Giải mã hiện tượng "tích trữ" khan hiếm hàng trong các siêu thị
- Bác sĩ
- 21:11 - 12/03/2020
Sự lây lan của virus corona diễn ra ở hơn 100 quốc gia trên thế giới đã tạo ra một số "tác dụng phụ" khó lý giải: Những kệ hàng trong siêu thị từ châu Á sang đến Mỹ đều trống trơn. Các siêu thị ở Anh thậm chí phải giới hạn lượng mua hàng. Ở Hồng Kông, một người đàn ông giao hàng đã bị cướp, e doạ bằng dao chỉ để lấy hàng trăm cuộn giấy vệ sinh. Úc cũng chứng kiến những vụ ẩu đả ở các siêu thị, cảnh sát phải bắt giữ một người đàn ông.
Panic buying là gì?
"Panic buying" (mua dự trữ do hoảng loạn) đã trở thành một hiện tượng đáng chú ý khi dịch Covid-19 đang hoành hành. Các nhà tâm lý học coi hành vi kiểm soát là một nhu cầu cơ bản của con người. Là một bệnh có khả năng lây nhiễm cao và có thể gây tử vong, thì sự lây lan của dịch Covid-19 đã chạm đến tâm lý "muốn kiểm soát" của nhiều người theo cách cơ bản. Chỉ đến khi các nhà hoạch định chính sách có cách loại bỏ tâm lý đó, thì vòng lặp panic buying, tích trữ và khan hiếm hàng mới có thể ngừng leo thang.
Là một trong những nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi virus corona, hồi cuối tháng 1, Hồng Kông đã trở thành một case study về hiện tượng panic buying. Khi Rona Lai, một nhân viên ngành dịch vụ tài chính – 23 tuổi, lần đầu tiên được sếp yêu cầu làm việc tại nhà, cô đã mua thực phẩm đủ dùng trong 1 tuần. Tuy nhiên, khi tình hình ở Trung Quốc tồi tệ hơn và các siêu thị đều trống trơn, thì cô bắt đầu nghiêm túc nghĩ về việc tích trữ thực phẩm.
Sau đó, những tin đồn về việc nguồn cung giấy vệ sinh ở Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh lây lan tại Trung Quốc đã bắt đầu lan truyền. Bởi vậy, khi Lai nhận thấy các cửa hàng đã hết sạch giấy vệ sinh, cô cũng vội vàng đi mua. Giờ đây, những cuộn giấy vệ sinh đã chiếm toàn bộ ghế sofa, khăn giấy, chất tẩy rửa và đồ ăn nhẹ được xếp dưới bàn ăn nhà cô. Lai chia sẻ: "Tôi đã sẵn sàng cho cuộc chiến chống virus kéo dài."
Panic buying thường xảy ra trước khi một thảm hoạ tự nhiên diễn ra, như bão tuyết hoặc bão nhiệt đới. Tuy nhiên, bản chất lây lan toàn cầu của virus corona – cùng với việc truy cập thông tin trên mạng xã hội rất dễ dàng, cho thấy tâm lý hoảng loạn hiện tại đang diễn ra theo cách chưa từng chứng kiến ở những dịch bệnh trước đây, như SARS năm 2003.
Ví dụ, việc dịch bệnh này đã lây lan đến nhiều quốc gia dường như cũng đi kèm với những lời đồn về việc Hồng Kông "cháy hàng" giấy vệ sinh. Không lâu sau khi Singapore ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên, thì mặt hàng này cũng "hết sạch" tại các siêu thị. Tại Úc, ngày càng có nhiều người bị buộc tội về những hành động liên quan đến ẩu đả tranh giành giấy vệ sinh.
Andrew Stephen, giáo sư ngành marketing tại Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford, cho biết: "Mọi người thực sự không hề chuẩn bị tâm lý để đối mặt với sự kiện này. Do đó, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi họ thấy sự bất ổn và sau đó, họ cố gắng làm bất kỳ điều gì cần để lấy lại sự kiểm soát."
Tâm lý hoảng loạn muốn tích trữ diễn ra ở nhiều nước
Ở thời điểm này, hiện tượng panic buying là đã là mối đe doạ gây thiệt hại thực sự. Mới đây, Tổng Y sĩ Mỹ đã yêu cầu người dân ngừng mua khẩu trang để đảm bảo nhân viên y tế có thể tránh được sự thiếu hụt. Trong khi đó, Nhật Bản cho biết họ sẽ đưa ra các hình phạt đối với đối tượng gom khẩu trang và bán lại. Ebay đã cấm người bán đưa lên danh sách các sản phẩm y tế mới, sau khi rất nhiều mặt hàng bị "độn giá" lên rất cao, ví dụ như nước rửa tay từ 10 USD tăng lên tới 400 USD.
Hơn nữa, "viễn cảnh" về việc bị "giam cầm" trong nhà đã khiến mọi người tranh giành nhau khi đi mua các loại sản phẩm khác. Ở Mỹ, sữa yến mạch đã cháy hàng vì có hạn sử dụng lâu hơn các sản phẩm làm từ sữa thông thường, bộ dụng cụ sinh tồn thường thấy trên những chương trình của National Geographic trở thành "hàng hot", Hostess Brands cũng ghi nhận doanh số bán bánh Twinkie tăng vọt trong những ngày gần đây.
Andy Yap, giáo sư nghiên cứu về hành vi tổ chức tại trường kinh doanh INSEAD ở Singapore, nhận định: "Thậm chí những người đang xếp hàng mua giấy vệ sinh cũng không hiểu tại sao họ lại mua giấy vệ sinh. Họ chỉ nhìn thấy người khác làm việc đó và bắt đầu làm theo vì lo sợ có thể sẽ không thể mua được mặt hàng đó."
Những biện pháp của chính phủ
Yap cho hay, việc "dập tắt" tâm lý hoảng loạn này có thể thực hiện bằng cách đảm bảo cung cấp đủ giấy vệ sinh cho họ, nhưng điều quan trọng hơn là để họ tin rằng tình hình đang được kiểm soát. Về việc này, Singapore đã thực hiện rất tốt.
Mặc dù, ban đầu các siêu thị ở Singapore cũng chứng kiến cảnh hàng hoá trống trơn, nhưng mọi thứ đã bình thường trở lại, sau khi Thủ tướng Lý Hiển Long thông báo về những bước mà công dân có thể thực hiện để đẩy lùi virus. Ông đảm bảo rằng quốc gia này có đủ nguồn cung hàng hoá cơ bản và cho biết dịch bệnh này có tỷ lệ tử vong thấp hơn SARS. Sau đó, những biện pháp kiểm soát đã được thực hiện.
Dẫu vậy, những quốc gia khác lại cho thấy sự kém hiệu quả trong việc phát đi những thông điệp này. Giới chức Trung Quốc chậm trễ trong việc công bố về dịch bệnh. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đột ngột không thực hiện những biện pháp "nhẹ nhàng" như lúc đầu với thông báo đóng cửa trường học gây "shock". Thứ trưởng Bộ Y tế Iran xuất hiện trên truyền hình để trấn an người dân, bất chấp việc đã có triệu chứng nhiễm bệnh.
Việc chính phủ các nước này có thể trấn an người dân hay không sẽ không chỉ phụ thuộc vào quyết định của những nhà lãnh đạo, mà còn là đặc điểm của mỗi quốc gia. Các nhà xã hội học đánh giá sự khác nhau giữa các quốc gia bằng những số liệu như tư tưởng chủ nghĩa cá nhân và cộng động cao hay thấp, họ tin tưởng nhau và chính phủ như thế nào, theo Amy Daltin – chuyên gia ngành marketing tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông.
Daltin cho hay, những nơi người dân có ý thức cộng đồng cao, niềm tin vào nhau và chính phủ, như Singapore, có thể chuẩn bị để ứng phó với dịch bệnh tốt hơn. Mặt khác, bà nói thêm, tâm lý mọi người vì một người sẽ thực sự trở nên căng thẳng hơn ở Mỹ. Dalton nhận định: "Lòng tin của họ thấp, họ sống theo chủ nghĩa cá nhân và họ cũng không có niềm tin vào chính phủ."
Tham khảo Bloomberg