THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:33

"Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra"!

 

Thay đổi để khẳng định mình

Khi mới 6 tháng tuổi, một trận sốt vi-rút đã làm đôi chân của chị Hường teo lại. Từ đó hai chữ “khuyết tật” gắn liền với chị.

Không đầu hàng với số phận mà bằng sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, giúp chị xua đi những mặc cảm, tự ti trong cuộc sống.

Chị Hường cho biết, hơn 10 năm về trước khi bước chân vào Trường ĐH Quản lý Kinh doanh (nay là Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội). Cũng như những sinh viên mới, chị chưa biết đến thông tin về hoạt động của người khuyết tật (NKT). Lúc đó đó chị cảm thấy rất ngại khi nói về những khiếm khuyết của bản thân, thậm chí chị còn không dám chơi với các bạn bị khuyết tật như mình vì nghĩ rằng mình sẽ khó hòa nhập được. Trong thời gian học đại học, lớp học ở trên tầng, lại không có thang máy cũng như cầu thang dành riêng cho NKT. Do đó, hàng ngày chị phải đi học từ rất sớm để nhờ bạn bè giúp đỡ đưa lên tầng. Đi học đã khó khăn, nhưng sau khi ra trường để tìm được việc làm đối với những người như chị thì còn khó khăn hơn rất nhiều”.

 

Chị Tạ Bích Hường chia sẻ tại diễn đàn.


Theo chị Hường, sự thay đổi của chị bắt đầu từ khi tham gia và trở thành thành viên CLB sinh viên khuyết tật Hà Nội. Chị biết đến CLB sinh viên khuyết tật Hà Nội khi tìm kiếm thông tin về NKT trên mạng, sau đó chị đã đăng ký tham gia và trở thành thành viên của CLB. “Tham gia sinh hoạt ở CLB giúp tôi tự tin hơn khi chia sẻ thông tin với những người xung quanh và các bạn có hoàn cảnh giống mình. Với sự nỗ lực của bản thân cũng như sự giúp đỡ của nhà trường, tôi đã thành lập được một CLB dành cho các bạn khuyết tật đang học tại trường. CLB được thành lập ra, các bạn khuyết tật có thể giúp đỡ lẫn nhau để học tập tốt hơn. Tại thời điểm đó, trường tôi tiến hành xây dựng, sửa lại giảng đường nên CLB của chúng tôi đã cùng viết thư đề xuất việc nên có cầu thang máy và đường dốc, khu vực vệ sinh dễ tiếp cận hơn cho NKT”, chị Hường tâm sự.

Khuyết tật không phải dấu chấm hết

“Năm 2005 tôi có tham gia một cuộc thi dành cho phụ nữ yếu thế và may mắn tôi đoạt giải nhất, từ đó tôi được mọi người biết đến và yêu quý gắn cho danh hiệu Hoa hậu NKT. Tôi càng ý thức hơn mọi việc làm của mình sẽ có ảnh hưởng tích cực đến phụ nữ khuyết tật, điều đó khiến tôi càng có động lực hơn nữa để khẳng định vai trò của phụ nữ khuyết tật trong xã hội. Sau đó tôi được cử đi tập huấn lãnh đạo nhóm ở Thái Lan, Nhật bản đại diện cho thanh niên khuyết tật tham gia diễn đàn toàn cầu tổ chức tại Singapore”, chị Hường kể.

Chị Hường cho rằng, lý do chị tham gia các dự án của NKT một phần để nâng cao kỹ năng của bản thân và cũng muốn tìm hiểu về việc làm của NKT sau khi ra trường để giúp bản thân và những người cùng hoàn cảnh. “Công việc đầu tiên là tôi làm tình nguyện viên hỗ trợ cho dự án Good for business (việc làm cho NKT). Nhóm chúng tôi được trải nghiệm tại các hội chợ việc làm tổ chức ở Hà Nội nhưng khi mang hồ sơ đến thì đều nhận được cái lắc đầu từ chối của nhà tuyển dụng vì hình thức chúng tôi theo họ là không đẹp, mặc dù họ chưa cần biết năng lực của chúng tôi như thế nào”, chị Hường cho hay.

Theo chị Hường, thời gian làm tình nguyện viên, chị được đào tạo bài bản các kỹ năng cá nhân, điều đó đã giúp chị tự tin hơn. Sau khi dự án kết thúc cũng là khoảng thời gian chị tốt nghiệp đại học. Vì đã được trải nghiệm và học hỏi nhiều nên từ một người nhút nhát đã trở nên tự tin trong giao tiếp, đặc biệt chị luôn tin vào bản thân mình. “Với tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi, tôi cũng xin được một việc làm phù hợp ở một phòng vé máy bay và sau này là một công việc tốt ở khách sạn Melia Hà Nội. Dù đã đi làm nhưng tôi vẫn tham gia vào các chương trình, dự án về NKT và các hoạt động giúp đỡ trẻ em thiệt thòi. Tôi cùng với các thành viên trong diễn đàn Ước mơ xanh trao đổi để thành lập nhóm “Những ước mơ xanh Hà Nội”, nơi mà sinh viên khuyết tật, không khuyết tật và người đi làm có thể sinh hoạt, cùng tổ chức các chương trình cho trẻ em thiệt thòi. Tôi được bầu làm Phó chủ nhiệm nhóm này”, chị Hường cho biết.

Từ kinh nghiệm bản thân, chị Hường cũng có những chia sẻ đối với thanh niên khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật: NKT hiện nay có nhiều thuận lợi và cơ hội hơn như, việc tiếp cận và chia sẻ thông tin dễ dàng hơn, có Luật NKT, công ước, thái độ về NKT của cộng đồng cởi mở hơn. Nhiều tổ chức của NKT, Hội NKT được thành lập và các dự án tập huấn nâng cao kỹ năng cho NKT.

Ngoài ra, NKT không nên ỷ lại hay dựa dẫm vào người thân mà hãy tự tin, chủ động hoà nhập, không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng, chịu khó học tập, đặc biệt là tiếng Anh. “Khuyết tật không phải dấu chấm hết, khi cánh cửa này đóng lại một cánh cửa khác sẽ mở ra và bạn hãy dũng cảm vượt qua để khám phá phía sau cánh cửa có gì mới”, chị Hường nói.

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh