CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:23

Bà giáo già 19 năm đi dạy miễn phí cho người khuyết tật

Bà giáo Hồ Hương Nam cùng với các học sinh trong lớp học tình thương. Ảnh: T.G
Từng bị xua đuổi vì vận động trẻ khuyết tật học chữ

Ngôi nhà nhỏ của bà giáo già nằm lọt thỏm trong con ngõ ở phố An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội). Sau màn chào hỏi thân tình, chúng tôi được người nhà của bà đưa đến lớp học tình thương ở Trường THCS An Dương, nơi bà đang dạy học. Bà giáo có dáng người nhỏ nhắn, tóc bạc phơ đang cặm cụi cầm tay một học sinh khuyết tật để luyện cho từng nét chữ. Đó là em Lưu Hồng Dương (SN1981) bị liệt tứ chi và đã vào lớp học này 9 năm nay.

Tiếp đó, bà Nam lại ân cần chỉ bảo một học sinh bên cạnh viết chữ với đôi tay khoèo run run. Cứ thế, 16 em học sinh trong lớp lần lượt được bà chỉ dạy từng ly từng tí. Người thì bà dạy viết chữ, người thì bà giao làm bài tập từ dễ đến khó. 16 học sinh khuyết tật là 16 hoàn cảnh đặc biệt khác nhau. Người cao tuổi nhất đã ngoài 30, người nhỏ nhất năm nay tròn 8 tuổi. Có người bị liệt, người bị câm điếc hay thiểu năng trí tuệ…

Theo chia sẻ của bà Nam, hoàn cảnh gia đình của các em rất đáng thương vì đa phần là nghèo khó. Như trường hợp của em Đỗ Kim Thúy, 26 tuổi nhưng đã theo học ở đây 18 năm. Bố mẹ Thúy mất sớm, em ở với anh trai. Hàng ngày, anh trai đưa Thúy đến đây học, hết buổi lại đón về. Hay em Nguyễn Phương Anh (10 tuổi, bị câm điếc), bố mẹ ly hôn, nhà không có điều kiện đến trường nên bà ngoại gửi đến lớp của bà Nam.

Vừa ân cần chữa bài tập toán cho một học sinh, bà Nam vừa giải thích: “Dạy trẻ bình thường đã khó, nhưng dạy cho trẻ khuyết tật lại còn khó hơn. Mỗi em lại có một trình độ khác nhau, tiếp thu rất chậm. Mình phải nhẹ nhàng uốn nắn dần, có khi phải nửa tháng có em mới nhớ được chữ A, viết tròn trịa chữ O. “Giáo án” cũng vì thế mà linh động theo từng học trò”.

Theo lời kể của người phụ nữ gốc Huế, sau khi tốt nghiệp sư phạm, bà theo chồng ra Hà Nội sinh sống và làm giáo viên tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám. Đến năm 1979 về hưu, bà vẫn tham gia các hoạt động xã hội của phường như công tác dân số, khuyến học, kế hoạch hóa gia đình... Từ việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, bà đã gặp nhiều trường hợp trẻ em khuyết tật không được học hành. Với cái tâm của một nhà giáo, sau nhiều đêm trăn trở, bà quyết định mở lớp để dạy chữ cho những số phận thiếu may mắn.

“Mới đầu đi vận động từng nhà cho các cháu theo học, tôi bị xua đuổi nhiều lắm. Nhiều người không hiểu, lại mặc cảm cho rằng tôi khơi lại nỗi đau. Có người bảo tôi lẩm cẩm, lo chuyện bao đồng. Ban đầu chỉ có hai cháu theo học, nhưng dần dần số lượng tăng lên, có dạo lên tới gần hai chục cháu”, bà Nam tâm sự.

 

Ở lớp học đặc biệt này, bà giáo già vừa dạy chữ vừa động viên, chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn.

 

Nhớ lại những ngày tháng khó khăn, bà giáo 84 tuổi ngấn lệ. Những ngày đầu chỉ có ba cô trò, chỗ học không có, phải lót từng tầm ván để ngồi. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ tìm nơi dạy học, không ít lần bà khóc, lo sợ chuyện dạy học “đứt gánh giữa đường”. “Ban đầu, tôi mượn tạm được trụ sở tuần tra của cụm dân cư số 6, phường Yên Phụ để làm nơi mở lớp dạy. Thế nhưng, được 2 năm thì phải trả lại để xây dựng nhà văn hóa phường. Thấy nhà trẻ gần đấy có một phòng còn trống, tôi lại dọn dẹp sạch sẽ, chỉn chu cho các cháu vào học tạm. Sau nhiều lần tôi lên tận Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ để xin nơi dạy học và được Trường THCS An Dương đồng ý cho tôi mở lớp ngay tại trường”.

Trích lương hưu mua bánh kẹo thưởng cho học sinh

Theo bà Nam, việc dạy học cho trẻ khuyết tật phải thật nhẫn nại, các em vốn hay sợ sệt, mặc cảm, nếu không hiểu và yêu mến các em thì khó lòng có thể “gieo chữ” được. Bà phải vừa dạy, vừa động viên, khuyến khích. Bà Nam chia sẻ, những sự cố xảy ra với lớp học nhiều như cơm bữa. Có em học sinh đang học lăn ra ngủ, có người còn đi vệ sinh ngay trong lớp. Những lúc như vậy bà phải nhẹ nhàng khuyên bảo, chỉ dạy điều sai, lẽ phải. Để dạy cho học sinh câm điếc, bà Nam đã phải lặn lội sang một trung tâm ở quận Thanh Xuân để học ngôn ngữ ký hiệu trong 15 ngày. Buổi tối về nhà, bà dành thời gian đọc và nghiên cứu sách về tâm lý của trẻ tự kỷ, khuyết tật... “Cứ đến thứ Sáu hàng tuần, tôi thường trích một khoản lương hưu của mình mua bánh mì, bim bim, kẹo, thưởng cho các em. Ai cũng háo hức, vui vẻ đón nhận”.

Chị Phạm Hương Giang (45 tuổi, ở quận Tây Hồ), có con bị thiểu năng đang theo học lớp của bà giáo Nam kể: “Trước đây con tôi chỉ ngồi một chỗ, chẳng thể đi học như bạn bè cùng trang lứa. Năm 2010 thấy mọi người giới thiệu, tôi đưa cháu đến đây, giờ con tôi biết chữ rồi, tâm lý cũng vui vẻ hơn. Cô Nam còn dạy cho con nhiều điều hay từ cuộc sống, tôi rất biết ơn và cảm động”.

Em Đỗ Kim Thuý (26 tuổi, liệt nửa người) là học trò lâu năm nhất của bà Nam khoe với chúng tôi: “Bà Nam là người em yêu nhất. Hàng ngày đến lớp được tập thể dục, được viết chữ, được học hát. Vui lắm ạ”.

Nhớ lại những kỉ niệm về lớp học tình thương sau 19 năm, bà giáo già tự hào: “Ngần ấy thời gian gắn bó, chia sẻ với các em khuyết tật giúp tôi hiểu hơn nhiều về giá trị cuộc sống. Những đứa trẻ ấy luôn ngây ngô nhưng chân thành đáng mến. Có em ở cái tuổi dựng vợ gả chồng rồi, nhưng cứ đến lớp là chạy đến ôm hôn cô. Có hôm trời chuyển gió, tôi kêu đau lưng là đám học trò chạy đến thay nhau đấm lưng. Năm ngoái đúng ngày 20/11, bọn trẻ mang hoa đến lớp tặng tôi rồi bặp bẹ nói không rõ lời: “Bà có vui không”. Những lúc ấy tôi hạnh phúc lắm”.

Giờ đây, không chỉ người dân ở trong phường An Dương gửi con em khuyết tật đến học chỗ bà mà những gia đình khó khăn ở phường Nhật Tân, Phú Thượng, phường Xuân Đỉnh hay quận Hai Bà Trưng cũng đưa con cháu đến xin học. Tính đến nay, bà Nam đã dạy học cho gần 100 em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em đã “ra trường”, xin phụ việc được ở bệnh viện, mở của hàng riêng..

Tiễn chúng tôi ra về, bà giáo nhân hậu không giấu nỗi trăn trở: “Bản thân tôi đã coi chúng như con cháu trong nhà nên giờ mà không đến lớp dạy học là ruột gan cồn cào. Khi nào mệnh trời “kéo” đi thì chịu chứ ngày nào còn sức khỏe là ngày đó tôi còn dạy học, kèm cặp các cháu…”.

Nụ cười của học trò là phần thưởng cao quý

Cảm phục trước tấm lòng của bà giáo, năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, bà Hồ Hương Nam được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”. Năm 2015, bà vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Hỏi về cảm xúc của mình khi nhận những phần thưởng cao quý này, bà Nam cười xoà: “Tôi vui chứ, nhưng tôi không dạy học để được người ta tán dương. Tôi đứng lớp là vì tiếng cười của những học trò kém may mắn. Nụ cười của các em là phần thưởng cao quý nhất đối với tôi”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh