Người cày thuê thành ông chủ sở hữu 1.000 ha đất
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 21:39 - 25/10/2015
Ông cũng là người đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long nhập khẩu bò từ Australia về bán cho các lò mổ trong vùng. Ông bảo, trước đây, mỗi ngày bán khoảng 500 con, bây giờ thì chỉ còn 200. Năm ngoái, ông nộp thuế nhập khẩu cho tỉnh Long An gần 300 tỷ đồng.
Nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu, ông kể, cha mất năm 1957 trong chiến khu vì bệnh, mẹ ông thủ tiết thờ chồng nuôi con. “Năm 14 tuổi, nửa buổi tôi đi học, thời gian còn lại ôm vô lăng chiếc máy cày hiệu Massey Ferguson đời 69 đi cày thuê kiếm tiền phụ mẹ”. Đầu những năm 1990, khi Đông Âu sụp đổ, các nông trường quốc doanh hợp tác trồng cao su bị bỏ hoang. Ông nhận 70 ha đất ở Bời Lời (Tây Ninh), khai hoang phục hoá trồng mía. Đất vùng này thiếu nước, vụ đầu tiên hệ thống tưới không đảm bảo nên ông lại thua lỗ, phải 3 năm sau mới trả hết nợ.
Khi cả 2 vùng Tân Uyên và Bời Lời cây mía ổn định, mỗi năm sinh lợi trên 500 triệu đồng (thời điểm trước 1995), ông được mọi người gọi là “Huy mía”. Dành dụm được số vốn tương đối lớn, ông về “rốn phèn” Đồng Tháp Mười (Long An) khai hoang 240 ha đất trồng mía. Không may, ông trồng cây nào chết cây đó, vốn liếng trôi sạch bởi phèn quá nặng, không cây gì sống nổi.
Thấy trồng mía thoi thóp, ông Út Huy quyết định bỏ cây mía và tái thiết cây trồng trên đất phèn. Và trước khi “tái thiết”, ông khăn gói tới Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam để học hỏi kinh nghiệm. Sau thời gian thọ giáo các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu như GS Võ Tòng Xuân, TS Nguyễn Minh Châu…, ông Út Huy quyết định đưa dưa hấu và ớt vào Đồng Tháp Mười “chiến đấu” với đất phèn.
Và kết quả thành công ngoài mong đợi, với năng suất bình quân 25 – 30 tấn một ha, mỗi năm ông Út Huy cung cấp cho thị trường… vài trăm tấn ớt. Đến 2007, ông quyết định chuyển sang cây khác. “Tôi tập trung vào bưởi da xanh, xoài, mít và cây thanh long. Hiện nay toàn bộ diện tích đã bắt đầu cho trái, kết quả rất khả quan...”.
Ông Võ Quang Huy
Trước đó, song song với trồng ớt và dưa hấu, khoảng năm 2000, ông Út Huy đưa mấy chiếc xe múc xuống xã Liêu Tú (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) đào ao thuê. Vừa làm công vừa học nghề, đến năm 2001, ông đầu tư nuôi 17 ao tôm, nhưng lại thất bại ê chề. “Năm đầu tiên tôi đi đứt mấy tỷ bạc. Hiểu ra là không thể nóng vội với con tôm, tôi dẹp mấy ao tôm qua một bên rồi lang thang khắp đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tầm sư học đạo. Cũng may là thời điểm này 240 ha ớt ở Long An, 70 ha cao su ở Bình Dương và 80 ha sắn ở Tây Ninh… đều thu lãi nên tôi không phải lăn tăn chuyện vốn liếng”, ông nói.
Sau hơn một năm trang bị thêm kiến thức nuôi tôm theo công nghệ sinh học, ông quay lại Sóc Trăng và đầu tư lớn để nuôi tôm trên diện tích 100ha. Lần này thì ông đã thành công. Sau đó ông sang Bạc Liêu gom tiếp 60 ha để mở rộng diện tích. Tới nay, diện tích nuôi tôm của ông ở 2 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng là 160 ha.
Trong khi nhiều “đại gia” nhập bò Australia về Việt Nam, nhiều người khác đốn cây cà phê thì ông Út Huy lại “đùng một cái” mua ngay 300ha đất ở Lâm Đồng. Ông nói: “Cái nào người ta ồ ạt làm thì tôi sẽ bỏ, còn cái họ bỏ thì tôi sẽ làm”, ông nói.
Tổng diện tích đất ông sở hữu giờ đây trải dài suốt từ Long An, Tiền Giang xuống đến Sóc Trăng, rồi cả ở Đông Nam Bộ như Bình Dương, Tây Ninh với gần 1.000ha.