THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:39

Người phán xử: “Mở đầu như phim Mỹ, kết thúc đúng như phim Việt Nam"

Có thể nói, lâu lắm rồi mới có một bộ phim truyền hình - một bộ phim về tâm lý tội phạm của màn ảnh Việt nhận được sự ca ngợi hết lời của truyền thông về kịch bản, diễn xuất, kỹ thuật làm phim. Khán giả đón đợi từng tập phim và cho đến tập 46 đều tỏ ra khá hài lòng. Thế nhưng, khi tập 47 và cũng là tập cuối cùng khép lại thì ê kíp làm phim lại nhận được khá nhiều “gạch đá” từ những người mà mới hôm trước thôi vẫn còn khen nức nở bộ phim…

Trong tập phim cuối cùng, Lê Thành bị chính bố ruột là  trùm giang hồ Phan Quân bắn chết, Lương Bổng tự sát, còn Bảo "ngậu" lộ diện là cảnh sát hình sự. Vợ chồng Phan Hải - Diễm My và ông trùm Phan Quân không chết nhưng phải vào tù, bỏ lại cậu con trai  bơ vơ không biết sẽ đi đâu về đâu... Hình ảnh đầy ám ảnh khi Phan Quân nhìn cháu nội với khuôn mặt đau khổ bất lực, đoàn xe chạy đi, đứa trẻ bị bỏ lại ở nơi không có bóng người…

Bộ phim kết thúc đầy bi kịch, những cái chết chóng vánh, những sự sắp đặt gượng gạo, màn tiết lộ danh tính K3 của nhân vật Bảo “ngậu” thiếu thuyết phục khiến không ít khán giả bực mình. Ngay cả màn cuối phim, cảnh Bảo "ngậu" đến gặp Lê Thảo và kết thúc bằng cái ôm của hai người  tưởng như  sẽ làm cái kết bộ phim đỡ bi kịch và tươi sáng hơn thì theo nhiều khán giả cũng rất gượng gạo bởi anh trai Lê Thảo - Lê Thành - vừa mất, Bảo “ngậu” lại là kẻ phản bội Phan Thị và Lê Thành.

 

Bi kịch của Người phán xử được đẩy lên đỉnh điểm khi đạo diễn để cho ông trùm Phan Quân bắn chết con đẻ của mình


Rất nhiều người kỳ vọng Người phán xử sẽ không theo một mô típ chung như các bộ phim khác, mà  sẽ có một cái kết đặc biệt và gây bất ngờ. Tuy nhiên, trái với mong đợi, không ít người hụt hẫng, "tụt cảm xúc" vì tính huống phi lý với những phân cảnh diễn ra "nhanh như chớp". Một khán giả nhận xét: kết thúc phim đúng kiểu "Cảnh sát hình sự Việt Nam". Một khán giả khác lại có cái nhìn khá hài hước: “Người phán xử kết thúc chóng vánh hơn cả đội tuyển U22 Việt Nam bị loại khỏi SEA Games 29”.

Không chỉ hụt hẫng, nhiều khán giả còn cho rằng, cái kết của Người phán xử thiếu nhân văn khi khi cảnh sát bắt Phan Quân đã không cho ông ta ôm đứa cháu lần cuối và để nó bơ vơ một mình giữa sự hoang tàn của tập đoàn Phan Thị. Hình ảnh đứa cháu mếu máo chạy theo chiếc xe tù đang chở ông nội thực sự gây ám ảnh. Đồng thời có rất nhiều dấu hỏi được đặt ra về số phận của cu Bin sau mất mát quá to lớn này.

Trên trang FB của nhà báo Chiến Văn- báo Quân đội nhân dân, vốn thường chỉ bàn về những vấn đề chính trị, xã hội, rất hiếm khi thấy anh bàn về phim ảnh. Nhưng sau khi xem xong bộ phim, anh cũng bày tỏ sự thất vọng. Nhà báo Chiến Văn phân tích:  

“Cái kết của Người phán xử quá dở. Giống như hầu hết các phim Việt chiếu giờ vàng khác. Cứ ban đầu hào hứng, kịch tính bao nhiêu, thì kết lại nhạt nhẽo, lộ liễu và sến sẩm bấy nhiêu. Chẳng có nhiều bất ngờ. Có lẽ người ta mải đầu tư chi tiết với thắt mở nút vào hết đoạn đầu và giữa phim rồi nên đến cuối bị đuối.

Một bộ phim mà có quá nhiều người chết một cách không cần thiết. Cái kết lại tròn trịa kiểu: Đã là thiện phải thắng ác. Cứ ác sẽ bị trừng trị. Tròn trịa đến mức chẳng có chút nhân văn và đời thường tí nào.

Chi tiết cậu giao thuốc bỏ chạy rồi bấm nút cho bom nổ thì ngờ nghệch. Cảnh ông Quân bắn Thành hơi vụng. Lương Bổng và em gái Tuấn Tú tự tử cũng nhạt. Chi tiết Phan Quân lên xe thùng rồi rơi nước mắt giã biệt thằng cháu đích tôn không thật sự nhân văn mà chỉ gieo thêm sự ám ảnh. Xong phim, mình chỉ băn khoăn duy nhất là không hiểu cu con trai Phan Hải rồi sẽ đi về đâu? Sao lại để cháu bơ vơ như vậy? Lẽ ra nên đưa cả cháu đi cùng hoặc để lại mẹ cháu bên cạnh thì hay hơn”…

 

Cuối cùng thì ông trùm Phan Quân cũng sa lưới


Trước luồng ý kiến trái chiều về cái kết của bộ phim, trên trang cá nhân của mình, diễn viên Việt Anh (vai Phan Hải) chia sẻ, "Cái kết có thể gây nhiều tranh cãi nhưng dù sao câu chuyện cũng đã khép lại, bộ phim đã kết thúc và để lại một  kỷ niệm đẹp cho cả ê-kíp và hy vọng khán giả truyền hình cũng đồng cảm như vậy. Tạm biệt Người phán xử, tạm biệt Phan Hải, rất cảm ơn cậu đã làm cuộc sống tớ có thêm một bước chuyển thú vị".

Còn diễn viên Hoàng Dũng vào vai ông trùm Phan Quân cho biết:  Tôi nghĩ không có cái kết khác được đâu. Một cái kết tất yếu phải như vậy. Nó gieo vào người xem nhiều suy nghĩ. Nếu ông Phan Quân chưa tham gia vào nhóm tội phạm thì cái kết có hậu, hợp lòng nhiều người là thoả đáng. Nhưng từ khi lao vào con đường đầy mạo hiểm có thể chết trong nay mai, thì không thể nào bảo vệ gia đình của ông ấy. Khán giả theo dõi bộ phim họ yêu thích thường phát triển tưởng tượng nhiều hơn người làm. Đôi khi họ xem theo cảm xúc, theo tình cảm yêu mến của nhân vật. Nếu phim có hậu, không ai chết, kiểu hướng thiện để chiều theo ý kiến khán giả tôi lại thấy chưa phù hợp với diễn tiến mà bộ phim đã có. Phải là cái kết đau đớn để từ đó đưa ra thông điệp cho người xem rằng nếu muốn bảo vệ gia đình bạn phải sống đàng hoàng. 

 

Cảnh đứa cháu nội ông trùm bị bỏ lại, bơ vơ một mình giữa sự hoang tàn của Phan Thị đã để lại nhiều ám ảnh và tranh cãi


Mang vấn đề này hỏi đạo diễn Trần Lực, anh cười khà khà nói: Dạo này tôi có xem phim Việt Nam đâu, truyền hình cáp đầy phim nước ngoài hay,phim hành động của họ hấp dẫn lắm chứ không như phim Việt Nam. Nếu nói về phim hành động thì ở nước ngoài họ có những người chuyên về  dòng phim này, cả đạo diễn, cả diễn viên, họ sinh ra là để đóng dòng phim đó.

“Riêng về Người phán xử thì tuy không xem nhưng tôi có nghe nói rất nhiều. Cái kết làm khán giả thất vọng cũng không có gì ngạc nhiên bởi làm phim bây giờ cũng khó lắm. Và bộ phim này thì như tôi được biết  là được mua bản quyền kịch bản của nước ngoài. Nói thật là phim Việt Nam mua bản quyền mà làm hay được như bản gốc thì khó lắm. Bởi không chúng ta không chỉ “khó” về vật chất, về tư duy làm phim mà còn vấn đề kiểm duyệt phim nữa. Cái kết theo kiểu “thiện thắng ác”  có thể làm nhiều khán giả hẫng hụt khi yêu mến ông trùm xã hội đen nhưng đó là cái kết đúng kiểu Việt Nam. Mà việc bộ phim nhận được sự phản ứng của khán giả hay việc khán giả yêu mến nhân vật phản diện trong phim cũng chứng tỏ bộ phim đã thành công rồi. Hơn nữa đây là bộ phim mang lại rất nhiều tiền, vậy là thành công cả về mặt doanh thu. Điều đó không phải bộ phim truyền hình nào của Việt Nam  cũng làm được…”-đạo diễn Trần Lực nhận định

Có thể nói, dù được đầu tư kỹ lưỡng nhưng Người phán xử vẫn không thoát khỏi những hạt sạn và đi theo vết xe đổ của một số phim Việt Nam trước đây. Tuy nhiên, đúng như đạo diễn Trần Lực nói, nhận được phản ứng của khán giả cũng chính là thành công của bộ phim. Là bộ phim có rating cao nhất trên màn ảnh suốt gần 6 tháng phát sóng, hơn nữa, chỉ với 10 phút quảng cáo trong mỗi tập phim, nhà đài cũng thu về gần 4 tỷ đồng tiền quảng cáo, và qua 47 tập phim số tiền quảng cáo thu về khoảng 190 tỷ đồng. Đây là mức giá quảng cáo cao nhất từ trước đến nay của các phim phát sóng giờ vàng trên VTV và cũng là con số mà rất ít phim truyền hình Việt Nam đạt được từ trước đến nay…

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh