Người phụ nữ suýt mất gần 300 triệu sau cuộc điện thoại mạo danh Bộ Công an
- Pháp luật
- 20:20 - 13/04/2022
Giả danh cán bộ cơ quan điều tra gọi điện thoại cho nạn nhân đe dọa vì liên quan đến vụ án đang điều tra. Sau đó, yêu cầu bị hại chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản ngân hàng để “phục vụ công tác điều tra”. Thủ đoạn lừa đảo tuy không mới, nhưng hết sức tinh vi nên nhiều người đã “sập bẫy”, mất cả tiền tỷ.
Đó là câu chuyên của chị Huỳnh Thị Ánh T. (ở huyện Bình Chánh, TP.HCM), khoảng 14 giờ ngày 12/4, có một số điện thoại lạ gọi đến, bên kia đầu giây là giọng của một người phụ nữ. Người phụ nữ này tự xưng là bên Bộ Công an và đang điều tra chuyên án rửa tiền liên quan đến Nguyễn Văn Nam và chị T. nằm trong danh sách nghi ngờ của nhóm tội phạm.“ Tôi nghe đến đây liền cúp máy, sau đó người phụ nữ đó gọi lại yêu cầu tôi phải nghe và làm theo hướng dẫn để cùng Bộ công an phá chuyên án rửa tiền này”. Chị T. kể lại.
“Tôi là người ở quê lên TP.HCM để lập nghiệp, bao nhiêu năm nay làm nghề thợ may nuôi con. Tôi có biết gì về tổ chức rửa tiền gì đâu. Bên kia đầu dây, giọng người phụ nữ nặng giọng “chị là dân thường hay nằm trong tổ chức rửa tiền chúng tôi đang điều tra, yêu cầu chi ra ngân hàng rút hết tiền chuyển vào tài khoản để chúng tôi theo dõi”, chị T. kể lại cuộc điện thoại giữa chị và đối tượng lừa đảo.
Sau đó, đối tượng yêu cầu bà T. không được nói với ai nếu không sẽ bị truy tố và ra ngay ngân hàng rút tiết kiệm, chuyển vào tài khoản của một đối tượng tên Lê Văn Thắng, để cơ quan Công an giữ hộ, sau khi điều tra xong, nếu chứng minh bà không tham gia vụ án rửa tiền, sẽ hoàn trả bà số tiền đã chuyển.
Do lo sợ bị mất tài sản và liên quan đến pháp luật, bà T. đã mang sổ tiết kiệm ra ngân hàng để rút tiền chuyển cho đối tượng tên Lê Văn Thắng theo hướng dẫn của bọn lừa đảo 299.905.000 đồng mà không báo cho gia đình biết.
Tuy nhiên, chị T. hơi nghi ngờ sự việc nên đã kể lại cho gia đình nghe, ngay sau đó gia đình đã tới công an trình báo sự việc. Nhờ sự can thiệp kịp thời từ phía ngân hàng và công an nên số tiền chị T. chuyển chưa đến tay của bọn lừa đảo.
Qua sự việc trên và các nạn nhân đã trình báo bị lừa đảo trong thời gian qua, Thượng tá Lê Văn Dĩnh, Phó trưởng Phòng 8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, nắm tâm lý của nạn nhân, đối tượng sẽ viện cớ đang điều tra nghi vấn liên quan vụ án. Sau đó, chúng yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt, số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản định sẵn. Lấy lý do giữ bí mật điều tra, kẻ gian buộc nạn nhân không tiết lộ sự việc với bất kỳ ai về mục đích chuyển tiền.
Để phòng tránh, không bị “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo, người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định hoặc đăng nhập tài khoản ngân hàng trên các ứng dụng “lạ”, Bộ Công an khuyến cáo.
Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.
Đồng thời, người dân cần cảnh giác, thận trọng với việc cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại của mình cho người khác; không ấn truy cập các đường link lạ trên mạng internet do những người không quen gửi đến.
Đặc biệt, người thân trong gia đình nên phổ biến về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo với những người cao tuổi, để tránh bị mất tài sản. Ngoài ra, khi có nghi vấn, người dân hãy báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc hoặc gọi điện đến Tổng đài 113; hotline 069.219.4053 để được giải quyết.