THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:49

Người hóa giải “lời nguyền” điệu hát Dô

Về xứ Đoài mà nghe điệu hát Dô

Nằm bên dòng Tích Giang thơ mộng uẩn khúc quanh co là địa bàn xã Liệp Tuyết nơi duy nhất còn lưu giữ làn điệu hát Dô độc đáo gắn liền với câu chuyện ly kỳ của đức thánh Tản Viên vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” của Việt Nam.

Hát Dô gắn với cư dân nông nghiệp và truyền thống thờ thành hoàng làng, được hát vào mùa xuân, ngày mở hội là ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch. Hát Dô có 3 kiểu hát: Hát Thờ (hát trong đền), hát Trúc, hát múa Bỏ Bộ (hát ngoài sân đền).Hát Dô không có nhạc, chỉ có phách và quạt để làm đạo cụ. Chỉ mộc mạc, giản dị vậy thôi mà hát Dô vẫn truyền tải đến người nghe những giai điệu ngọt ngào, đầm ấm và thanh thoát của quê hương xứ Đoài.

Một ngày mùa hè, tôi đến làng Đại Phu (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội) tìm gặp bà Lan để hiểu rõ về điệu hát Dô, vừa đặt chân tới đền Khánh Xuân ngay ở đầu làng, đã vang lên tiếng hát của ai đó nghe sao mà trữ tình, đằm thắm đến thế:

“Về quê tôi là về hội Dô/ Về thăm làng văn hóa/ Nồng thắm tình quê tôi/                                

Khúc hát mà nơi nơi/ Xóm thôn mà rộn ràng...”

Hỏi ra mới biết đó là bà Lan đang dạy hát cho các bạn trẻ trong câu lạc bộ của mình, ngày nào cũng thế họ chuyên cần tập luyện, “say” vào các điệu múa lời ca. Bên ly trà xanh trong khu đền Khánh Xuân cổ kính, bà Lan kể cho tôi nghe về hội hát Dô cùng với những câu chuyện bí ẩn xung quanh điệu hát cổ này.Người hóa giải “lời nguyền” điệu hát Dô

Bí ẩn điệu hát “36 năm mới được hát một lần”

Sự ra đời của làn điệu hát Dô gắn với câu chuyện truyền thuyết cách đây hàng trăm năm, bà Lan kể lại: “Tương truyền rằng, mộ hôm thánh Tản Viên chu du qua vùng ven sông Tích (vùng này thuộc xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) thấy ruộng đất phì nhiêu mới gọi dân làng đến dạy cách lấy hạt lúa to làm giống đem gieo xuống ruộng có đất phù sa mới bồi đầy nước. Thánh Tản Viên xuống ruộng làm trước cho mọi người làm theo. Sau đó ông đi nơi khác, hẹn ngày lúa chín thì về.

Nhưng đến khi lúa chín, mọi người ra đồng gặt hái, thóc gạo đầy nhà nhưng chờ mỏi mắt cũng không thấy ân nhân của mình quay lại. Đúng 36 năm sau, ông mới quay trở lại thì thấy dân làng đã giàu có, thóc lúa đầy nhà bèn tập hợp trai gái trong làng để dạy họ múa hát, mừng dân no ấm được mùa. Từ đó dân làng xây đền thờ Khánh Xuân để nhớ công ơn ông và cứ 36 năm theo lệ lại mở hội ca múa tưng bừng, gọi là hội múa Dô.

Và cũng đã từ rất lâu, người dân trong làng luôn ám ảnh nỗi lo sợ mơ hồ về một lời “hèm” được truyền từ đời này sang đời khác. Các cụ cao niên trong làng nhắc lại lời “hèm” xưa rằng:

Con hát tuổi hạn hai mươi/ Nếu qua tuổi ấy thì thôi hát hò/                                              

Bao giờ đến Hội hát Dô/ Thì còn phải kiếm gái tơ chưa chồng...”

Theo quy định này, hát Dô được tổ chức từ ngày mồng 9 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch tại đền Khánh Xuân. Nhưng 36 năm, hội mới tổ chức một lần, người tham gia hát Dô phải thuộc dòng dõi con nhà gia giáo, không phạm lệ làng và phải là những cô gái chưa chồng, chàng trai chưa vợ. Lễ hội xong phải làm nghi lễ cất tráp vào đền, như khăn, váy áo, quạt, túi đeo tay đựng trầu và cả sách hát.

Từ đó cho đến tận 36 năm sau, đến định kỳ lễ hội, không ai được mở tráp và thậm chí không bao giờ được nhắc đến.Ai dám hát Dô vào ngày thường sẽ mang tội bất kính và bị thánh thần trừng phạt.

Không biết lời nguyền này có từ bao giờ và độ chính xác của nó đến đâu,  nhưng cho đến nay, nhiều người trong làng biết chuyện đều cấm con cháu không được học hay cất lời hát Dô. Có lẽ cũng chính vì lí do này khiến làn điệu hát Dô đang đững trước nguy cơ mai một.Người hóa giải “lời nguyền” điệu hát Dô

“Gái có công, chồng chẳng phụ”

Đó chính là câu nói của bà Lan sau khi được hỏi tại sao lại dám “phạm” lời “hèm” năm xưa để thành lập câu lạc bộ hát Dô và tập hát hằng ngày ngay ở sân đền Khánh Xuân.

Được biết ý tưởng xây dựng câu lạc bộ hát Dô của bà Lan bắt đầu từ năm 1989khi Sở Văn hoá -Thông tin Hà Tây phối hợp cùng với phòng văn hoá huyện Quốc Oai đã về tổ chức mở một lớp truyền dạy hát Dô, mời 3 cụ cao tuổi là cụ Tạ Văn Lai (tức cụ Trâm), thôn Đại Phu làm Cái hát; cụ Kiều Thị Nhận (tức Sôi), thôn Bái Nội  và cụ Đàm Thị Điều (tức cụ Vẽ), thôn Đại Phu là con hát (Bạn nàng) để dạy hát.

Nhân sự kiện này bà Lan đặt ra cho mình mục tiêu thực hiện cho kỳ được việc khôi phục điệu hát truyền thống quê hương, hằng ngày cứ sáng đi làm, lo cơm nước cho con cháu xong, tối đến bà Lan tìm đến các cụ cao niên trong làng để ghi chép lại các bản hát Dô.

Tuy nhiên thời gian đầu học hát Dô ngay chính bản thân bà cũng gặp nhiều khó khăn, bà chia sẻ: “Bắt đầu học mình cũng cảm thấy khó, các câu hát lặp lại nhiều, các cụ đã nhiều tuổi phát âm không được tròn câu chữ, thành ra phải tự mày mò mà học là chính”.

Và sau khi đã có được bản chép 36 làn điệu hát Dô, bà Lan bắt đầu đi khắp thôn xóm vận động người dân tahm gia câu lạc bộ hát Dô. Đây là việc làm không đơn giản bởi nó không chỉ là việc vận động, thuyết phục gây dựng một phong trào văn nghệ đơn thuần mà còn là việc thay đổi quan niệm, cách nghĩ của nhiều người, của cả tập thể.

Bà Lan cho biết: “Thời gian đầu vận động người tham gia câu lạc bộ nhưng không ai hào hứng tham gia, lớp trẻ thì bị gia đình cấm, nhưng mình kiên trì thuyết phục vận động lần thứ 4 cũng được 20 người tham gia, vui nhất là các cháu 13 – 20 tuổi cũng đến xin học hát”.

Thành lập được câu lạc bộ hát Dô, thời gian đầu không có kinh phí hoạt động đến ngay cả trang phục cũng phải đi mượn mỗi khi đi biểu diễn nhưng ai nấy vẫn rất vui và hào hứng vì được hát Dô, bà Lan vui vẻ nói: “Lúc bấy giờ cứ ngày đi làm, tối tập hát, khi nào các anh chị văn công bên Hà Tây có sang đây biểu diễn thì mình tranh thủ mượn quần áo mấy hôm để mà mặc đi hát Dô ở các hội văn nghệ và các địa phương lân cận, mấy cháu nhỏ được đi hát lấy làm thích thú lắm”.

Ngay cả lúc không có kinh phí hoạt động, không có trang phục để mặc nhưng với tình yêu, niềm đam mê ca hát của mình bà Lan vẫn dìu dắt động viên mọi người để câu lạc bộ vẫn duy trì hoạt động. Tính tới thời điểm bây giờ bà Lan đã đào tạo được 545 cháu hát thành thục điệu hát Dô, có nhiều buổi biểu diễn thành công cả ở trong và ngoài nước.

Không lương thưởng và đôi khi còn mang danh “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng bà Lan vẫn nỗ lực cống hiến để duy trì làn điệu hát Dô ấy với một tinh thần trách nhiệm cao.

Nếu như trước kia, phải qua 36 năm khi làng mở hội tế thần, người dân vùng quê Liệp Tuyết mới được một lần nghe điệu hát Dô thì nay cứ vào dịp tết đến xuân về, đất trời mở hội thì người dân Liệp Tuyết lại được nghe làn điệu đằm thắm này.

Bằng chính những tâm huyết và cố gắng của bà Nguyễn Thị Lan, điệu hát Dô không những dần được khôi phục mà còn có thêm một sức sống mới và trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần người dân Liệp Tuyết. 

Tú An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh