THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:11

Xã Lộc An (Thừa Thiên Huế): Người dân kêu vì bị úng nước, Chủ tịch xã chờ.... "ôông”?

 

Dù trời đã tạnh ráo được 4 ngày, nhưng nước mưa vẫn ngập úng trong sân trường Mầm non Lộc An cũ...

Tháng 9/2014, Báo Lao động và Xã hội đã phản ánh thực trạng: người dân thôn Nam Phổ Hạ kêu trời, vì mưa đã qua gần 20 ngày mà nước vẫn chưa rút hết, chảy tràn vào nhà dân, do không có lối thoát, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn rất nhiều thứ.

2 năm sau, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 vừa rồi (ngày 13/9/2016), địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to. Sau khi hết mưa bão, chúng tôi lại nhận được phản ánh của người dân ở khu vực chợ Truồi thuộc thôn Xuân Lai (phía sau UBND xã Lộc An cũ) về thực trạng tương tự. Khi chúng tôi đến hiện trường, một người dân ở đây đã không dấu được sự bức xúc: “Các anh thấy đấy, nước tràn vào nhà chính, nhà bếp thế này thì chúng tôi sống thế nào. Mà tôi nói thật, các anh có đưa lên đài, lên báo thế nào đi nữa thì phía xã họ cũng không làm đâu. Nếu làm thì họ làm lâu rồi, chứ có phải đến ngày hôm nay à. Chắc vì họ không có nhà ở đây, nên họ đâu có biết sự cực khổ của người dân nó ra sao.”

Nước chảy tràn xung quanh nhà dân

Theo người dân, khu vực này có mấy chục hộ dân sinh sống và phải chịu ảnh hưởng thực trạng nói trên. Cũng theo người dân thì nguyên nhân dẫn đến sự việc này là do đường mương xuống cấp, các cống thoát nước bị hư hại, bị sập do xe ben, xe tải chở vật liệu xây dựng chạy nhiều. Trong đó, hư hại nặng nhất là cống thoát nước nằm trước mặt Nhà thờ Thiên Chúa giáo Xuân Lai.

 “Chiều hôm trước (chiều 13/9) chúng tôi đã tiến hành khơi thông mặt cống, nhưng do xe ben chở vật liệu xây dựng cho người dân làm nhà chạy qua nhiều làm sập cống, nên không thể khơi thông phía trong cống được”, ông Hồ Đắc Nong, Trưởng Ban quản lý chợ Truồi phân trần.

Một nguyên nhân khác mà người dân phản ánh là do một số hộ gia đình xây dựng nhà cửa sau này đã lấn chiếm đường mương. Việc làm này khiến đường thoát nước bị ách tắc dẫn đến tình trạng nước mưa không có đường chảy, ngập úng cục bộ lâu ngày tại khu vực dân cư gần chợ Truồi.

Ở trong nhà vẫn phải đeo ủng

Thực trạng nước mưa ngập úng lâu ngày trong khu dân cư, chảy tràn vào nhà dân khiến các sinh hoạt của họ hàng ngày bị ảnh hưởng. Do khu vực này nằm sát chợ, lại có một ngôi trường mần non cũ giờ không còn sử dụng nữa, nên nguy cơ nước ứ đọng lâu ngày rồi phát sinh lăng quăng, bọ gậy là rất cao. Đây là tác nhân dẫn đến các bệnh về da liễu, sốt sốt huyết, tiêu chảy…

Nguy cơ phát sinh nguồn bệnh khá cao

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi tại trụ sở UBND xã Lộc An, ông Hồ Đắc Sự, Chủ tịch UBND xã này cho biết: ngay trong chiều 13/9, (tức sau khi cơn mưa bão kết thúc), phía xã đã huy động lực lượng phối hợp với Ban quản lý chợ Truồi đến khơi thông cống, đường mương thoát nước ở khu vực này. Tuy nhiên như chính ông Nong, người trực tiếp tham gia khơi thông thừa nhận thì việc này không có kết quả.

Đường mương thoát nước bị đất, đá, gạch vụn lấp cạn

 Về phương án xử lý dứt điểm, ông Nong đề xuất dùng máy xúc múc đường ống lên để thông ống trước khi hoàn trả lại như ban đầu. Sau một hồi chất vấn ông Nong về việc tại sao không khơi thông được hệ thống cống, rãnh thoát nước tại khu vực dân cư thuộc thôn Xuân Lai. Sau khi gọi điện cho một ai đó, ông Sự quả quyết sẽ xử lý dứt điểm trong tuần này, khi thời tiết tạnh ráo.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi cụ thể thời điểm nào sẽ tiến hành, thì vị Chủ tịch xã này lại bảo: “Đợi đơn vị thi công. Hôm trước tôi có trao đổi với ôông rồi (ôông: ở Thừa Thiên Huế, người ta hay gọi những người lớn tuổi hoặc những người có vai vế trong xã hội là ôn hoặc ôông với thái độ trịnh trọng, kính nể - PV). Nói với ôông là tại sao đoạn phía sau làm rồi mà đoạn phía trước thì chưa?” Thắc mắc về người đàn ông bí ẩn, ghê gớm mà khiến Chủ tịch một xã phải gọi với thái độ kính nể và phải hỏi ý kiến về việc của người dân, của xã như thế, chúng tôi tiếp tục truy vấn thì được ông Sự cho biết đó là ông La, một người khá nổi tiếng về lĩnh vực xây dựng tại huyện Phú Lộc.

Lý do phải đợi đơn vị thi công, theo ông Sự là do dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường vào chợ Truồi đã được UBND huyện Phú Lộc đưa vào phương án đầu tư xây dựng trong năm 2016 và đã được phê duyệt. Dự án do Ban Đầu tư và Xây dựng Phú Lộc làm chủ đầu tư; đơn vị trúng thầu thi công là công ty của ông La (Phạm La), người đã được ông Sự nhắc đến với thái độ kính nể.

Đến thời điểm này theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình đã được khởi công và đơn vị thi công đã hoàn thành đoạn phía sau của tuyến đường. Tuy nhiên, theo người dân “chỗ người ta đang cần kíp thì họ chưa làm, còn chỗ không cần lắm thì người ta đi làm trước”, lời một người dân. Chỗ người dân cần chính là đoạn đường trước nhà thờ Thiên Chúa giáo Xuân Lai, dẫn vào chợ Truồi. Đoạn đường này đã xuống cấp từ lâu, trong khi đó các điểm cống, đường mương thoát nước dọc theo nó thì hư hại trầm trọng dẫn đến thực trạng cứ trời mưa là khu vực dân cư lại bị ngập úng cục bộ lâu ngày.

Đường vào chợ Truồi đã được phê duyệt đầu tư xây dựng nhưng đơn vị thi công chưa chịu làm

Người dân khu vực chợ Truồi đã phải chịu cảnh đi trong nhà cũng phải mang ủng; mọi sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn, trong khi nguy cơ phải đối diện với các mầm bệnh là khá cao mỗi khi có trời mưa, bão suốt mấy năm qua. Khi có dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường vào chợ cùng với đó là các điểm cống, đường mương thoát nước sẽ được tu bổ, sửa chữa qua đó xử lý dứt điểm thực trạng nước mưa ngập úng lâu ngày vì không có đường thoát. Nhưng cho đến lúc này, họ vẫn phải chịu đựng nguồn nước bẩn chảy tràn trong và xung quanh nhà, cũng như mong cái “ông đơn vị thi công ấy” khẩn trương làm nốt đoạn đường còn lại.

Còng riêng dối với vị Chủ tịch xã, người dân sẽ rất vui mừng, khi biết rằng ông luôn kính nể, tôn trọng họ. Tuy nhiên, thiết nghĩ đối với một đơn vị thi công công trình trong địa bàn quản lý của mình, khi họ để xảy ra tình trạng chậm chễ, kéo dài tiến độ, thì ông nên nhắc nhở hoặc báo cáo cho cơ quan cấp trên để có biện pháp xử lý cứng rắn hơn. Đằng này, ông chỉ biết chờ đợi và gọi điện thoại nài nỉ họ làm cho sớm.

Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh