THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:00

Lực đẩy giúp hộ cận nghèo vươn lên

 

Gia đình chị Võ Thị Hạnh tại buôn Liên Kết 1 (xã Buôn Triết, huyện Lắc, tỉnh Đác Lắc) vốn gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, gia đình chị chỉ biết trông chờ vào gần năm sào ruộng lúa và “ai thuê gì làm nấy” cho nên cuộc sống bấp bênh. Trước hoàn cảnh của gia đình chị, năm 2010, Tổ vay vốn buôn Liên Kết 1 đã hỗ trợ anh chị được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để có thể phát triển sản xuất với số tiền 15 triệu đồng. Anh chị mạnh dạn mua một con bò mẹ để nuôi và sau ba năm gia đình đã thoát nghèo. “Dù gia đình đã nuôi ba con bò đẻ, được xem là hộ thoát nghèo nhưng thực tế cái nghèo vẫn luôn “treo” lơ lửng. Bởi thoát nghèo đồng nghĩa với việc không được vay vốn ưu đãi, nhưng cũng không thể tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng khác do không bảo đảm các yêu cầu từ phía ngân hàng”, chị Hạnh cho biết.

Trong lúc tưởng như bế tắc vì không biết lấy đâu ra tiền để tiếp tục mở rộng sản xuất thì đến năm 2013, khi có quyết định cho vay hộ cận nghèo của Chính phủ, gia đình chị Hạnh trở thành đối tượng được thụ hưởng. Chị được NHCSXH huyện cho vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi hộ cận nghèo. Không những giải quyết được nỗi lo thiếu vốn và không phải bán số bò đang vào giai đoạn sinh sản, chị còn mở rộng được gần một ha ruộng nước. Đến nay, kinh tế của gia đình anh chị đã khởi sắc, có thể trang trải cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học đầy đủ.

Tương tự gia đình chị Hạnh, gia đình chị Phan Thị Hoài Nam ở thôn Thuận Hoan (xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cũng từng là hộ nghèo. Năm 2011, gia đình chị được vay năm triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản, lần hồi làm ăn vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ cận nghèo. Năm 2014, chị tiếp tục mạnh dạn vay NHCSXH 20 triệu đồng từ nguồn vốn hộ cận nghèo, chị đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn. Đến nay, chuồng trại của chị thường xuyên có 30 con lợn nái và 120 con lợn thịt, giải quyết được việc làm cho lao động trong gia đình, thu nhập bình quân hằng năm sau khi trừ chi phí khoảng 130 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình chị cũng có thêm điều kiện để trang trải cho hai con đi học đại học.

Không riêng gia đình chị Hạnh hay chị Nam đã kịp thời nhận được sự trợ giúp của nhà nước trong xóa đói giảm nghèo, hàng triệu hộ gia đình khác trên khắp cả nước đã không còn nỗi lo tái nghèo nhờ chương trình cho vay hộ cận nghèo của Chính phủ. Theo số liệu từ NHCSXH, đến hết ngày 31/1/2017, dư nợ cho vay hộ cận nghèo đạt hơn 29.603 tỷ đồng, chiếm 18,94% tổng dư nợ các chương trình cho vay, với hơn 1,18 triệu hộ dư nợ. Dư nợ bình quân gần 25 triệu đồng/hộ, nợ quá hạn gần 14 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,04% dư nợ chương trình.

Nhìn chung, sau bốn năm triển khai thực hiện Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo đã tạo động lực cho các hộ cận nghèo trên cả nước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững. Trước đây, chỉ có đối tượng hộ nghèo được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, chưa có chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, trong khi ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất mong manh. Do đó, không ít hộ nghèo sau khi vay vốn của NHCSXH đã thoát nghèo nhưng không bền vững. Bởi lẽ chỉ cần gặp rủi ro nhỏ về kinh tế hay gia đình có người đau ốm, tai nạn là họ lại có thể tái nghèo. Chính vì vậy, chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo ra đời thật sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho rất nhiều hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát hẳn nguy cơ tái nghèo. Kể từ khi có chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo, nhu cầu vốn bức thiết của các đối tượng này đã được đáp ứng. Hộ cận nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế gia đình. Hộ cận nghèo được vay mức tối đa 50 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 0,66%/tháng, không phải thế chấp tài sản, được NHCSXH phát tiền vay ngay tại nơi cư trú là điểm giao dịch xã.

Theo Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý, thông qua những hoạt động cho vay, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi giao dịch lưu động tại xã, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ cận nghèo được tiếp cận vốn vay nhanh chóng.

Việc hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo bước đầu đã mang lại hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, cũng theo đại diện lãnh đạo NHCSXH, để có điều kiện tiếp tục mở rộng hoạt động tín dụng, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho hộ cận nghèo thì các bộ, ngành liên quan cũng cần bố trí đủ nguồn vốn để đáp ứng cho vay chương trình. Chính quyền UBND các cấp tiếp tục dành một phần ngân sách địa phương để bổ sung cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. Các bộ, ngành liên quan tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể để đẩy mạnh dịch vụ tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ cận nghèo về giống, tiến bộ kỹ thuật, vật tư,… Có như vậy, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ mới trở thành "lực đẩy" giúp những hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống một cách bền vững.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh