THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 05:27

Cao Bằng: Người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội

 

“Không phải tất cả hộ nghèo đều được hưởng mức hỗ trợ như nhau mà căn cứ theo mức độ thiếu hụt nhu cầu cơ bản mà các địa phương, đơn vị có cách đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực; giảm dần chính sách cấp phát, cho không hộ nghèo mà chuyển sang hình thức cho vay, cho mượn theo cơ chế chính sách cụ thể đến từng đối tượng, nhằm tạo ý thức cho người nghèo tự vươn lên thoát nghèo”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cao Bằng Lãnh Xuân Huyên cho biết. 

Trước đây, theo tiêu chí cũ, hộ nghèo được xét theo tiêu chí đơn chiều (thu nhập). Vì vậy, nhiều hộ sau khi rà soát đã thoát nghèo nhưng vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Thông tin, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục... ở mức cơ bản. Việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường theo hướng đa chiều giúp xác định đối tượng nghèo chính xác, cụ thể, không bỏ sót, bảo đảm công bằng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội. Qua đó hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng, giúp cơ quan chức năng chỉ đạo thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp. Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ được tiếp cận các dịch vụ xã hội, trình độ dân trí nâng lên.

Nhiều gia đình ở Cao Bằng thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sinh sản.


Tại Cao Bằng, với việc tiếp cận và giảm nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều hiện nay là thách thức rất lớn đối với địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, thậm chí có xã tỷ lệ hộ nghèo ở mức trên 80%. Qua tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo phương thức tiếp cận đa chiều đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn tỉnh chiếm 52,36%, trong đó, 52.409 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 42,5% (tăng gần 3 lần so với chuẩn nghèo đơn chiều cuối năm 2015), 12.110 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9,83%. Như vậy, nhiều hộ nghèo từng được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, nâng thu nhập bình quân đầu người lên trên chuẩn và đã thoát nghèo, nay lại tái nghèo do không đáp ứng các tiêu chí theo quy định mới. Theo kết quả điều tra, tiêu chí thiếu hụt cao nhất của hộ nghèo toàn tỉnh là tiêu chí nhà vệ sinh; tiếp đến là tiêu chí thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt (chiếm 42,36%); tiêu chí thiếu hụt về chất lượng nhà ở 36,28%; thiếu hụt về tài sản phục vụ tiếp cận thông tin 32,12%...

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cao Bằng Lãnh Xuân Huyên chia sẻ, với cách tiếp cận nghèo như vậy, năm 2016, tỉnh Cao bằng thực hiện chương trình giảm nghèo theo hướng cải thiện, nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở từng lĩnh vực, địa bàn, bảo đảm sử dụng nguồn lực dành cho giảm nghèo hợp lý, tập trung và hiệu quả. Theo đó, không phải tất cả hộ nghèo đều được hưởng mức hỗ trợ như nhau mà căn cứ theo mức độ thiếu hụt nhu cầu cơ bản mà các địa phương, đơn vị có cách đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực; giảm dần chính sách cấp phát, cho không hộ nghèo mà chuyển sang hình thức cho vay, cho mượn theo cơ chế chính sách cụ thể đến từng đối tượng, nhằm tạo ý thức cho người nghèo tự vươn lên thoát nghèo.

Cao Bằng đã thực hiện chính sách mua 356.681 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ cận nghèo, người hưởng chính sách bảo trợ xã hội hằng tháng tại cộng đồng. Hướng dẫn, đôn đốc xã Dân Chủ (Hòa An) tiếp tục triển khai thực hiện dự án mô hình tạo việc làm công cho người nghèo thông qua đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở quy mô nhỏ; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách bảo trợ xã hội trên 23 tỷ đồng.

Thực hiện Dự án nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp về các cơ chế chính sách mới của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đã tổ chức 14 lớp với 3.227 cán bộ tham gia; tổ chức 2 lớp tập huấn chính sách mới về Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo cho 222 cán bộ cấp huyện và cấp xã của 6 huyện nghèo trong tỉnh. Tổ chức 4 cuộc truyền thông tinh thần tự lực tự cường tại các xã: Lương Can (Thông Nông), Bình Dương (Hòa An) và 2 huyện Thạch An, Hà Quảng với 445 người tham gia, xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm tinh thần tự lực tự cường phấn đấu vươn lên vượt nghèo (do người dân tự thực hiện)...

Với nhiều chính đồng bộ, quyết liệt, năm 2016 toàn tỉnh giảm được 4.346 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo là 3,93%, đạt 197% kế hoạch, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 38,60%.

Sự mới mẻ trong công tác giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều ảnh hưởng không nhỏ trong việc đưa chính sách mới vào cuộc sống. Nhưng với định hướng đúng đắn và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của nhân dân trong tỉnh, việc thực hiện giảm nghèo bền vững trong những năm tới sẽ đạt hiệu quả. Điều này không chỉ thể hiện ở con số thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo mà còn thể hiện ở chất lượng cuộc sống của người dân đã và đang được nâng lên.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh