THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:03

Người dùng thẻ bị ‘chặt’ phí

 

Quẹt thẻ. Ảnh: Ngọc Thắng
Thu phí 1 lần bằng cả 1 năm
Mới đây, chị H.Vân (ngụ Q.7, TP.HCM) đặt một chuyến du lịch nghỉ dưỡng ở Thái Lan cho khoảng 9 thành viên trong gia đình tại một công ty du lịch tại Q.3 (TP.HCM). Khi chị dùng thẻ tín dụng thanh toán khoản tiền đặt cọc 30 triệu đồng thì được nhân viên thông báo phải trả phí 3% trên số tiền, tương đương 900.000 đồng. 

 

“Tôi không đồng ý, nhưng nhân viên nói rằng do ngân hàng (NH) thu phí của họ, nên họ phải thu lại của khách hàng, và các công ty du lịch khác đều thu khoản phí này. Tính ra, họ thu phí 1 lần thanh toán bằng NH thu phí thường niên cả năm trời”, chị bức xúc. Rốt cuộc, do không mang theo đủ tiền mặt, chị đành chấp nhận trả tổng cộng 30,9 triệu đồng và ôm cục tức vì bị lạm thu trắng trợn.
Tương tự, chị M.Phương (ngụ Q.9, TP.HCM) cho biết nhiều lần đi mua điện thoại, đồng hồ, mỹ phẩm... cũng bị thu phí cà thẻ 2 - 3%. Mới đây, sau khi chọn mua quần áo với số tiền khoảng 3 triệu đồng ở một cửa hàng đồ dùng cho mẹ và bé ở đường Võ Văn Tần, Q.3, chị đề nghị cà thẻ tín dụng để thanh toán, nhân viên thông báo thu phí 2%. Với mức phí này, chị sẽ trả thêm 60.000 đồng. “Thấy bị mất tiền vô lý quá, tôi từ chối và trả bằng tiền mặt”, chị nói.

 

Không chỉ thanh toán trực tiếp, mà dùng thẻ tín dụng thanh toán online cũng bị thu phí vô tội vạ. Anh Q.Anh (ngụ Q.3, TP.HCM) mua thẻ điện thoại trên trang thanhtoanonline, thanh toán bằng thẻ tín dụng, bị thu phí 2,7%. Còn nếu thanh toán online bằng thẻ ATM hay Internet Banking sẽ mất phí 880 đồng + 1%. Hay đặt mua vé máy bay qua mạng trên trang Vietjet, thanh toán bằng thẻ tín dụng hay ATM cũng đều bị đơn vị này thu phí tiện ích là 55.000 đồng/hành khách. 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, khẳng định việc thu phí như trên là trái với quy định. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét đây là lĩnh vực còn bỏ ngỏ, khiến tình trạng thu phí cà thẻ tín dụng tràn lan. Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ ngân hàng, doanh số sử dụng thẻ quốc tế đến cuối năm 2016 đạt khoảng 224.000 tỉ đồng. Giả sử một nửa doanh số này được thanh toán tại VN, và nếu tất cả các đơn vị chấp nhận thẻ đều thu phí từ 1 - 3%, thì lượng tiền khách hàng bị thiệt hại ước khoảng 120 - 360 tỉ đồng. “Các cửa hàng không thể lợi dụng lấy tiền của khách hàng vô tội vạ như vậy được”, ông Hiếu nói.
Ngân hàng khó giảm phí
Theo ông Trần Quang Thoại - chuyên gia về thị trường thẻ, trong trường hợp bị thu phí, người tiêu dùng có thể mang hóa đơn lên NH phát hành thẻ để kiện lấy lại tiền. Theo quy định, NH phát hành thẻ sẽ làm việc với NH thanh toán để buộc đơn vị chấp nhận thẻ phải trả lại tiền. “Đã có không ít người lấy lại được tiền của họ, tiền được trả thẳng vào thẻ tín dụng”, ông nói. Lý do là với mỗi giao dịch, NH sẽ phải trả phí cho các tổ chức thanh toán quốc tế. Đồng thời, NH cũng tính phí trang bị hệ thống, thiết bị. Nhưng thay vì phải chịu, họ đổ sang cho người tiêu dùng, thậm chí còn thu lợi thêm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc DongABank, cho rằng: “NH cung cấp cho doanh nghiệp (DN) thiết bị, phương tiện thanh toán hiện đại, thu hút khách hàng đến chi tiêu, thì họ phải chịu một mức phí là bình thường”. Theo giám đốc một NH, nhiều lần ông nhận phản ánh điểm cà thẻ thu phí, nhưng ông cũng “bó tay” vì không có bằng chứng như hóa đơn... “Hiện nay do cạnh tranh dữ dội, nên nhiều NH đã giảm phí thu DN còn 1 - 1,5%, nhưng DN vẫn né tránh chịu phí mà muốn khách hàng gánh, thì điều này “nằm ngoài tầm tay NH””, ông nói.
Người tiêu dùng đang bị thu phí cà thẻ vô tội vạ ẢNH: KHẢ HÒA
Theo TS Lê Đạt Chí, không như những nơi hoạt động trên hình thức thuế khoán, các DN đặt máy tính tiền (POS) thanh toán qua NH là bắt buộc phải kê khai, báo cáo doanh thu, hóa đơn. “Doanh thu sẽ đội lên rất nhiều, kéo theo nhiều chi phí, chẳng hạn như thuế sẽ tăng lên cao hơn. DN tìm cách bù lại bằng cách đòi người tiêu dùng trả thêm một khoản phí. Có những nơi, nếu không đồng ý, họ sẽ không bán hàng hoặc chỉ chấp nhận tiền mặt”, ông nói.
Ở góc độ người bán hàng, chị Hà, chủ cửa hàng mỹ phẩm ở Q.2 (TP.HCM), cho rằng nếu khách hàng mua một món hàng trị giá 20 triệu đồng, nhưng với phí thanh toán 1,5% thì phải thanh toán lại 300.000 đồng cho NH. “Nếu không “đổ sang” cho người tiêu dùng thì tôi phải gánh. Tôi có vài lần đề nghị NH giảm phí nhưng họ không đồng ý”, chị Hà nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đòi hỏi NH chia sẻ phí này là không hợp lý. “NH đã tính toán bù trừ đủ phí cho công nghệ thông tin, thiết bị, phí trả tổ chức quốc tế... nên chắc chắn sẽ lắc đầu”, ông nói. Trong khi đó, ông Thoại cho biết chi phí đầu tư hạ tầng cho thẻ rất đắt đỏ, để có lãi tại một điểm chấp nhận thẻ NH phải mất 3 - 5 năm là sớm nhất. Đó là chưa kể những NH có số lượng thẻ tín dụng ít thường bị các tổ chức thẻ áp phí cao, khiến họ phải thu phí cao hơn ở DN.

 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh