THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:15

Người khuyết tật khó tiếp cận giao thông công cộng

Hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được cho NKT

Khảo sát do Tổ chức Người khuyết tật quốc tế thực hiện tại Việt Nam cho thấy, chỉ 11% số công trình cho phép người khuyết tật sử dụng thuận tiện. Còn lại, hầu hết hệ thống giao thông công cộng hiện tại của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của họ.

Tại một số điểm dừng đón khách của xe buýt ở Hà Nội trên các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Giảng Võ, Nguyễn Thái Học... hầu hết các phương tiện đều không phù hợp cho người tàn tật sử dụng, như cửa xe hẹp, gầm xe cao, không có tay vịn, điểm dừng xe buýt không có đường tiếp cận để người khuyết tật có thể lên xe...

Hành khách khuyết tật được tiếp viên xe buýt  giúp đỡ

Theo khảo sát, tại Hà Nội có 9 nhà chờ xe bus nhanh trên toàn tuyến kết nối cầu đi bộ. Chưa kể, trong nhà chờ các điểm bán vé, lối vào cũng không thuận tiện cho người khuyết tật. Lối duy nhất vào nhà chờ xe bus nhanh Thành Công, Hà Nội qua cây cầu đi bộ, theo ông Trung (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bản thân ông hay bất cứ người ngồi xe lăn nào cũng không thể theo lối này.

Ghi nhận tại Nhà hát lớn Hà Nội, không có sự giúp đỡ của người đi cùng và bảo vệ, chị Hoàng Thị Thi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) không thể vào trong được. Từng có nhiều đoàn khách nước ngoài đến đây, trong đoàn có người người khuyết tật, khi thấy không có lối vào cho xe lăn, đoàn khách quyết định quay ra. 

Bà Lê Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Vì ngày mai vốn là người khuyết tật cho biết, hiện người khuyết tật vẫn gặp nhiều khó khăn khi tham gia giao thông, nhất là khi phải di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng như taxi, xe buýt, xe khách do không có phương tiện hỗ trợ, đôi khi còn bị lái xe từ chối với lý do người khuyết tật gây bất tiện cho những hành khách khác.

Bà Lê Minh Hiền chia sẻ: "Thực tế, trên tàu hỏa, xe buýt hoặc ô tô không có dịch vụ tiếp cận cho người khuyết tật lên mà chỉ có hành khách đỡ nhau lên thôi. Hành khách thấy tôi là người khuyết tật thì họ xuống giúp tôi, đưa lên xe chứ các phương tiện đó không có đường lên, lối dốc. Nếu xe không có phương tiện để cho người khuyết tật tự lên thì phải bố trí cho phụ xe hoặc lái xe hỗ trợ người khuyết tật lên xe".

Xã hội phải có trách nhiệm đảm bảo quyền cho NKT

Về các vấn đề này, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của Uỷ ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, chúng ta nhiều khi rất vô tâm, “ích kỷ”, thiết kế các công trình công cộng còn chưa hợp lý và phù hợp cho người khuyết tật tham gia được dễ dàng. 

Từ ngày 15/10/2016, Vietnam Airlines triển khai dịch vụ thuận tiện nhằm hỗ trợ hành khách là người khuyết tật

Chia sẻ về những giải pháp có thể giúp người khuyết tật lên xuống xe dễ dàng hơn, anh Ngô Quang Hiếu, đang công tác tại Hội người mù quận Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng, sàn xe buýt có thêm bậc thấp bằng mặt đường, các tay vịn trên xe buýt, tàu hoả sơn màu vàng đặc biệt có lợi cho hành khách bị khiếm thị, cũng có lợi cho mọi hành khách khác muốn nhanh chóng tìm được chỗ để bám tay khi lên ôtô hoặc tàu hoả. 

Tương tự, nếu phân chia các làn đường trên phố với các đường dành cho người đi bộ, xe đạp và xe máy, đều mang lại sự an toàn hơn cho người tham gia giao thông, đồng thời hỗ trợ tốt cho khách bộ hành là người tàn tật.

"Ở thành phố Hà Nội, tôi vẫn rất khó khăn khi tham gia các phương tiện giao thông, ví dụ như xe buýt. Tôi toàn phải nhờ người mắt sáng nhìn hộ cho số xe buýt, mà nhiều khi không có ai để nhờ cả. Khi đến những nơi công trình công cộng, chúng tôi lại vướng một cái vất vả là với tòa nhà cao tầng, khi đi thang máy, chúng tôi không có một kí hiệu chữ nổi nào để có thể sờ mà biết phải bấm lên tầng bao nhiêu. Hoặc khi có một người khác vào rồi, tầng nhà bị lẫn lộn là chúng tôi lại bị lạc." - Anh Hiếu cho biết.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải, đơn vị tham gia vận tải công cộng phải có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách là người khuyết tật lên, xuống phương tiện giao thông thuận tiện. Phương án trợ giúp phải được thông báo tại các nhà ga, bến đón, trả hành khách tại những nơi dễ thấy. 

“Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết xe buýt, xe khách và tàu hỏa đều chưa trang bị thiết bị hỗ trợ người khuyết tật khi tham gia giao thông. Hiện Hà Nội chỉ có duy nhất hãng taxi Thành Công triển khai dịch vụ "Taxi cho người khuyết tật" với nhiều tiện ích”, ông Liên cho biết.

Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến 2020 phải đảm bảo 50% các công trình có đường riêng cho người khuyết tật. Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận, nhiều chủ đầu tư chỉ làm lấy lệ, cho có. Nhiều tòa nhà, trung tâm mua sắm không có nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật, hoặc nhà vệ sinh có nhưng không sử dụng được.

Cũng vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, vấn đề người khuyết tật chưa được quan tâm là do nhiều nguyên nhân như nhận thức của lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, thiếu nguồn lực... 

Tuy nhiên, khi Việt Nam đã ký công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật thì toàn xã hội phải có trách nhiệm đảm bảo quyền cho người khuyết tật.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, quan trọng nhất chính là sự quan tâm. Nếu có sự quan tâm thì tất cả những khó khăn của từng đơn vị, cơ quan đều có thể khắc phục được. Không thể cứ vin vào những lý do khách quan đó để không làm.

"Chúng tôi là cơ quan điều phối về người khuyết tật cũng sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, tăng cường kiểm tra. Đồng thời, rất mong các cơ quan truyền thông vào cuộc đưa ra những người làm tốt, người làm chưa tốt, địa phương nào làm tốt, địa phương nào chưa làm được... Có như vậy mới có thể thay đổi được tình hình." - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.

THANH NHUNG - CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh