Người M’Nông lưu truyền miền ký ức về hành trình của các Gru
- Dược liệu
- 13:57 - 15/09/2017
Hành trình giữa rừng sâu của các Gru
Ngày xưa những cánh rừng bạt ngàn, động vật ở đây rất phong phú và đa dạng đặc biệt là đàn voi rừng sinh sống nhiều nhất ở Tây Nguyên, từ đây nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng được xem là nghề truyền thống của một số đồng bào dân tộc ở Buôn Đôn. Các Gru săn bắt voi dùng để lấy sức kéo hay trao đổi hàng hóa, chứ không bao giờ giết thịt.
Đi săn voi rừng là công việc gian nan, đối mặt với nhiều mối nguy hiểm nên các thợ săn voi kiêng cử rất nhiều thứ, ở trước cửa nhà có người đi săn voi phải treo một cành cây xanh, ngọn quay xuống dưới đất. Điều này mang ý nghĩa báo hiệu cho những ai đang có việc kiêng cữ như sinh đẻ, ma chay, tự giữ không được vào để tránh xui xẻo. Những chuyến hành trình nơi rừng thiêng, nước độc được các Gru (thợ săn voi) kể lại là những câu chuyện huyền thoại, kì bí. Ông là Ama Đăng (Buôn Trí A, xã Krông Ana) năm nay đã ngoài 70 tuổi, Gru khét tiếng một thời ở huyện Buôn Đôn kể: Cuộc hành trình săn voi vô cùng nguy hiểm, nhiều Gru đã trả giá vì gặp phải những tai nạn của nghề. Ngày ấy, mỗi chuyến đi săn kéo dài năm, bảy ngày, có khi cả tháng. Điều quan trọng nhất là phải có voi nhà. Trước khi đi vào rừng, các gru phải nhờ già làng thực hiện nghi lễ cúng Giàng, gồm ché rượu cần, gà, heo, phải treo một cành cây xanh ở trước cửa, ngọn quay xuống dưới đất. Thợ săn chỉ được ăn cơm với muối, không uống rượu, tránh cãi nhau, kiêng ngủ với vợ, không được tắm bằng xà bông thơm trong suốt 1 tuần. Nếu ai vi phạm điều cấm kỵ sẽ không săn được voi rừng và còn bị Yàng “phạt”, “hành” cho đến chết.
Một cá thể voi rừng được Trung tâm cứu hộ đưa về chăm sóc
Nếu trong ngày xuất quân, trong buôn có người chết hay có người sinh đẻ thì chuyến đi đành phải bỏ. Mỗi đội săn voi thường có ít nhất 4 người, hai người điều khiển một con voi nhà vào rừng tìm nơi ẩn cư của đàn voi. Khi xác định được vị trí ẩn cư và quy trình sinh học của bầy voi, tất cả người trong đoàn phải mai phục. Bằng kinh nghiệm săn bắt lâu đời các Gru sẽ bắt những con voi từ 2-5 năm tuổi, cao không quá 2m. Dưới 2 tuổi voi còn quá non, voi trên 5 tuổi đã hình thành tính cách, việc thuần hóa sẽ khó khăn”. Trong chuyến hành trình nếu là thợ phụ chỉ được đóng khố, ở trần, không được ăn cá màu trắng, ngủ phải nằm thẳng, không được co chân. Khi nào tự tay mình bắt được con voi rừng mới chính thức được xem là Gru. Đến khi bắt được 5 con voi rừng, được mặc quần áo, được che mưa, ăn cá trắng.
Ánh mắt Ama Đăng xa xăm: “Bây giờ, những người thuần thục nghề săn bắt thuần dưỡng voi rừng không còn nhiều, phần lớn họ đã về với tổ tiên, với Yàng. Thêm vào đó, nạn săn bắn voi để lấy ngà, lấy thịt khiến quần thể voi giảm. Mặt khác, số lượng voi ở Buôn Đôn không những không sinh sản mà chết dần, chết mòn. Mỗi con voi ở đây chết là thêm một người bỏ nghề. Rừng ngày càng bị thu hẹp, săn bắt voi rừng đã bị Nhà nước cấm, những cảnh săn bắt nay chỉ còn trong những lời kể của các Gru hay những lần tái hiện cảnh săn bắt trong hội đua voi được tỉnh tổ chức hằng năm.
Khu lăng mộ của vua săn voi (Y Thu Knul) và các Gru
Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, hiện nay tỉnh Đắk Lắk có 44 con voi nhà (trong đó có 2 cá thể voi rừng được Trung tâm cứu hộ đưa về chăm sóc). Đầu tháng 1/2017, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổ chức động vật châu Á phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, Tổ chức chăm sóc voi quốc tế, Vườn thú North Carolina và Tổ chức phúc lợi Động vật hoang dã tổ chức Hội thảo quản lý voi với quy mô lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay. Tại hội thảo, bác sĩ Willem đã công bố: voi mẹ H’Ban Nang của chủ voi Y Tứ tại huyện Lak đã mang bầu và dự sinh vào tháng 9/2017. BS Willem cho biết, ở Đắk Lắk có 7 con voi còn có thể mang bầu, số voi này nếu được chăm sóc tốt thì có thể sinh nở và tới 2045 số voi nhà có thể tăng thêm hàng chục con nữa.
Huyền bí lăng mộ của các Gru
Ai đến Tây Nguyên, nếu có dịp ngang qua những khu lăng mộ của các Gru (dũng sĩ săn voi rừng) nằm tại xã Krông na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, hẳn sẽ không quên được một công trình kiến trúc độc đáo, vừa là một nét văn hoá tâm linh của người đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Chúng tôi đến nhà ông Y Phương (60 tuổi, buôn trưởng buôn trí B, xã Krông Na), người biết rõ tường tận về “vua săn voi”: “Ở đây vua voi thì chỉ có một, còn lại là Gru (dũng sĩ hay nghệ nhân săn voi)”. rồi ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện được truyền lại qua miệng và trí nhớ của hậu duệ trong dòng tộc vua săn voi: Ông Y Thu K’Nul (được vua Xiêm La gọi là Khun Su Nốp, có nghĩa “vua săn voi" bố là người M’Nông mẹ là người Lào. Ông bắt được khoảng gần 500 con voi rừng, được người dân xem là một tù trưởng có nhiều thế lực, uy tín. Trong chuyến đi săn bắt được con bạch tượng quý hiếm, theo tục lệ của người M’Nông hay các dân tộc ở Lào và Xiêm La, voi trắng được xem hiện thân của vua chúa, sức mạnh của quyền lực. Chính nhờ việc bắt được con voi này mà danh tiếng của vua săn voi Y Thu vang danh bốn phương. Sau khi thuần dưỡng xong đã đem tặng cho vua Xiêm La, vì vậy được vị vua nước này quý trọng. Vì nể phục Y Thu nên vua Bảo Đại thường lệnh cho ông tháp tùng trong những chuyến đi săn. Cuộc đời ông tròn 110 mùa xuân (1828 – 1938), sau khi ông qua đời đích thân vua Bảo Đại và người Pháp đã thiết kế lăng mộ có đường hầm dẫn vào bên trong rồi cho các kỹ sư nổi tiếng thời bây giờ xây dựng.
Ông Ama Phương kể về ký ức voi rừng
Chúng tôi theo ông Y Phương vào thăm khu lăng mộ bí hiểm của vua săn voi Y Thu, bên trong cánh cổng sắt đã mở sẳn có khoảng hơn 20 ngôi mộ cổ có kiến trúc độc đáo nằm lọt thỏm giữa khu rừng, sau khi làm lễ vái lạy theo chỉ dẫn của ông Y Phương, bước từng bước cẩn trọng nhẹ nhàng tiến sâu vào trong, dễ nhận thấy ngôi mộ của vua săn voi Y Thu nằm ngay giữa trung tâm khu nghĩa địa, ngôi mộ có hình dáng như một tháp nhọn chọc thẳng lên trời. Khác với những ngôi mộ bề thế của các Gru xung quanh, ngôi mộ của Khun Su Nốp được xây rất lớn nhưng lại không có các hoạ tiết rườm rà cùng các bức tượng chim công màu sắc sặc sỡ, nó mang một vẻ hoang sơ với màu xám xi măng. Ta nhận thấy những dòng chữ trên mộ vua voi trải qua bao năm tháng giữa tiết trời Buôn Đôn không được trùng tu và tôn tạo đã bị bào mòn theo thời gian, mờ ảo không còn rõ, sự bề thế giàu có một thời đã chìm khuất theo thời gian.
Đang mải miết thả hồn theo suy nghĩ, trong không gian tĩnh mịch đến rợn người tiếng nói của ông Y Phương khiến tôi giật mình: “Trước kia đây là cánh rừng bạt ngàn cây cối giữa một thung lũng của xã Krông Na. Sau khi vua săn voi Y Thu K’Nul qua đời, ông được chôn cất ở đây. Khu nghĩa địa này chỉ dành riêng cho những dũng sĩ săn voi nổi tiếng ở Bản Đôn. Nó nằm tách biệt với cộng đồng dân cư, ở đây tồn tại rất nhiều tượng voi và sự huyền bí.
Ông Ama Đăng và bộ đồ nghề săn voi
Cách đây hơn 10 năm, một số kẻ gian lợi dụng đêm tối đã lẻn vào đào trộm mộ của vợ chồng ông Y Thu, lấy đi một số cổ vật của “vua săn voi” và một số cổ vật do quốc vương Xiêm La và các tù trưởng ở Tây Nguyên tặng. Năm 2013 gia đình ông Y Phương đã tự bỏ tiền để xây bờ rào và làm một cánh cổng bằng sắt lớn để bảo vệ khỏi sự xâm hại của kẻ xấu.
Những ngôi mộ bề thế với hình ảnh loài voi rừng hiện diện tại nơi an nghỉ của những Gru huyền thoại gắn liền với chiến tích của người nằm dưới mộ. Khu lăng mộ kỳ bí này đã góp phần nhắc nhở con cháu luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội cũng như tự hào về một thế hệ cha ông kiên cường, anh dũng”.