CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:21

Người phụ nữ từng “cưa bom đổi gạo” trở thành tỷ phú

Bây giờ đã có trong tay tài sản, nhưng chị Thanh vẫn rất giản dị

Tận cùng tủi cực!

Trước mắt chúng tôi, chị Thanh ngồi đó trong bộ dạng hao gầy, đôi mắt trũng sâu, gương mặt phảng phất nét u buồn. Người phụ nữ ấy kể lại cuộc đời đầy nỗi gian truân của mình trong nước mắt. Chốc chốc, chị phải dừng ngang câu chuyện vì xúc động…

Chị là Phí Thị Thanh, sinh năm 1967, quê ở tỉnh Thái Bình. Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, do gia đình nghèo khó, chị theo các anh chị em vào Nam lập nghiệp. Tại quê hương thứ hai -Bình Phước, chị lên xe hoa về nhà chồng trong niềm hân hoan, chúc phúc của hai họ và bà con lối xóm.

Thế nhưng, hạnh phúc chẳng được tày gang, cuộc hôn nhân rạn nứt từ sau khi chị sinh đứa con gái đầu lòng, và cũng là đứa con duy nhất của chị. “Hôm ấy, khi đang mang thai tháng thứ 7, tôi trèo lên cây điều tỉa nhánh thì bất ngờ bị té, cái thai bị động mạnh nên phải mổ. Một thời gian sau khi mổ, tôi về nhà thì bị đau bụng nên vào viện trở lại mới phát hiện dạ con bị nhiễm trùng cắt bỏ. Nguyên nhân lúc mổ lấy con, bác sĩ phẫu thuật để quên băng gạc trong bụng tôi”. Do không còn khả năng sinh đẻ mà nhà chồng thì muốn có con trai, từ đó chị Thanh bị chồng và gia đình ruồng bỏ. Đó là vào khoảng thời gian năm 1999.

Gia đình tan nát, không còn nhà ở mà phải gánh món nợ khổng lồ từ việc làm ăn thua lỗ, chị Thanh bồng con ra đi. “Bồng đứa con gái còn đỏ hỏn trên tay, lòng tôi chua xót và đầy hận thù. Nhưng tôi phải cố nén nỗi đau, tìm việc làm để tự cứu mình và nuôi con”.

Không nghề nghiệp, chỉ với hai bàn tay trắng, chị Thanh gửi con cho người quen, đi làm thuê đắp đổi qua ngày. Chị kể, có những lúc khó khăn quá, chị đã phải làm nghề cưa bom để kiếm sống. Theo chị thời đó, ở vùng rừng núi bạt ngàn của Bình Phước, bom đạn từ thời Mỹ sót lại rất nhiều. Hàng ngày, chị đi lượm ve chai và thỉnh thoảng nhặt được bom, đạn cũ và mang về…cưa. Công việc cưa bom hết sức nguy hiểm nên thường chỉ có đàn ông mới dám làm, nhưng do quá khổ, chị cũng đánh liều với số phận.

Mùa điều, chị lại đi nhặt điều thuê cho các chủ vườn. Mùa nào việc nấy, chị làm quần quật suốt ngày mà theo chị là “lấy công việc để cho vơi đi nỗi buồn”. Do chịu khó và biết dành dụm nên dần dần chị cũng tích cóp được số vốn nho nhỏ. Thấy người ta buôn trâu bò có lời, chị theo nghề buôn trâu. Mỗi lần đi mua trâu, chị phải lội bộ cùng đàn trâu đi hàng mấy chục km mà thường là đường rừng. Đến đoạn đường có dòng suối chắn ngang, đàn trâu lội ùm suống nước thì chị cũng phải bơi theo chúng. Nhiều hôm, khi lùa trâu qua giữa rừng thì trời đã tối nên chị phải ngủ cùng đàn trâu ở giữa rừng, thậm chí có khi đó là giữa một khu nghĩa địa hoang vắng. Hết buôn trâu, chị chuyển sang buôn xe máy, buôn hạt điều…

 Thành công, tạo việc làm cho nhiều lao động

Vất vả mưu sinh với nhiều công việc khác nhau, nhưng chính nghề thu mua và buôn bán hạt điều, một đặc sản nổi tiếng của vùng đất Bình Phước đã giúp chị làm nên sự nghiệp. Cũng nhờ hạt điều, chị đã dần trả hết nợ nần và còn tích lũy để mua thêm đất lập vườn. Sau 15 năm miệt mài lao động, từ trong gian khó, hiện nay chị đã có trong tay 11ha cao su, 5ha điều đang cho thu hoạch, 70 ha đất mới trồng điều 1 năm. Hiện tại trung bình hàng năm chị thu về từ 5-7 tỷ đồng từ cao su, điều và từ việc kinh doanh mua bán nông sản. Điều mà chị tâm đắc nhất là đã chuộc được căn nhà mà chồng chị đã bán trước đây, vì theo chị đó là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời. Càng hạnh phúc hơn nữa là cô con gái chị giờ cũng đã bước chân vào đại học.

Giờ đây, khi đã có “của ăn của để”, chị vẫn không quên cái thuở cơ hàn. Hàng ngày, người ta vẫn thấy một người phụ nữ thấp bé, nhẹ cân ăn mặc giản dị cặm cụi với công việc. Hết vào vườn cao su trông coi việc cạo mủ, chị lại lên vườn điều làm cỏ, bón phân, mặc dù chị có thuê hàng chục công nhân làm vườn. Theo chị, do lao động đã quen nên giờ ngồi yên chị cảm thấy khó chịu.

Do có nhiều đất trồng điều, cao su nên chị thuê hàng chục công nhân lao động ở địa phương. Không chỉ đem lại việc làm ổn định cho họ, mà chị cũng là người thường ra tay giúp đỡ mỗi khi gia đình họ gặp ốm đau, hoạn nạn.

Ông Điểu Mách 56 tuổi ở thôn Bù Ghe, xã Đắc Nhau, huyện Bù Đăng- người ở gần rẫy của chị kể: Năm 2013, ông bị đau ruột thừa cấp. Nhà ông Điểu Mách ở vùng sâu nên không có xe cấp cứu nên các con ông đã gọi điện cầu cứu chị Thanh. Hay tin, từ Phước Long chị đã lái xe sang Bù Đăng chở ông về bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước cứu chữa. “Nếu không được chị Thanh giúp, giờ chưa chắc tôi còn sống. Không những chở tôi đi cấp cứu, chị Thanh còn cho gia đình tôi mượn 30 triệu đồng lo thuốc thang”-ông Điểu Mách xúc động nói.

Đến nhà anh Điểu Ria (28 tuổi) cũng ở thôn Bù Ghe, chúng tôi nghe anh kể chuyện cách nay khoảng 5 năm, anh bị sốt mà nhà quá nghèo không có tiền chạy chữa nên cứ nằm nhà uống thuốc cây rừng, bệnh ngày càng trở nặng. Khi chị Thanh hay tin, tới nhà đưa Ria vào viện cấp cứu thì anh đã thoi thóp, tính mạng như chỉ mành treo chuông. Mang Điểu Ria vào bệnh viện, chị Thanh cũng bỏ tiền túi của mình để chạy chữa cho anh tới khi khỏi hẳn bệnh. Do được chị Thanh cứu sống và cưu mang nên từ đó Điểu Ria xem bà Thanh như là người mẹ thứ hai của mình.

Đối với người dân ở vùng sâu, xa khu trung tâm, xa bệnh viện nên mỗi khi có ốm đau sẽ rất khó khăn. Sẵn có xe ô tô bán tải dùng đi rẫy cũng như chở hạt điều, mỗi khi người dân trong ấp, sóc bệnh tật thì chị Thanh lại đóng vai trò là người cứu thương. Nhờ chị, nhiều người được cứu sống.

Chia sẻ với chúng tôi, chị bộc bạch: “Ngày xưa tôi từng cơ cực nên thấu hiểu những khó khăn của người khó, bây giờ giúp được đồng bào điều gì thì mình cố gắng làm”.

Tự Ba - Tấn Nhất

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh