CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:09

Người dân không thể mua điện giá cao: Mức nào để chịu được

 

Yêu cầu đủ điện nhưng "giá điện phải hợp lý"

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)  ngày 3/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết năm 2018 kinh tế đạt mức tăng trưởng tích cực với 7,08% là có sự đóng góp của nhiều tập đoàn kinh tế, trong đó của EVN, khi đảm bảo cung ứng đủ điện cho đất nước và nhu cầu sinh hoạt người dân.

Tổng công suất của EVN và các đơn vị đạt 28.164 MW, chiếm 58% tổng nguồn điện của Việt Nam. Hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, với công ty mẹ lãi khoảng 900 tỷ đồng và nộp ngân sách là trên 20.000 tỷ đồng, chủ động tái cơ cấu các đơn vị,...

 

 EVN đang đối mặt nhiều thách thức.

 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả thì ngành điện nói chung, Phó Thủ tướng lưu ý EVN đang phải đối mặt thách thức lớn đó là nguy cơ thiếu điện lớn, nếu không có giải pháp hữu hiệu.

Nhu cầu điện đang tăng nhanh và vượt qua khả năng cung ứng, hiện tổng công suất nguồn là 48.000 MW và với tốc độ tăng 10%/năm, với quy hoạch điện VII điều chỉnh cần tổng nguồn là 90.000 MW và 2020 là 130.000 MW. Trên thực tế con số này có thể cao hơn do độ mở của nền kinh tế rất lớn.

Trong khi đó, thủy điện ngày càng giảm, dư địa khai thác hạn chế; việc phát triển nguồn điện thay thế gặp nhiều khó khăn. “Điện than gặp khó khăn do môi trường; điện khí giá cao, thực hiện dự án lâu, nguồn vốn trong nước không đủ năng lực... Mỗi dự án cần ít nhất 1-2 tỷ USD với dự án 600 MW trở lên, nhưng Chính phủ khó bảo lãnh do trần nợ công”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay.

Trong ngắn hạn, các hồ thủy điện miền Trung thiếu nước, tương lai năm 2019 thiếu nước nghiêm trọng hơn nên ảnh hưởng phát điện. Như vậy, sẽ phải bù bằng nhiệt điện than. Thế nhưng, việc cung cấp than cho nhiệt điện cũng khó khăn, phát triển điện than khó khăn do sự đồng thuận của người dân chưa cao, công tác tuyên truyền chưa rõ.

Phó Thủ tướng khẳng định: Điện hạt nhân không làm thì phải chông chờ nhiệt điện và năng lượng tái tạo.

Với nhiệt điện, Phó Thủ tướng cho rằng quan trọng là có công nghệ tốt để giảm thiểu ô nhiễm và nhắc lại thông điệp “không đánh đổi môi trường phát triển kinh tế”. Trong khi đó, việc mua điện nước ngoài triển khai chậm. 

Phó Thủ tướng cho hay mua điện của nước ngoài rẻ hơn nhiều so với điện sản xuất trong nước. Giá điện mặt trời trong nước là 9,35 cent/kwh (khoảng 2.086 đồng/số điện), điện than là 7 cent, điện khí là trên 10 cent. Cho nên nếu giá mua điện của nước ngoài là 7 cent thì rất có lợi.

Phó Thủ tướng lưu ý nếu áp dụng mức giá điện cao thì cuối cùng người dân phải chịu. Do đó, ông đưa ra một bài toán không dễ cho EVN là “yêu cầu đủ điện nhưng giá điện phải hợp lý, người dân chịu đựng được, DN chịu đựng được”.

 

 Việc cung ứng đủ, không để thiếu điện là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của EVN.

 

Muốn vậy, Phó Thủ tướng cho rằng phải có cơ cấu nguồn điện hợp lý giữa nhiệt điện, thủy điện,... Bởi, trong bối cảnh GDP bình quân đầu người mới đạt hơn 2.500 USD/người/năm, sức mua còn thấp thì “người dân không thể mua điện giá cao”.

Ông yêu cầu EVN cần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư của tập đoàn, góp phần giảm giá điện; chủ động phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn trong thực hiện thủ tục đầu tư, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý điều hành theo hướng tinh gọn hiệu quả, công khai minh bạch, tránh thất thoát khi cổ phần hóa thoái vốn; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ,...

Nỗi lo của Tân Tổng giám đốc EVN

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm 2018 bên cạnh một số thuận lợi như: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu, kế hoạch 5 năm 2016-2020 của EVN; tình hình tài chính được cải thiện, giá điện được điều chỉnh tháng 12/2017,... thì việc đảm bảo cấp điện và hoạt động của EVN và các đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao hơn so với kế hoạch 2,4 tỷ kWh, tại miền Nam thiếu hụt nguồn cấp trầm trọng; nguồn cấp khí đã bị suy giảm, vận hành không ổn định nên sản lượng khí cấp năm 2018 thấp hơn so với KH gần 450 triệu m3 (tương ứng 2,5 tỷ kWh). Việc cấp than trong nước cũng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện, đặc biệt trong 3 tháng cuối năm. Đồng thời lưu lượng nước về các hồ thủy điện cuối năm ít, đặc biệt các hồ thủy điện miền Trung.

Để đảm bảo an ninh cung cấp điện, EVN đã phải tăng huy động các nhà máy thủy điện, làm giảm mức nước dự trữ để cấp điện năm 2019 tương đương với xấp xỉ 2,56 tỷ kWh.

Đáng chú ý, một số chi phí đầu vào tăng cao như: giá than nhập khẩu, dầu, biến động tỷ giá... làm chi phí mua điện của tập đoàn tăng 7.011 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối kỳ tăng trên 4.000 tỷ đồng.

 

 Tân Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân (bên trái)

 

Phát biểu nhậm chức ngày 3/1, Tân Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cũng thể hiện nhiều nỗi lo về tương lai của gành điện.

Ông Nhân nhận định: Giai đoạn sắp đến sẽ là một thách thức lớn của tập đoàn. Đất nước đang tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh, kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng với tốc độ thậm chí cao hơn, tạo sức ép lớn lên ngành điện.

Qua những báo cáo gần đây của EVN gửi Chính phủ cho thấy việc đầu tư bổ sung nguồn điện ngày càng khó khăn hơn, cả về thu xếp vốn, nhiên liệu cho phát điện và lo ngại tác động môi trường.

Nghị quyết 01/2019 của Chính phủ vừa mới ban hành đã chỉ rõ: "Kiên quyết không để xảy ra thiếu điện", trong khi hệ thống điện hầu như không còn công suất dự phòng.

“Chúng tôi cũng sẽ chủ động làm việc với tập đoàn, tổng công ty, các chủ đầu tư các dự án nguồn điện ngoài EVN, các đối tác trong và ngoài nước, các nhà tài trợ và cung cấp tín dụng để cùng EVN giải quyết bài toán thiếu nguồn điện”, ông Trần Đình Nhân chia sẻ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh