Người khởi xướng phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”
- Văn hóa - Giải trí
- 13:16 - 29/04/2015
*Một thời để nhớ
Sinh ra và lớn lên ở đất Cố đô, nhạc sỹ Tôn Thất Lập ngay từ nhỏ đã được đắm mình trong những giai điệu âm nhạc truyền thống của ca Huế. Niềm đam mê, tình yêu âm nhạc vì thế sớm nảy nở trong tâm hồn vốn nhạy cảm của ông. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, từ hồi còn là sinh viên, nhạc sỹ Tôn Thấp Lập đã có nhiều ca khúc trữ tình lãng mạn được nhiều người biết đến như: “Những con đường nhỏ”, “Tiếng hát về khuya”… Ngay trong giai đoạn khởi đầu dấn thân vào con đường âm nhạc, ông đã có tập ca khúc “Phố ca” gây được ấn tượng trong lòng công chúng yêu âm nhạc.
Nhạc sỹ Tôn Thất Lập.
Hầu hết những ca khúc mà ông sáng tác trong giai đoạn này đều phảng phất âm hưởng âm nhạc dân gian xứ Huế. Ca từ bắt đầu có xu hướng đi sâu khai thác về thân phận con người, về tình yêu lứa đôi với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa ngọt ngào và cay đắng… ca khúc của ông vì thế chiếm được cảm tình của công chúng nhất là thanh niên học sinh, sinh viên. Họ tìm thấy trong âm nhạc của ông sự đồng cảm, yêu thương và chia sẻ với thân phận con người một cách chân thực và sâu sắc. Tuy nhiên giai đoạn sáng tác này của ông cũng dần tạm lắng xuống, nhường chỗ cho những cung bậc cảm xúc mới mẻ hơn, mạnh mẽ hơn, dũng khí và hào sảng hơn. Đó là những năm tháng đánh dấu sự dấn thân của ông trong sự nghiệp tranh đấu vì hòa bình, thống nhất đất nước với những ca khúc tràn đầy niềm tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc.
Nhạc sỹ Trần Long Ẩn nhớ lại, năm 1968 với cương vị Trưởng Đoàn văn nghệ sinh viên-học sinh Sài Gòn, Chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác (Tổng Hội sinh viên Sài Gòn),Tôn Thất Lập cùng một số nhạc sỹ trẻ trong lực lượng sinh viên thời ấy đã khởi xướng thực hiện phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Trong đó lực lượng nòng cốt gồm các nhạc sỹ: Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Nam, La Hữu Vang, Trần Long Ẩn, Nguyễn Phú Yên với tôn chỉ mục đích chính là chống lại các khuynh hướng văn nghệ phi dân tộc, phi thuần phong mỹ tục, phản đối chiến tranh, đòi dân chủ và hòa bình thống nhất đất nước.
Ngay sau khi được triển khai thực hiện, phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã có sức lan tỏa rộng lớn với những cuộc hội thảo, những đêm không ngủ, những cuộc xuống đường phản chiến rầm rộ.Trong đó có chiến dịch đốt xe Mỹ bằng những chai xăng của lực lượng thanh niên học sinh, sinh viên các trường đại học ở nhiều đô thị miền Nam thời ấy, đã khiến cho người Mỹ nhiều phen khiếp sợ. Gây ấn tượng nhất là những hoạt động văn nghệ trong Hội Tết Quang Trung Sài Gòn (1967), đêm nhạc Tôn Thất Lập ở Đại học Dược khoa Sài Gòn (1967), đêm thơ nhạc ở Đại học Khoa học Huế (1967), đêm văn nghệ vì hòa bình tại Đại học Nông lâm Sài Gòn (1969)… Đó thực sự là những đêm “Hát cho đồng bào tôi nghe” khẳng định tính chiến đấu mạnh mẽ, quyết liệt của phong trào sinh viên, học sinh ở khắp miền Nam.
Trong những đêm văn nghệ ấy, những ca khúc của nhạc sỹ Tôn Thất Lập như: “Xuống đường”, “Hát trong tù”, “Lúa reo trên khắp đồng bằng”, “Tiếng gọi sinh viên” và tiêu biểu là ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” lan tỏa đánh thức lương tâm, nhiệt huyết của tuổi trẻ xuống đường tranh đấu vì hòa bình. “Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào. Hát qua đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù. Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên. Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang. Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang” (Hát cho dân tôi nghe).
Ca khúc này của ông khi ấy giống như lời hiệu triệu không chỉ với thanh niên học sinh, sinh viên mà cả các tầng lớp khác trong xã hội chung sức, chung lòng vùng lên tranh đấu. Bất chấp sự đàn áp bằng dùi cui, lựu đan hơi cay và những gọng kìm vây ráp, truy bắt của cảnh sát chính quyền Việt Nam Cộng hòa “Hát cho dân tôi nghe” cứ vang lên, lan truyền, bay qua đầu thù không một vũ lực nào ngăn cản được. Ông chia sẻ, “Hát cho đồng bào tôi nghe” khởi đầu là một phong trào tự phát, với lực lượng nòng cốt là Đoàn văn nghệ sinh viên, học sinh Sài Gòn , sau đó phong trào này được đặt dưới sự lãnh đạo của cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, với mục tiêu chính là góp phần làm vũ khí đấu tranh ở các đô thị miền Nam.
Năm 1973, ông qua Paris (Pháp) học tập để nâng cao trình độ nhưng vẫn luôn theo dõi tình hình chiến sự qua đài, báo chí. Trái tim ông luôn khắc khoải nỗi nhớ miền Nam và những ngày xuống đường tranh đấu. “Nhớ về miền Nam” là một trong những ca khúc ông viết trong những tháng ngày ở Paris nỗi niềm đau đáu, day dứt, nặng tình với quê hương còn chìm trong khói lửa chiến tranh : “Có phải sáng mai nào khi nghe hai tiếng miền Nam. Anh đang mơ cánh chim từ vùng lửa đỏ. Quê hương ta một dải sông dài. Đã bao năm rồi nặng tình máu đổ”. Ông kể, khi được tin giải phóng Sài Gòn, ngay trưa ngày 30/4/1975 ông đã cùng với nhiều anh em Việt kiều tại Paris đã đến ngay Đại sứ quán của Việt Nam Cộng hòa để tiếp quản và trong đêm đó tổ chức dạ hội mừng chiến thắng. Ca khúc “Hướng về quê hương độc lập” ông vừa sáng tác được hát vang ngay trong đêm đó thật hân hoan, đã xóa tan đi hận thù: “Miền Nam ơi miền Nam. Giờ núi sông hòa ca bài ca kết đoàn. Ta xóa tan hận thù…”.
*Mãi âm vang khúc tình ca
Sau ngày 30/4/1975 , nhạc sỹ Tôn Thất Lập về nhận công tác tại Sở Văn hóa – Thông tin TP.Hồ Chí Minh và tiếp tục sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình. Cũng như các nhạc sỹ cùng thời, những ca khúc của ông trong thời kỳ hòa bình và dựng xây đất nước đã mở ra một hướng đi mới vừa sôi động, vừa trữ tình, sâu lắng. Ông vẫn tiếp tục sở trường viết tình ca như thuở ban đầu đến với âm nhạc, nhưng những tình khúc của ông ở giai đoạn này nhiều suy tư trăn trở hơn thời “Phố ca” của thập niên 60, thế kỷ 20.
Hầu hết những tình khúc trong giai đoạn này, cái tôi trữ tình dường như đã được hòa quyện vào tình yêu đất nước, con người một cách đầy sẻ chia, đầy trách nhiệm công dân có trái tim nhạy cảm với thế sự thời cuộc. Nhiều nhạc sỹ nhận xét, sự nghiệp sáng tác của nhạc sỹ Tôn Thất Lập trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và trong mỗi giai đoạn ấy, sự rung cảm và kỹ năng sáng tác của ông cũng có những sự đổi thay khác nhau. Nhưng dù ở thời điểm nào cũng luôn mang một phong cách cá tính sáng tạo rất đặc thù, đầy tâm huyết.
Những tình khúc của ông viết trong vòng 40 năm trở lại đây, cho thấy năng lực sáng tạo âm nhạc của nhạc sỹ Tôn Thất Lập thật sung mãn với sự ra đời hàng loạt tác phẩm được công chúng yêu âm nhạc cả nước yêu thích như: “Tình ca mùa xuân”, “Tình ca tuổi trẻ”, “Trị An âm vang mùa xuân”, “Mưa thì thầm”, “Oản tù tì”, “Cô bé dễ thương”, “Tình yêu mãi mãi”… Tất cả những ca từ đều chau chuốt, gạn lọc chắt chiu nhưng không cầu kỳ, khó hiểu. Có thể nói, tình khúc của ông tràn đầy sự đắm say nhưng không bi lụy, rất trẻ trung sôi động và mãnh liệt. Đối với ông, đất nước sau cuộc chiến là một cuộc đời vui khoác áo mới. “Nửa đêm nghe xuân về. Nghe đời lên rất trẻ. Gọi tên anh thầm nhớ. Lời ra em ngọt ngào. Mùa xuân đến thật lâu. Mới hay tình ban đầu. Như mùa hoa vừa nở. Cánh én tung trời cao…. Đời vui khoác áo mới. Phố phường hát tình ca” (Tình ca mùa xuân).
Vốn là một sinh viên văn khoa, ca từ của ông luôn lấp lánh chất thơ sâu lắng, giàu cảm xúc làm xao động lòng người mọi thế hệ. “Anh sẽ viết cho em bài thơ bắt đầu. Dù tình yêu đó sóng xô về đâu. Anh sẽ hát cho em bài ca đêm nay. Một đêm thức dài đến mai sau. Rồi một ngày ta thương mến nhau. Khắp nhân gian bỗng nhiên hiền hậu. Vì cuộc tình như chiếc lá nâu. Tình yêu sẽ xóa yêu thương…” (Tình yêu mãi mãi).
Năm nay nhạc sỹ Tôn Thất Lập đã bước sang tuổi 73 nhưng âm nhạc của ông vẫn rất trẻ trung và mãi âm vang với những tình khúc tràn đầy khát vọng yêu thương, say đắm. Ông bảo, đã là con người thì không ai cưỡng lại được thời gian, nên hãy dành thật nhiều thời gian cho những việc làm có ý nghĩa. Đã là văn nghệ sĩ thì hãy để tâm hồn và trái tim rung động cùng đất nước, dân tộc và thời đại.