CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:07

2019: EVN thực chất đang lỗ, giá điện nguy cơ tăng

 

Giá điện 2019 có thể sẽ tăng.

 

Thiếu nước, than tăng, giá điện ảnh hưởng

Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2017 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2017 EVN lãi hơn 2.792 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Đây là số liệu được Bộ Công Thương công bố ngày 30/11. Nhưng vẫn còn các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017.

Đó là số dư chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia là 1.940 tỷ đồng; Khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2017 khoảng trên 3.000 tỷ đồng. 

Ngoài ra còn có các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện các năm trước cũng chưa được tính vào giá điện.

Theo quy định, các khoản chênh lệch tỷ giá này của EVN được phân bổ dần trong 5 năm. Việc phân bổ năm nào, và phân bổ ít hay nhiều do các Bộ cân nhắc.

Nếu tính các yếu tố trên vào, thì thực tế hoạt động kinh doanh của EVN là lỗ.

Ngoài các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay: Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá của EVN trước năm 2015 đã được phân bổ từ 2016-2020. Đến nay số tiền còn treo chưa phân bổ là 754 tỷ đồng.

“Các khoản này sẽ được tính toán toán vào giá thành điện năm 2019 của EVN”, ông Tuấn cho hay.

Ngoài ra, giá than cũng là yếu tố khiến giá điện 2019 khó đứng yên. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc tăng giá than rõ ràng ảnh hưởng chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện 2019 này.

“Giá nguyên liệu than chiếm tỷ trọng đáng kể trong giá thành sản xuất kinh doanh điện. Đây rõ ràng là áp lực cho tăng giá điện”, ông Tuấn lưu ý

Theo lãnh đạo Cục điều tiết điện lực, khi tính toán phương án giá điện năm 2019 thì sẽ tính đủ các chi phí như chi phí mua điện, chi phí mua than từ các đơn vị... để tính giá điện sát thực tế

Ông Đinh Quang Tri, quyền Tổng giám đốc EVN cho hay: Chúng tôi đã nhận được bản chào giá than của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, dự kiến tăng 5%. Khi tăng giá than thì giá điện tăng tương ứng.

Nói về phương án giá điện 2019, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho biết: Bộ Công Thương sẽ lên phương án giá điện 2019, sẽ báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá. Trên cơ sở đó sẽ điều chỉnh mức tăng, thời điểm tăng giá năm 2019.

“Khi xây dựng phương án giá điện, chúng tôi đều tính toán ảnh hưởng đến sinh hoạt của của nhân dân, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

 

Lần gần nhất giá điện tăng là vào tháng 12/2017.

 

 2019-2020 đảm bảo đủ điện, vấn đề là giá

Năm 2019 có thiếu điện, dẫn đến phải cắt điện luân phiên không? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho biết: Hiện nay tốc độ tăng trưởng phụ tải tăng 10,64%. Trong bối cảnh tăng trưởng phụ tải cao, huy động sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Nam thiếu hụt so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước do lượng nước và lưu lượng nước về hồ thủy điện tại các khu vực này thấp trong khi việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn, Bộ Công Thương đã xây dựng 4 phương án cung cấp điện năm 2019.

Các phương án này được tính toán trên cơ sở tốc độ tăng trưởng phụ tải và tần suất nước về các hồ thủy điện. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng cụ thể các phương án bảo đảm cung cấp nhiên liệu như than, khí cho khâu sản xuất điện.

“Việc cung ứng điện 2019 vẫn có thể đảm bảo, tuy nhiên tại một số thời điểm do tình hình căng thẳng nguồn sẽ phải huy động nguồn điện từ dầu”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Nói rõ hơn về tình hình cung ứng điện 2019, quyền Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho hay: Năm 2019 có thể chúng ta thiếu nước nghiêm trọng do miền trung khô hạn. Vừa rồi có cơn bão nhưng nước chỉ ngập thành phố và ven biển. Còn một số vùng núi và Tây Nguyên lại không có nước. Năm 2017 chúng tôi có lãi lớn nhờ phát thủy điện hơn 10 tỷ kwh, nên giá thành không tăng, bù được chi phí khác tăng lên. Nhưng 2019 thì nhìn thấy khó khăn là thủy điện hụt 3,8 tỷ kwh.

“Nếu sản lượng điện từ thủy điện hụt thì dùng nhiệt điện than, thậm chí là dầu. Nếu dùng dầu thì giá thành trên 5.000 đồng/kwh. Trong khi chúng ta đang bán điện với giá trung bình 1.700  đồng/kwh thì lỗ phần phát dầu”, ông Đinh Quang Tri lo ngại.

“Nhưng tôi khẳng định 2019-2020 đảm bảo đủ điện, vấn đề là chạy với giá thành và giá điện thế nào thôi. Nếu ta thiếu nước thì bù vào nhiệt điện than. Chạy than vẫn thiếu thì chạy dầu”, ông Đinh Quang Tri nói.

Ông Đinh Quang Tri, quyền Tổng giám đốc EVN

GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM VIỆC THIẾU THAN CHO ĐIỆN

Hiện nay EVN mua than thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chỉ mua của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc, không mua than ở ngoài. Chính phủ chỉ duyệt cho EVN nhập khẩu than cho nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Duyên Hải 3. Mỗi năm nhập trên 7 triệu tấn than, dự kiến 2019 nhập 10 triệu tấn cho 2 nhà máy ấy.

Năm 2019 dự kiến chúng tôi sử dụng 54 triệu tấn than. TKV và Tổng công ty Đông Bắc không cung cấp đủ, dự kiến thiếu 8 triệu tấn. EVN đề nghị trực tiếp nhập khẩu phần thiếu hụt này cho các nhà máy ở miền Nam. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý. Phần 8 triệu tấn than thiếu EVN dự kiến giao các Tổng công ty nhập 4 triệu tấn, còn 4 triệu tấn TKV và Tổng công ty Đông Bắc nhập khẩu theo cơ chế đăng ký giá với Bộ Tài chính.

Như thế vấn đề than cho điện sẽ được giải quyết dứt điểm. Chúng ta nhập khẩu than theo giá thị trường, thì hạch toán giá thành điện theo giá thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh