Người thắp sáng niềm tin cho trẻ em khiếm thính
- Dược liệu
- 20:17 - 18/11/2016
Hơn 30 năm đồng hành cùng những mảnh đời bất hạnh, cô Trần Thị Ngời cùng tập thể giáo viên ngôi trường mang tên Hy Vọng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp cho rất nhiều thế hệ người câm điếc ở thành phố tìm được niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống và từng bước hòa nhập với cộng đồng xã hội.
Trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng 1, tọa lạc tại số 1 Công xã Pari, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Sắp đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các em học sinh của trường đang hào hứng tập văn nghệ để biểu diễn chào mừng ngày lễ tri ân các thầy cô. Các em tập trung lắng nghe từng thanh âm và theo dõi động tác tay của giáo viên để làm theo. Cách đó không xa là một người phụ nữ có gương mặt hiền hậu đứng dõi theo từng động tác của các em- đó chính là cô Trần Thị Ngời, người sáng lập ra ngôi trường đầu tiên trong chuỗi các trường mang tên Hy vọng dành cho học sinh khiếm thính tại Thành phố Hồ Chí Minh.
73 tuổi nhưng cô Trần Thị Ngời vẫn tận tụy với việc dạy dỗ các em khiếm thính.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết để có được ngôi trường mang tên Hy Vọng 1 và những thành quả như ngày hôm nay, cô Ngời - nay là Hiệu trưởng của trường đã phải trải qua một quá trình đầy gian nan và vất vả. Cho đến bây giờ khi kể lại về quãng thời gian suốt hơn 30 năm qua cô vẫn không khỏi xúc động. Cô Ngời nhớ lại, sau năm 1975 vì đồng cảm với các trẻ em bị khuyết tật thính giác, cô đã chọn vào làm việc ở Trường câm điếc Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương).
Quãng thời gian dạy học ở đó đã dành hết thời gian để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong việc dạy học để rồi khi trở về Thành phố Hồ Chí Minh, cô đã dốc lòng giúp đỡ các em bị câm điếc trên chính nơi mình sinh ra và lớn lên với mong muốn mang đến cho các trẻ em bị câm điếc hy vọng về một tương lai tốt đẹp. Vào những lúc rảnh rỗi, với chiếc xe đạp cà tàng và tấm bản đồ trên tay, cô Ngời đã rong ruổi từng con phố, từng ngõ hẻm trong thành phố để tìm những gặp người điếc và nói chuyện với họ, rồi dẫn họ về nhà mình dạy chữ và học toán hoàn toàn miễn phí.
Cô Ngời nói: “Người khiếm thính nhìn họ có thể rất bình thường nhưng họ bị khiếm khuyết về cái nghe nên họ mất mát rất là nhiều về tư duy cũng như kiến thức. Cho nên tôi thấy cần phải làm một cái gì đó cho những em học sinh dạng khiếm thính để giúp họ hòa đồng được với xã hội”.
Đến năm 1986 cô Ngời đã mở lớp học ngay tại nhà mình ở tại Quận 10 để dạy miễn phí, chủ yếu là đọc, viết, đếm và giao tiếp. Ban đầu lớp chỉ có vài em theo học, sau này "tiếng lành, đồn xa" về một cô giáo tận tụy, biết nói chuyện và sẵn sàng làm bạn với người câm điếc nên nhiều gia đình có con em khiếm thính mang gửi cô dạy ngày một đông. Nhà chật, không đủ người dạy nên cô phải thuê một căn phòng rồi chia ca cũng như tìm thêm người dạy. Hiểu được tình cảm cũng như tâm huyết của cô Ngời dành cho những người khiếm thính, đến năm 1990, cô Ngời được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện, hỗ trợ thành lập Trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng 1.
Cô Ngời cho biết: "Dạy các em bị điếc thật không dễ, vì thông thường các trường hợp bị điếc sẽ kéo theo bị câm, vì vậy đòi hỏi các giáo viên phải có những kỹ năng và phương pháp phù hợp. Mặt khác do bị khuyết tật nên các em cũng khá tự ti và dễ bị tổn thương, dễ bị kích động nên giáo viên phải thật kiên nhẫn, lúc nào cũng nhẹ nhàng và kiềm chế bản thân hết sức có thể".
Cô Ngời đã bỏ ra nhiều năm sinh sống, học tập với người câm điếc để được gần gũi, hiểu được tâm tư của họ để có cách giảng dạy phù hợp nhất, sau đó truyền đạt lại cho các cô giáo trong trường. Đặc biệt với nhiều em học sinh khả năng tiếp thu chậm, cô cũng nhờ các thầy cô giáo dành nhiều thời gian nhiều hơn và kiên trì động viên, khuyến khích để các em không nản.
Cô Đỗ Thị Quý, người đồng hành với cô Ngời suốt 25 năm qua trong việc dạy dỗ các em tại trường Hy Vọng 1 cho biết: "Hiện nay, trường Hy Vọng 1 có 110 em bị câm điếc từ 2 tuổi trở lên theo học ở các cấp học mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở do 31 giáo viên và tình nguyện viên phụ trách.
Đến với lớp học, các em không chỉ được học văn hóa mà còn được các cô giáo tận tình chỉ dạy làm việc nhà để có thể phụ giúp gia đình, các kỹ năng giao tiếp với người bình thường. Thời gian rảnh, các em còn được học làm đồ thủ công mỹ nghệ, học đàn hát, học nhảy, hay làm các món quà lưu niệm để trang trải thêm trong cuộc sống".
Dù còn khó khăn khi nghe âm thanh và hiểu được rành rọt ý nghĩa những câu từ nhưng với tình thương yêu và sự chỉ dạy tận tình của các thầy cô giáo đã giúp các em khiếm thị tại trường có thể tự tin đi tiếp cuộc đời và ước mơ trở thành những người có ích cho xã hội như tâm sự rất đáng yêu của em Giang Tử Lương, học lớp 7 tại trường.
Em Giang Tử Lương chia sẻ: “Em đã học tại trường được 15 năm, em rất yêu trường và các thầy cô ở đây. Ở đây các thầy cô giáo rất yêu thương chúng em. Em đã học được văn hóa, kỹ năng sống, học múa, học võ…Em thấy các cô giáo đã rất vất vả khi dạy dỗ chúng em tập nói và tập nghe nên em cố gắng sau này em trở thành một kế toán”.
Sau hơn 30 năm gắn bó với những học trò đặc biệt, cô Ngời chưa bao giờ ân hận vì quyết định của mình mà coi đó như duyên của cuộc đời. Cô Ngời tâm sự: Có những trường hợp mà phụ huynh tưởng chừng chỉ có thể bỏ mặc, nhưng với sự kiên nhẫn của các thầy cô giáo tại trường, nhiều em học sinh khiếm thính khi học ở đây đã tiến bộ rõ rệt.
Dù không hoàn toàn lành lặn, nhưng ít ra các em không còn là những phế nhân và chúng tôi đã cảm nhận được những tình cảm và sự tri ân mà các em dành cho những người cô, người mẹ thứ hai của mình. Cũng chính sự chăm chỉ, hồn nhiên của các em đã là động lực lớn để các thầy cô giáo tận tình chăm sóc và giảng dạy các em suốt bao nhiêu năm qua ở ngôi trường này.
Giờ đây, mặc dù đã 73 tuổi, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng cô Ngời vẫn tiếp tục cố gắng và dồn hết tâm huyết của mình để đem tiếng nói, niềm vui và nụ cười đến với các em học sinh khiếm thính. Điều mong mỏi nhất của cô là được nhiều người trong xã hội cùng chung tay giúp các em để các em vượt lên tự ti, mặc cảm, biết cách sống tự lập để trở thành người có ích cho xã hội.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Áp cước bản thảo, tác dụng chữa bệnh của Áp cước bản thảo
Tác dụng Áp cước bản thảo, cách dùng Áp cước bản thảo chữa bệnh, hình ảnh, nơi mua, giá bán cây thuốc nam – vị thuốc quý Áp cước bản thảo
5 tháng trước
Tin nên đọc