Người lao động “ngóng” gói hỗ trợ của Chính phủ
- Bài thuốc hay
- 23:59 - 03/04/2020
Dù cắt giảm mọi chi phí sinh hoạt cho gia đình xuống mức thấp có thể thì chị Dung, công nhân ngành in ở quận Long Biên, Hà Nội vẫn rất chật vật để cân đối chi tiêu trong gia đình. Chồng chị làm phục vụ cho một nhà hàng gần nhà, nay nhà hàng đóng cửa phải nghỉ việc.
Cả tháng nay, chị Dung vẫn túc tắc làm vài ngày lại nghỉ vài ngày, mới đây công ty thông báo tạm nghỉ việc, chờ tới khi có thông báo tiếp thì đi làm. "Tôi làm ngành in sản xuất giấy vở bán cho học sinh nhưng hơn tháng nay học sinh nghỉ học hàng ế chất đầy kho. Khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn khi công việc của chồng cũng phải nghỉ. Giờ được Nhà nước hỗ trợ đồng nào hay đồng đấy để đảm bảo cuộc sống chờ qua dịch", chị Dung nói.
Trường hợp như hoàn cảnh chị Dung khá nhiều, Chính phủ đang tính toán để hỗ trợ những lao động có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp nhưng phải nghỉ việc, làm việc bán thời gian, nghỉ không lương khiến nhiều lao động cảm thấy yên tâm hơn. Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid 19 đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng rất lớn của người dân, đặc biệt là công nhân lao động nghèo, những người không có tích lũy.
Anh Hoàng Đình Phúc ở tỉnh Hưng Yên cho biết: "Công nhân đều phải chờ vào lương, giờ nghỉ không lương chẳng có tiền trang trải sinh hoạt phí. Mua gì cũng phải dè dặt, mọi thứ đều giảm bớt đi vì thu nhập giảm hơn, cuộc sống khó khăn hơn. Giờ Nhà nước hỗ trợ, quan tâm như thế chúng tôi bớt khó khăn hơn".
Theo thống kê của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, tháng 4 sẽ có hơn 30% lao động của ngành thiếu việc làm. Trong tháng 5 và tháng 6, việc cam kết nhận hàng của các khách hàng chưa rõ ràng nên có thể số lao động sẽ gặp khó khăn lên tới hơn 50%. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam mong muốn gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng được đưa vào thực thi để gỡ khó cho các doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn lúc này.
Sự đồng hành kịp thời, kịp lúc và hiệu quả của Chính phủ qua các chính sách đang thực thi đã tiếp sức rất lớn cho người lao động, đặc biệt là những người không có tích lũy, kiếm sống qua ngày, nhiều đối tượng khó khăn khác do dịch bệnh. Điều đó còn giúp người dân thêm vững tin và quyết tâm cùng Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng, đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp và người lao động vô cùng khó khăn. Việc Chính phủ hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là giải pháp hết sức cần thiết và giúp họ vượt qua khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, điều ông Quảng băn khoăn nhất là cách thức thực hiện hỗ trợ. "Đối với người lao động có hợp đồng lao động, việc kê khai danh sách tương đối dễ bởi cơ quan Nhà nước, bảo hiểm xã hội đều nắm được con số. Nhưng hiện nay, có những doanh nghiệp không ký hợp lao động với người lao động và số người này bị mất việc và cả những lao động tự do, hiện họ đã về địa phương, vậy phải có cách điều tra, thống kê thế nào để hỗ trợ cho họ, tránh trường hợp người cần được hưởng thì tiền không đến được tay", ông Quảng băn khoăn.
Ông Quảng cho biết, thời gian qua, Tổng Liên đoàn đã có nhiều hoạt động chỉ đạo công đoàn các cấp, vận động đoàn viên và người lao động, chủ sử dụng lao động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. Tổ chức công đoàn đã cùng người sử dụng lao động tìm các giải pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho người lao động; vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng, dịch vụ….
Cùng với việc cho phép các doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid -19 được lui thời gian trích nộp kinh phí công đoàn, Tổng Liên đoàn đang tìm mọi nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp cho đoàn viên công đoàn và người lao động mất việc gặp khó khăn. Đến nay đã có nhiều Liên đoàn lao động tỉnh thành phố triển khai thực hiện như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương đã triển khai hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/người.