàng chục người thân, con em cựu chiến binh

Tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, tháng 4/1981, ông Nguyễn Ngọc Sáu phục viên, trở về quê hương với sức khỏe yếu, là thương binh 3/4 và phải nằm viện phẫu thuật nhiều lần. Những mảnh đạn nằm trong cơ thể dù đã được lấy ra nhưng mỗi khi trái gió trở trời, mảnh đạn nằm trong đầu lại nhắc nhớ ông về những ngày tháng chiến tranh khốc liệt chưa bao giờ quên.

Lấy công việc và lao động để vượt qua bệnh tật, khi rời chiến trường trở về với cuộc sống đời thường ở địa phương, ông Sáu quyết tâm theo học ở Trường Trung cấp Thương mại Trung ương 2 tại Đà Nẵng, bởi ông tâm niệm, không có kiến thức thì làm việc gì cũng khó.

Dù có kiến thức về kinh tế, nhưng thời gian đầu ông vẫn gặp không ít khó khăn, rồi thất bại. Thế nhưng, ông không nản, bản lĩnh, quyết tâm của người lính lại càng thôi thúc ông. Với suy nghĩ “Thương binh tàn nhưng không phế”, khó khăn không khiến ông chùn bước mà vươn lên mạnh mẽ hơn. Đau đáu với suy nghĩ làm thế nào để vượt khó, làm giàu chính đáng. “Nhiều đêm tôi không sao ngủ được, băn khoăn không biết làm thế nào để vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, đến nỗi chỉ sau một thời gian ngắn mà tóc tôi chuyển bạc” - ông Nguyễn Ngọc Sáu kể.

Ông Sáu cho biết, ban đầu ông lập cơ sở sản xuất gia công hàng mộc, trang trí nội thất. Kinh tế gia đình từ đó cũng dần ổn định, rồi khá giả. “Cơ sở mộc của tôi nếu chỉ để cải thiện kinh tế cho mỗi gia đình của mình thì đơn giản và khỏe quá. Tôi muốn giúp đỡ, tạo việc làm cho vợ con đồng đội nên luôn suy nghĩ, tìm cách mở cơ sở khác, lớn hơn để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn” - ông Sáu bộc bạch.

Thế rồi, sau bao nỗ lực, cố gắng, với mong muốn giải quyết việc làm cho gia đình cựu chiến binh ở địa phương, năm 2007, Công Ty TNHH Gạch tuynel Gia Phú tại Cụm công nghiệp Tây An (xã Duy Trung, Duy Xuyên, Quảng Nam) do ông làm giám đốc ra đời.

Từ một người không có chuyên môn về lĩnh vực mình quản lý, ông Sáu đã phải đi tham quan, tìm hiểu, học hỏi quy trình sản xuất gạch khắp nơi trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu đưa khoa học công nghệ vào dây chuyền sản xuất; rồi tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Giờ thì sản phẩm của cơ sở ông làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ông chia sẻ: “Làm kinh tế trong thời bình cũng khó khăn gian khổ như ra trận. Thành công cũng chưa hẳn đã là tất cả. Thời gian tới, tôi đang nghiên cứu để sản xuất gạch không nung theo xu hướng hiện đại, bảo vệ môi trường và cũng là giảm sức nặng cho lao động, từ đó thu hút được nhiều lao động địa phương hơn nữa”.

Cơ sở sản xuất gạch tuynel của ông Nguyễn Ngọc Sáu - ảnh: Bùi Minh

Được biết, Công ty TNHH Gạch tuynel Gia Phú của ông Nguyễn Ngọc Sáu hiện đang giải quyết việc làm cho 47 lao động địa phương, trong đó có 37 lao động là con em, người thân của các cựu chiến binh, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/ người/ tháng. Sản xuất hơn 7 triệu viên gạch/ năm, mỗi năm công ty của ông Sáu đạt doanh thu hơn 7 tỷ đồng, trừ mọi chi phí, trả lương cho công nhân, ông còn lãi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Lăn lộn với công nhân, luôn có mặt ở xưởng sản xuất kể cả ngày nghỉ, ông cho biết, công việc và lao động cũng là cách để giúp ông vượt qua bệnh tật. Và đó cũng là cách để ông chia sẻ công việc, cuộc sống với công nhân của mình mà phần lớn trong số đó là vợ, con của cựu chiến binh, cựu quân nhân.

Chị Nguyễn Thị Tố Tâm - vợ cựu chiến binh, gắn bó với với công ty từ những ngày đầu thành lập chia sẻ: “Nhờ có anh Sáu tạo điều kiện, tạo công ăn việc làm mà cuộc sống của gia đình tôi mới ổn định hơn, chứ trước đây làm nông nghiệp, cuộc sống gia đình rất khó khăn”. Với thu nhập hơn 5 triệu đồng/ tháng, chị Tâm cho biết, với cuộc sống ở quê, đủ để gia đình chị trang trải cuộc sống và cho lo con ăn học.

Ông Đỗ Thanh Minh - Phó chủ tịch UBMTTQVN Thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết: Ở công ty, ông Sáu là một giám đốc doanh nghiệp sản xuất bận rộn. Tuy nhiên, về địa phương, ông trở thành người của cộng đồng, đảm nhận Trưởng ban Công tác mặt trận, Chi hội phó Chi hội Hội cựu chiến binh thôn. Hết giúp đỡ hoàn cảnh này, ông lại đi thăm hỏi trường hợp khác. Nhiều căn nhà tạm của đồng đội đã được xây mới là do ông hỗ trợ. Người nghèo ở địa phương hay bà con láng giềng gặp khó khăn, hoạn nạn, ông đều sẵn sàng giúp đỡ, cho mượn vốn làm ăn để phát triển kinh tế gia đình.

Đau đáu vì đồng đội

Nhớ về những năm tháng chiến tranh đầy khốc liệt ngày trước, đôi mắt người thương binh già nhìn xa xăm, nhớ lại: “Có những ngày đánh đến 4 trận, đồng đội hy sinh, bị thương rất nhiều. Chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh, có người mất một phần thân thể ngay trước mắt mình, nhưng lại không thể lo cho thi thể hay vết thương của họ vì chúng tôi không được phép dừng lại mà phải tiếp tục tiến lên phía trước cứ ám ảnh mãi trong tôi".

Trở về từ cuộc chiến dù thân thể không còn nguyên vẹn như trước, nhưng ông Sáu luôn tâm niệm, mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã mãi nằm lại nơi chiến trường. Với mong muốn đưa các anh trở về quê hương, nhiều năm qua, ông Sáu cùng những đồng đội còn sống (Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 Quảng Nam, Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) lặng lẽ tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ hy sinh ở biên giới Tây Nam, từng là đồng đội của ông, về lại đất mẹ Quảng Nam. Hơn 34 bộ hài cốt liệt sĩ từ nhiều nơi đã được ông đã cùng đồng đội quy tập đưa về quê hương từ đầu năm đến nay. Năm 2017, Ban liên lạc cũng đã đưa được hơn 120 bộ hài cốt liệt sĩ về với đất mẹ.

Là thương binh, ông không đủ sức khỏe trực tiếp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được an táng ở nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh phía Nam, ông Sáu nhận nhiệm vụ hậu cần, từ việc liên hệ với các địa phương về hồ sơ thủ tục đến chuẩn bị nghi thức đón hài cốt đồng đội về lại quê hương.

“Ông Nguyễn Ngọc Sáu nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương; được dự nhiều hội nghị tuyên dương toàn quốc, nhưng điều quý giá là những nhận xét của bà con lối xóm dành cho ông: “nhiệt tình, có tâm và gương mẫu”. Còn tôi, tôi thấy lấp lánh trong ông là tình người, tình đời, niềm say mê và quyết tâm với công việc của một anh “Bộ đội Cụ Hồ”, một thương binh “tàn nhưng không phế” và nặng lòng với đồng đội...”, bà Văn Thị Liễu - Chủ tịch UBMTTQVN thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam bày tỏ.

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh