CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:05

Người khuyết tật sẽ được lái ô tô

 

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (gọi tắt là Thông tư 12) quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) đường bộ. Điểm đáng chú ý của thông tư này là lần đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước cho phép đào tạo, sát hạch để cấp GPLX hạng B1 số tự động cho người khuyết tật.

Phải đủ điều kiện

Điều 43, Thông tư 12 về đào tạo lái xe quy định người khuyết tật có đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo thì người học phải có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định, phải đăng ký học tại cơ sở đào tạo được phép đào tạo, phải học đủ thời gian và nội dung chương trình đào tạo theo quy định, được tự học các môn lý thuyết nhưng phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo. Cơ sở đào tạo sử dụng xe hạng B1 số tự động có đủ điều kiện của cơ sở đào tạo làm xe tập lái.

 

Học thực hành tại một trung tâm đào tạo lái xe ở Hà Nội - Ảnh: Bách Việt.

Đối với người khuyết tật không đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo thì cơ sở đào tạo có thể sử dụng ô tô của người khuyết tật để làm xe tập lái. Ô tô của người khuyết tật phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật, bảo đảm các điều kiện theo quy định tại các điểm đ, e, i và k khoản 2 điều 6 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Tương tự, đối với sát hạch để cấp GPLX hạng B1 số tự động cho người khuyết tật, tại điều 44 quy định người dự sát hạch có đủ điều kiện điều khiển xe sát hạch hạng B1 số tự động của trung tâm sát hạch sẽ sử dụng loại xe này để thi. Những người khuyết tật không đủ điều kiện điều khiển có thể sử dụng ô tô của người khuyết tật để làm xe sát hạch. Ô tô của người khuyết tật phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật, bảo đảm các điều kiện theo quy định tại các điểm đ, e, i và k khoản 2 điều 6 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP.

Người khuyết tật cần tham khảo quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe tại Thông tư 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT để tiến hành khám sức khỏe và đào tạo, sát hạch GPLX hạng B1 số tự động.

Tự khai báo tiền sử bệnh

Theo thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT về Tiêu chuẩn sức khỏe đối với người lái xe do Bộ Y tế và Bộ GTVT ban hành, người lái xe hạng B1 (ô tô chở người dưới 9 chỗ, xe tải dưới 3,5 tấn) phải khai đủ tiền sử, bệnh sử của gia đình. Sau đó, người đi khám sẽ phải qua vòng kiểm tra của bác sĩ về tiền sử, bệnh sử. Qua được vòng này, người đi khám mới được khám đủ 8 chuyên khoa lâm sàng và 1 quy định về việc sử dụng các chất ma túy và các chất có cồn bao gồm: tâm thần, thần kinh, mắt, tai - mũi - họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp và chuyên khoa nội tiết (phụ nữ có thêm khoa thai sản).

Người khuyết có một trong các dị tật sau thì không được điều khiển xe: rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 6 tháng; rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi. Chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý: thị lực nhìn xa hai mắt dưới 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính). Nếu còn một mắt, thị lực dưới 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính). Rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây. Song thị (kể cả có điều chỉnh bằng lăng kính). Suy tim độ III trở lên. Các bệnh, tật gây khó thở. Cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng). Sử dụng các chất ma túy. Sử dụng chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định.

Ông Lê Tuấn Đống, Trưởng Phòng Phục hồi chức năng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết Thông tư liên tịch 24/2015 của Bộ Y tế và Bộ GTVT về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe có hiệu lực từ ngày 10-10-2015. Đơn cử, người muốn thi lấy bằng lái A1 (được phép lái xe máy đến dưới 175 cm3) sẽ bị từ chối nếu khi đeo kính vào mà thị lực nhìn xa của cả hai mắt (hoặc nếu còn một mắt) dưới 4/10. Ở nhóm áp dụng với lái xe hạng B1 thì thị lực nhìn xa được nới ra một chút. "Việc quy định thị lực kém không được lái xe là để bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân người lái và cho cộng đồng. Nếu như thị lực thấp quá, không nhìn được đường thì mất an toàn" - ông Đống giải thích. Trong khi đó, một lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết theo quy định hướng dẫn tiêu chuẩn sức khỏe lái xe, người cụt một bàn chân nhưng chân còn lại và 2 tay nguyên vẹn thì vẫn đủ điều kiện để thi bằng lái xe hạng B1.

Trước lo ngại về việc cơ sở khám chữa bệnh bỏ qua hoặc "nương nhẹ" với tình trạng bệnh lý để người học lái xe có thể "lọt" qua vòng kiểm tra sức khỏe, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết cơ sở y tế cấp chứng nhận về sức khỏe cho người học lái xe phải chịu trách nhiệm về vấn đề này trong quá trình thăm khám. Việc người khám sức khỏe trước khi đào tạo lái xe phải qua nhiều vòng như vậy nhằm bảo đảm đủ điều kiện về sức khỏe. Trước đây, tờ khám sức khỏe chỉ có 1 trang A4 nhưng nay là 4 trang, trong đó người học lái xe phải tự khai báo tiền sử bệnh của gia đình và bản thân. Thời gian hiệu lực của giấy khám sức khỏe (có ảnh rõ nét) chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng.

Với quan điểm của người dạy lái xe, ông Trần Lâm Đằng, Trung tâm Đào tạo lái xe Việt Thanh (Hưng Yên), băn khoăn việc đào tạo lái xe cho người cụt chân phải. "Với xe số tự động, hệ thống phanh và ga nằm ở bên phải, trong khi nếu cụt chân phải, người lái xe buộc phải sử dụng chân trái thì có thể sẽ không thuận so với hệ thống. Do vậy, với người khuyết tật chân phải khi học lái xe có thể phải đặt những dòng xe được cải tạo phù hợp để bảo đảm quá trình lái xe được an toàn" - ông Đằng nói. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh