Người dân dựng lán phản đối xây dựng bãi chôn rác thải
- Sức khỏe
- 19:51 - 15/07/2015
Chiều 14/7, có mặt tại khu đồi Mốc (địa điểm giáp ranh giữa 2 xã Dân Lực và Minh Sơn) sau 8 ngày dựng lán, hàng trăm người dân hai thôn Xuân Tiên, Thiện Chính (xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn) vẫn kiên quyết “bám trụ” để phán đối việc chính quyền cho xây dựng bãi chôn rác thải tại đây.
Người dân dựng lán phản đối thi công xây dựng bãi rác tại đồi Mốc
Ông Nguyễn Văn Minh (trú tại thôn Xuân Tiên, xã Dân Lực) cho biết: “Đã gần mười ngày nay không kể nắng mưa chúng tôi dựng lều bạt ở đây và cắt cử nhau ngày đêm để phản đối, ngăn cản cơ quan chức năng xây dựng bãi chôn lấp rác thải. Khu vực đồi Mốc nằm trên đỉnh cao nhất giáp ranh giữa 2 xã Dân Lực và Minh Sơn. Hàng trăm hộ dân sống xung quanh, có hộ chỉ cách bãi rác chừng hơn 100m, Trường tiểu học, THCS xã Dân Lực cũng cách độ gần 200m. Vậy khi chôn rác thải trên đỉnh đồi, rồi rỉ nước ra thì làm gì không ảnh hưởng, không khéo đời con, đời cháu lại ung thư hàng loạt khi đó có khổ không?”
Chung quan điểm trên bà Nguyễn Thị Nga (trú tại thôn Minh Tiên, xã Dân Lực) cho biết thêm: “Nếu người dân chúng tôi đồng ý cho xây dựng bãi chôn rác thải trên thì sau này nguồn nước trong thôn sớm bị ô nhiễm, trong khi đó hầu hết các hộ ở đây đều dùng nước giếng khơi nên một khi nước thải bị dò rỉ ra dễ sẽ xâm nhập vào nguồn nước chúng tôi dùng hằng ngày”.
Quyết định phê duyệt dự án, phê duyệt đánh giá tác động môi trường
của UBND tỉnh Thanh Hóa
Trước những bức xúc của người dân, tìm hiểu về vấn đề này, thông tin từ Phòng tài nguyên và môi trường huyện Triệu Sơn cho biết: Dự án bãi chôn rác thải sinh hoạt tại khu vực đồi Mốc phục vụ cho 3 đơn vị là thị trấn Triệu Sơn và 2 xã Dân Lực, Minh Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 1277/QĐ-UBND ngày 28/4/2014 và Báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày 11/11/2013 về việc xây dựng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh thị trấn Triệu Sơn và các xã phụ cận tại đồi Mốc, xã Minh Sơn, dự án do UBND huyện Triệu Sơn làm chủ đầu tư.
Dự án được xây dựng trên diện tích 45.650m2 với tổng kinh phí đầu tư hơn 28,5 tỷ đồng, công suất xử lý rác 4.000 tấn/năm, vận hành trong 8 năm. Hệ thống xử lý gồm 6 hố chôn với cấu tạo đáy hố: Gồm lớp cát thô dày 10cm, lớp sỏi cấp phối dày 20cm, lớp vải địa kỹ thuật HDPE chống thấm, lớp đất sét dày 40cm và nền dầm chặt; Cấu tạo thành hố gồm: tấm bê tông dày 6cm, lớp vải địa kỹ thuật HDPE và nền đất dầm chặt. Ngoài ra còn có hệ thống thoát nước rỉ, hệ thống hồ xử lý, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật… áp dụng công nghệ mới đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam.
Còn ông Lê Xuân Dương – phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết thêm: “Từ những năm 90 của thế kỷ trước khu vực đồi Mốc đã hình thành một bãi rác tự phát, đến năm 2002 bãi rác đã gây ô nhiễm môi trường. Các cấp chính quyền xã cùng nhân dân đã có kiến nghị về việc xử lý bãi rác. Từ năm 2002 chúng tôi đã có tổ chức gặp gỡ các cấp chính quyền và người dân để bàn bạc, lấy ý kiến. Từ năm 2002-2009 chúng tôi liên tục kiến nghị xin kinh phí xây dựng dự án chôn lấp xử lý rác thải cho các hộ dân. Năm 2009, tỉnh có quyết định phê duyệt tổng thể các bãi rác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; huyện, xã trình phê duyệt bãi rác ở đồi Mốc, nhưng ko hiểu vì lý do nào tỉnh lại phê duyệt dự án tại xã Hợp Thắng? Do vậy từ 2009-2013 chúng tôi không tiến hành đầu tư xây dựng được do sai địa điểm. Sau khi xin được kinh phí, điều chỉnh lại địa điểm, quyết định của UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan, chúng tôi tiến hành khởi công xây dựng thì lại vấp phải sự phản đối của người dân. Việc người dân nói rằng họ không được biết thông tin cũng như việc xây dựng bãi rác là không có, tháng 3/2015 chúng tôi đã trực tiếp xuống tận địa phương để báo cáo về dự án. Mặt khác trên hệ thống truyền hình huyện, truyền thanh của thôn, xã cũng thường xuyên tuyên truyền để người dân nắm rõ.
“Có thể người dân hai thôn Xuân Tiên, Thiện Chính không hiểu rõ bản chất sự việc, lại bị một số người tuyên truyền sai nên xảy ra sự việc trên. Trước mắt chúng tôi tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ dự án và lợi ích của dự án mang lại. Trong trường hợp khi triển khai dự án nếu có hộ dân nào quá gần, không đảm bảo khoảng cách an toàn chúng tôi sẽ có phương án di rời”-ông Dương nói.