THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:48

Doanh nghiệp xã hội cũng có thể phát triển, làm giàu

Cần nhiều chính sách giúp doanh nghiệp xã hội

Các chuyên gia có mặt tại hội thảo cho biết, tại nhiều nước trên thế giới, mô hình doanh nghiệp xã hội đã phát triển từ lâu và nhận được nhiều hỗ trợ của nhà nước. Ví dụ như như tại Mỹ, theo bà Dana Doan, Tư vấn chiến lược của Trung tâm phát triển Cộng đồng LIN, các nhà đầu tư đổ tiền vào doanh nghiệp xã hội, sẽ không phải đóng thuế. Còn tại Thái Lan, Chính phủ cũng dành 3% từ tiền thuế thu từ thuốc lá và hoạt động vũ trường để đầu tư vào doanh nghiệp xã hội.

Hầu hết các doanh nghiệp xã hội có mặt tại hội thảo đều cho rằng, Nhà nước cần xây dựng các chính sách cụ thể cho doanh nghiệp xã hội, xoay quanh những vấn đề trọng tâm như: Chính sách khởi nghiệp; với những doanh nghiệp đang hoạt động cần có những ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích về đầu tư, thuế, quỹ đất; hỗ trợ về tài chính, nhân lực; phát triển quỹ tài chính hoặc nguồn tài chính để giúp doanh nghiệp này phát triển, qua đó tạo công ăn việc làm cho các đối tượng mồ côi, khó khăn, khuyết tật, thương bệnh binh, tự kỷ...

Rất đông khách hàng nhiệt tình mua sản phẩm của Cty Tò he.

Sáng tạo mang đến thành công

 Hội thảo đã giới thiệu Cty cổ phần Tò he - một doanh nghiệp xã hội hoạt động khá thành công với sứ mệnh mang đến cho trẻ em thiệt thòi, tật nguyền một sân chơi với các hoạt động sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Để có lợi nhuận, những tác phẩm tranh vẽ của các em được Cty Thiết kế lại thành các sản phẩm như ví, túi xách, ba lô... bán tại nhiều cửa hàng trong nước và xuất khẩu. Với hướng kinh doanh này, doanh nghiệp không chỉ được khách hàng quan tâm, hưởng ứng, mà còn giúp các em nhỏ khuyết tật phát huy khả năng sáng tạo, có niềm tin vào cuộc sống, cảm thấy hạnh phúc được cộng đồng quan tâm, đón nhận sản phẩm làm ra.

Bà Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai dạy trẻ tự kỷ cũng chia sẻ câu chuyện khởi sự doanh nghiệp mình. “Tháng 12/1995, chúng tôi thành lập Trung tâm Sao Mai, giai đoạn đầu hoạt động theo cơ chế của tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm chuyển đổi hoạt động như một doanh nghiệp xã hội, sau đó do các tổ chức phi chính phủ tài trợ đã chuyển các dự án về vùng sâu vùng xa, nên để đảm bảo nguồn thu chi cho hoạt động của doanh nghiệp, chúng tôi bắt đầu thu học phí, bán cà phê, kinh doanh photocopy. Từ năm 2014, doanh thu từ học phí chiếm 80% nguồn thu của Trung tâm, còn nguồn tài trợ chiếm 5%, còn 15% là các dịch vụ khác.”

Trao đổi nguyên nhân lựa chọn hướng phát triển la doanh nghiệp xã hội, ông Nguyễn Đình Nguyên, đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Tò he cho biết, bên cạnh mục đích nhân văn, doanh nghiệp xã hội cũng có thể phát triển không kém các doanh nghiệp thương mại. Bởi khi các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp xã hội được biết đến và vấn đề xã hội mà các doanh nghiệp xã hội hướng tới, được giải quyết tốt.

Theo ông Brook Taylor, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, để phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội, thì bản thân doanh nghiệp phải đưa ra được phương án kinh doanh với mục tiêu vì cộng đồng đặt trên lợi nhuận. Nếu mô hình thực sự hiệu quả, sẽ nhận được nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ.

Để doanh nghiệp xã hội đứng vững, phát triển rất cần có các “lực đẩy” là các nhà tài trợ, và sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, biết chú trọng sử dụng sản phẩm của những doanh nghiệp này. Qua đó giúp doanh nghiệp xã hội đến gần hơn với cộng đồng, khẳng định vai trò quan trọng của họ trong nền kinh tế

THANH NHUNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh