THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:13

Người dân không nên mua hàng tích trữ

Ngay trưa 31/3, sau khi Thủ tướng có Chỉ thị 16/CT-TTg thực hiện cách ly toàn xã hội, một số người dân đã đến chợ, siêu thị để mua lương thực, thực phẩm tích trữ vì lo ngại trong 15 ngày tới, lượng hàng hóa sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu và tăng giá. Tại một số cửa hàng, siêu thị xảy ra tình trạng hết hàng cục bộ do nhu cầu mua sắm của người dân tăng đột biến. Trong khi đó, nhiều người cho rằng, mua đồ cất ăn dần để những ngày tới hạn chế ra khỏi nhà. "Tôi không có ý định tích trữ vì lo ngại thiếu hàng hay tăng giá nhưng vẫn phải mua đủ thực phẩm cho cả gia đình ăn ít nhất là 1 tuần đến chục ngày để hạn chế ra chỗ đông người. Mỗi lần đi chợ thì không thể tránh việc tiếp xúc gần với nhiều người", chị Hoàng Minh Anh (Long Biên, Hà Nội) cho hay.

Người dân không nên mua hàng tích trữ - Ảnh 1.

Thịt lợn, thịt bò tại các chợ rất dồi dào.

Trong khi đó, chị Trang, cư dân khu chung cư Gamuda City (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, rút kinh nghiệm từ trước, chị không phải vội vàng đi siêu thị khi có sự kiện đột ngột liên quan đến dịch Covid-19. Theo chị Trang: "Hiện nguồn hàng cung ứng trên thị trường rất dồi dào, các siêu thị đặc biệt là hệ thống siêu thị Vinmart, hệ thống cửa hàng tiện lợi tại khu chung cư không bị yêu cầu đóng cửa, hàng hóa dồi dào. Rút kinh nghiệm từ đợt Hà Nội công bố bệnh nhân nhiễm Covid 19 đầu tiên, tôi cũng chen nhau đi mua hàng tích trữ nhưng chỉ ngay ngày hôm sau, hàng hóa lại đầy siêu thị, ngập chợ và giá cả không hề biến động. Lần này, tôi không lo lắng thiếu nhu yếu phẩm để chạy đôn đáo mua tích trữ".

Còn chị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) kể câu chuyện tích trữ thực phẩm của bản thân để làm bài học cho những người có ý định mua lương thực, thực phẩm tích trữ. Khi Hà Nội công bố bệnh nhân nhiễm Covid 19 đầu tiên, chị Hoa nháo nhào vào siêu thị chen nhau mua nhu yếu phẩm rồi xếp hàng để thanh toán mất cả buổi sáng. Tổng hóa đơn hết hơn 3 triệu đồng, số tiền bình thường đủ mua thực phẩm cho cả gia đình nửa tháng. Hàng nhiều, mình chị đi xe máy không thể chở hết nên phải gọi điện cầu cứu chồng đến khuân về cùng.

Người dân không nên mua hàng tích trữ - Ảnh 2.

Rau xanh ngập chợ.

"Các con nghỉ học đều gửi về quê ở với ông bà, hai vợ chồng ăn mãi không hết số đã mua. Không ít hàng trong số đó không để được lâu, hết hạn đành vứt bỏ. Trong khi, công việc của chồng tôi không có, thu nhập của tôi cũng giảm đi một nửa vì công ty ít việc nên mỗi lần nghĩ đến chuyện mua đồ tích trữ tôi lại tự trách mình. Rút kinh nghiệm, nếu phải đi chợ hay siêu thị thì cân nhắc mua đủ dùng trong khoảng một tuần", chị Hoa chia sẻ.

Chiều 31/3, đại diện truyền thông Tập đoàn BRG cho biết, trong ngày 31/3, hệ thống bán lẻ của tập đoàn ghi nhận hoạt động mua sắm sôi động hơn, có hiện tượng người dân mua hàng tích trữ. "Mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát. Lượng hàng hóa chúng tôi đã chuẩn lớn gấp 3 lần bình thường nên người dân không lo thiếu. Ngoài ra, từ 17h ngày 31/3, chúng tôi mở thêm 10 điểm bán hàng nhu yếu phẩm lưu động nữa để phục vụ nhân dân", đại diện BRG cho biết.

Theo đại diện của Central Group, nhà bán lẻ này cũng đã chuẩn bị nguồn hàng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đại diện Bộ Công thương khẳng định, nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân là đáp ứng đủ cho người dân dùng. Các hệ thống phân phối, cung ứng đã được yêu cầu nguồn hàng, sự chuẩn bị của địa phương, thì khẳng định người dân không cần thiết phải tích trữ quá nhu cầu tiêu dùng cần thiết.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh