THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:16

Người sưu tầm ấm trà độc đáo

Ông Vũ giới thiệu những chiếc ấm quý.

Ông Vũ giới thiệu những chiếc ấm quý.

Cái duyên của đam mê

Ông Mông Đông Vũ đã có cả một kho ấm ở tư gia tại phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Tất cả những chiếc ấm với ông đều là những kỷ vật của văn hóa thưởng trà. “Để sở hữu một số lượng như thế, tôi phải trả giá nhiều lắm!”, ông Vũ giãi bày.

Vậy nguyên cớ gì khiến ông đam mê sưu tầm, để rồi trả giá và đến giờ không chỉ là người gìn giữ, mà góp phần bảo lưu văn hóa trà Thái Nguyên nói riêng và trà Việt nói chung?

Một chiều cuối năm, trong không khí chuẩn bị đón xuân, bên ấm trà thơm phức, ông Vũ bộc bạch quãng thời gian mình đã dấn thân sưu tầm. Là người nghiên cứu sách vở, đọc nhiều, đặt nền móng cho Đoàn chèo Bắc Thái xưa kia, ông Vũ có thời gian dài nghiên cứu trà đạo. “Tôi nghiên cứu và nghiện trà đạo, đến nỗi bất cứ ở đâu có trà quý là tìm đến mua bằng được để thưởng thức. Tôi biết, chỉ nghiên cứu thôi chưa đủ mà cần phải sưu tầm những chiếc bình, ấm pha trà để chứng minh thú uống trà nước ta có văn hóa lâu đời. Văn hóa trà nằm trong dòng chảy thời gian của văn hóa dân gian, vì thế hình dáng bình trà thể hiện cho tính cách và giai đoạn lịch sử”, ông Vũ chia sẻ.

Uống trà là nét văn hóa ẩm thực độc đáo của nhiều nước trên thế giới. Nhiều nơi uống trà được nâng lên thành đạo, thành những ý tưởng triết học sâu xa. Nhưng những ý tưởng độc đáo nhất trong quy trình thưởng trà là những chiếc ấm pha. Từ những chất liệu như đất nung, sành sứ, đá, đồng, bạc, ngọc, vàng… các thợ thủ công, nghệ nhân từ xa xưa đã tạo nên vô số kiểu dáng độc đáo. “Bởi thế mà có ấm phật, ấm tứ linh, ấm tiên, ấm long ly quy phụng, ấm tùng trúc cúc mai… mà nước ta có nhiều vùng gốm cổ độc đáo, những nơi cho ra đời ấm trà độc”, ông Vũ cho biết.

Thời trẻ, ông Vũ đã tìm tòi để hiểu sâu về văn hóa trà Việt. Và đó là điều thúc đẩy ông đi tìm những chiếc ấm, bình trà cổ. Cái thuận lợi, là khi còn công tác ở Đoàn chèo Bắc Thái được đi lưu diễn ở khắp nơi. Qua tiếp xúc với người dân, ông đã thấy họ sở hữu những chiếc ấm đặc biệt, nhưng nhiều chiếc bị bỏ quên. Một số vùng khác, người dân thậm chí còn cho không những chiếc ấm đã mất quai, sứt vòi. Qúy ấm, yêu trà, ông đã quyết định sưu tầm. Năm 1986, ông tìm được một chiếc ấm bị vứt ngoài gốc chuối ở huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Người bạn nói, nó chẳng đáng tiền. Ông mang về kiểm nghiệm, thấy rằng đây là chiếc ấm cổ, chứa đựng những giá trị đặc biệt.

Ông Vũ với bộ sưu tập ấm trà.

Ông Vũ với bộ sưu tập ấm trà.

Cái duyên của người chơi

Để “gặp” được ấm tốt, phải có duyên. Một lần, ông xuống Hà Nội, tìm gặp một người nông dân sở hữu chiếc ấm của làng gốm Bát Tràng, nhưng lại để lẫn với những vại muối dưa trong bếp. Đó là chiếc ấm rồng phượng cổ cao, với những nét hoa văn tinh xảo, họa tiết cầu kỳ và kiểu dáng vô cùng sang trọng. Ông Vũ nhớ lại: “Thú thật, lúc đó tôi cảm thấy mình đang đứng trước một người con gái đẹp, rất kiêu sa và muốn sở hữu ngay. Thế mà hỏi tiền, gia đình lại bảo biếu không. Đến giờ tôi vẫn không quên cảm giác sung sướng lúc đó”.

Cách đây 15 năm, một lần đi công tác tại Huế, ông được chiêm ngưỡng chiếc ấm rồng men hoa lam rất cầu kỳ, được sử dụng trong cung vua xưa. Ông Vũ kể: Người chồng thấy tôi say mê chiếc ấm, đồng ý bán. Ông chằng buộc ấm cẩn thận, đi được 10km thì thấy một phụ nữ thuê xe ôm đuổi theo đòi lại. Tôi đành trả lại món đồ. Nhưng lạ lắm, về nhà người cứ bần thần không yên. Tôi đã cố liên lạc với các bạn ở Huế để vào đến lần thứ 3 thuyết phục và đã thành công. Tôi bảo anh bạn đi cùng, cũng là nhà nghiên cứu văn hóa, cứ thuyết phục người vợ, còn tôi thuyết phục anh chồng. Cuối cùng, họ thấy tôi nhiệt tình lặn lội từ Thái Nguyên vào Huế 3 lần chỉ để mua ấm nên đã đồng ý bán.

Mẫu bình độc đáo.

Mẫu bình độc đáo.

Chẳng ít lần, dốc hết ví tiền để mua đồ vẫn không đủ, ông hỏi tiền vợ. Bà vợ cảnh báo: “Ông bị ấm mê hoặc rồi. Người ta thì mang tiền về nuôi vợ, con, còn ông tiền chỉ để mua ấm”. Thế nhưng bà vẫn ủng hộ niềm đam mê của ông và còn đưa tiền cho ông đi mua đồ.

Cần mẫn, dấn thân cho công việc sưu tầm, nhưng phải đến năm 2006 trong Festival trà Đà Lạt, ông Vũ mới chính thức công bố kho ấm quý hiếm của mình. Giới nghiên cứu trà đạo và giới đồ cổ trong và ngoài nước thầm thán phục một nghệ sĩ chèo có được kho ấm quý hiếm. Vào những ngày xuân, rất nhiều khách đến với ông để chiêm ngưỡng và gạ mua một số món, nhưng ông Vũ đều từ chối bán.

Nhiều chuyên gia nước ngoài tấm tắc khi nghe ông giảng về trà. Hơn 300 chiếc ấm của ông với đủ mọi hình dáng kích thước, mỗi chiếc một vẻ, xứng đáng với kỷ lục Việt Nam.

Đất trời đã ban tặng cho Thái Nguyên trở thành vùng đất của cây trà, với những địa phương có thương hiệu nổi tiếng như: Tân Cương, La Bằng, Trại Cà, được coi là Đệ nhất danh trà. Người dân luôn nhủ lòng phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy tiếng thơm đó. Ông Vũ cũng vậy. Vào mùa xuân, năm nào ông cũng có những bài viết về thú sưu tầm và văn hóa thưởng trà. Đó là cách ông thể hiện tình yêu với quê hương, cây trà và “ướp hương” cho một thương hiệu.

THANH XUÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh