Chính phủ bàn quyết sách mạnh gói hỗ trợ an sinh xã hội
- Tây Y
- 04:45 - 02/04/2020
Chính phủ thông qua gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 61.500 tỷ
Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình
Ngày 1/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2020 theo hình thức trực tuyến. Phiên họp được tổ chức với thành phần gọn và ứng dụng công nghệ thông tin để nhiều Bộ ngành, địa phương tham gia.
Bên cạnh công tác chống dịch, Chính phủ đã thảo luận, đánh giá cụ thể tình hình và bàn giải pháp trên các lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề cấp bách cần phải được thực hiện triển khai ngay khi mà nhân dân cả nước đang trông chờ vào những quyết sách mạnh mẽ trong thời gian tới, trong đó có gói hỗ trợ an sinh xã hội.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết phiên họp diễn ra trong bối cảnh COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, lây nhiễm tới trên 200 nước và vùng lãnh thổ, có hàng chục vạn người nhiễm và hàng vạn người tử vong.
Trong bối cảnh như vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống dịch đạt kết quả tốt đẹp. Thủ tướng đã ban hành các Chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch và tại Chỉ thị 16 ban hành ngày 31/3, có đặt vấn đề cách ly xã hội.
Giải thích thêm về vấn đề này, Thủ tướng nói rõ cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong tỏa xã hội mà chỉ hạn chế giao thông. Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì hàng hóa lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường. Bảo đảm làm việc tại nhà bình thường, chất lượng công việc tốt, đặc biệt thời gian công việc. Trong Chỉ thị 16 vừa ban hành cũng đặt vấn đề là có hiệu lực trong vòng 15 ngày, đây là khoảng "thời gian vàng" để hạn chế tối đa việc lây nhiễm ra cộng đồng, vấn đề một số nước đã vấp phải.
"Nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ, tính mạng của nhân dân", Thủ tướng nêu rõ.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng khẳng định: "Chính phủ Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình". Thủ tướng dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới (trong Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19 vừa được công bố chiều 31/3) nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020, không gục ngã, đặt mức tăng trưởng cao nhất.
Quý I/2020, tăng trưởng đạt 3,82%, mức thấp nhất trong 11 năm qua nhưng là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này.
Với điều kiện hội nhập như Việt Nam, chúng ta đã cố gắng giữ vững nhịp độ cần thiết. Chính phủ nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt lo cho người dân, nhất là người, những người thất nghiệp.
Nêu cao tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn
Thủ tướng nhận định, trong 15 ngày tới là thời điểm quyết định để ngăn chặn dịch. Nếu quyết liệt, cách ly xã hội, cách ly người với người thì chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các chủ trương, biện pháp mà Chính phủ đã nêu. Các cấp, các ngành phải tập trung sức chỉ đạo thực hiện quyết liệt những giải pháp có thể có để ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; yêu cầu mọi người dân tích cực chấp hành việc khai báo y tế tự nguyện, phải tự bảo vệ mình, gia đình mình, tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động phòng chống của các cơ quan có chức năng.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Tôi yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khoẻ, an toàn cho người dân. Tôi xin nhắc lại thời gian 15 ngày tới có ý nghĩa quyết định việc dịch có bùng phát trên diện rộng hay không ở nước ta". Thủ tướng mong "từng người, từng nhà, từng doanh nghiệp, từng khu phố, thôn xóm, bản làng, từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng thành phố đều là những pháo đài phòng chống dịch. Từng người dân Việt Nam đều là những chiến sĩ phòng, chống dịch".
Nhân dịp này, Thủ tướng tiếp tục biểu dương các y bác sĩ, nhân viên y tế đã lao động quên mình, chữa trị thành công các ca dương tính. Trong hoạn nạn, khó khăn do dịch bệnh, xuất hiện nhiều tấm gương đáng quý.
Thủ tướng cũng lưu ý, các doanh nghiệp cố gắng không thải hồi lao động. Có bà cụ gần 90 tuổi ở Hà Tĩnh đã mang 5 kg gạo cùng rau trong vườn đi bộ đưa tới điểm cách ly để ủng hộ người bên trong. Có em bé lấy tiền lì xì trong dịp Tết để hỗ trợ phòng chống dịch. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì vận động cùng với Chính phủ, đã huy động bước đầu trên 600 tỷ đồng cho phòng chống dịch. Chúng ta đã nêu cao tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn, chưa bao giờ một khí thế đoàn kết, hỗ trợ quyết tâm như thế ở nước ta trong 3 tháng qua và đặc biệt những tháng gần đây.
Bàn quyết sách mạnh gói hỗ trợ an sinh xã hội
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, về những chủ trương, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư công, bảo đảm an ninh trật tự nhưng trước hết đánh giá tác động trực tiếp nhất của vấn đề này là an sinh xã hội cho người dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Về chủ trương đối với vấn đề an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh đến nguyên tắc chỉ hỗ trợ đối với những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc, không đảm bảo mức sống tối thiểu do COVID-19 gây ra, không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Quá trình triển khai cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, chia sẻ khó khăn với người dân; đồng thời xác định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và bố trí nguồn lực hợp lý giữa Trung ương và địa phương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo đảm an sinh xã hội và đề nghị Chính phủ bàn, thống nhất, công bố ngay một gói hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong lúc khó khăn. Theo đó, gói hỗ trợ an sinh xã hội nhằm khắc phục hậu quả Covid-19 trị giá hơn 61.500 tỷ đồng đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra với 6 nội dung hỗ trợ, với các đối tượng cụ thể .Báo cáo trước Thường trực Chính phủ, ông Dũng nhấn mạnh, đây là những giải pháp về lĩnh vực an sinh xã hội có tính cấp bách được trình Chính phủ góp ý kiến nhằm hoàn thiện gói nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covi-19.
Về hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho người có công với cách mạng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là hỗ trợ bên ngoài mức trợ cấp thường xuyên mà người có công với cách mạng đang được hưởng. Theo đó, kể từ tháng 4,5,6, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng sẽ được nhận thêm 500.000 đồng/tháng/người.
Đối tượng bảo trợ xã hội nhận hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng mức trợ cấp thường xuyên đang được hưởng. Mục tiêu hướng tới đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng kể từ tháng 4 - 6/2020 cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo có trong danh sách thống kê tới ngày 31/12/2019.
Hỗ trợ 1.800.000 đồng cho người lao động. Theo đó, từ tháng 4,5,6, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng.
Hỗ trợ doanh nghiệp vay lãi suất 0 %. Người sử dụng lao động được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0 % với mức vay tối đa là 50 % mức lương tối thiểu vùng trên tháng/người để trả lương người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng. Thời hạn vay không quá 12 tháng. Đồng thời, người lao động cũng có trách nhiệm tự lo nguồn để thanh toán nốt số tiền 50 % còn lại cho người lao động.
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng tới người lao động: Từ tháng 4 - 6/2020, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có hợp đồng lao động mất việc làm sẽ được nhận mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Chiều ngày 1/4, ngay sau khi Chính phủ thông qua Nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh xã hội lên tới hơn 61.500 tỷ đồng với nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho người nghèo, người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trả lời phỏng vấn Đài THVN Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định đây là sự quan tâm sâu sắc, quyết định đúng thời điểm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu bao quát nhất của Nghị quyết này là hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng, giảm sâu về thu nhập. Gói hỗ trợ này tập trung chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Về Quy mô gói hỗ trợ an sinh xã hội này, Bộ trưởng cho biết, dự kiến ngân sách là trên 61.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc điều chỉnh của Nghị quyết này. “Người đứng đầu ở địa phương phải có trách nhiệm giám sát để gói hỗ trợ an sinh xã hội không bị trục lợi. Gói hỗ trợ này phải công khai minh bạch trong dân, để nhân dân, nhất là Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan giám sát chặt chẽ đồng thời sẽ xử lý nghiêm minh tất cả các trường hợp vi phạm trục lợi chính sách”- Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ thì chỉ được hưởng một chế độ cao nhất.
Ngoài ra, ông Dũng cũng thông tin 2 chính sách khác nhằm hỗ trợ đặc thù cho áp dụng quy trình đơn giản hoá, tạo điều kiện cho người lao động gửi hồ sơ đề nghị trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, người sử dụng lao động và người lao động có đóng BHXH bị nghỉ việc tạm vì Covdi-19 được dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng dịch, dẫn đến phải giảm từ 50 % số lao động thuộc diện tham gia BHXH.
Thứ hai, người sử dụng lao động sẽ được nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm, thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng với mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000 đồng/tháng/người.
Như vậy, tổng số tất cả các khoản hỗ trợ của cả ngân sách trung ương và chính sách xã hội là 61.580 tỷ đồng, tương ứng khoảng 2,6 tỷ USD. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 35.880 tỷ đồng, tương đương 1,52 tỷ USD…
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã có tới 153.000 người mất việc hoặc xin nộp hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Hàng triệu lao động ngừng việc trong các ngành như dệt may, da giày, du lịch vận tải, lưu trú, ăn uống…
Dự kiến có thêm hàng trăm nghìn lao động mất việc làm làm tùy thuộc vào mức độ bùng phát của dịch bệnh.
Thảo luận về gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho 6 nhóm đối tượng gặp khó khăn bởi đại dịch Covid 19 nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những người này trong vòng khoảng 3 tháng các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất và cho rằng cần cấp bách có chính sách đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ những đối tượng bị tác động bởi dịch Covid-19 trong bối cảnh hiện nay.
Một số ý kiến lưu ý về nguyên tắc cần hỗ trợ tập trung cho các đối tượng bị giảm sút thu nhập, mất thiếu việc làm không đảm bảo được mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch. Nhà nước và doanh nghiệp chia sẻ để cùng đảm bảo mức sống cho người lao động. Việc hỗ trợ phải được thực hiện công khai minh bạch, không để lợi dụng và trục lợi chính sách; ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách Nhà nước.
"Gói hỗ trợ này được coi là một xã hội đoàn kết, chăm lo, thương yêu nhau, quyết tâm, đồng lòng vừa ngăn chặn đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế xã hội. Việc hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (toàn bộ hộ nghèo, cận nghèo đều được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng) tôi thấy đây là một quyết định nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước"- ông Hà Ngọc Chiến- Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Quốc hội nhận xét tại phiên họp.
Về gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ thống nhất cao dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyển.
Về nội dung hỗ trợ, Thủ tướng đề nghị tính toán việc hỗ trợ 6 nhóm đối tượng trong 3 tháng với các mức nêu trong dự thảo Nghị quyết chặt chẽ hơn nhưng phải đúng nguyên tắc hỗ trợ nêu trên.
Nêu rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng đề cập đến việc giảm giá điện, nước, dịch vụ internet, viễn thông, giảm ít nhất việc thải hồi người lao động.
Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ Công Thương, EVN giảm giá điện 10% với tổng số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng. Tổng giá trị của gói hỗ trợ giá dịch vụ viễn thông vào khoảng 15.000 tỷ đồng.