THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:45

Làm giàu từ mô hình “VAC”

 

Trước mặt tôi là khu đất rộng rãi, được quy hoạch ngăn nắp. Bên dưới là ao thả cá, xung quanh trồng xoài, chuối, đu đủ, sầu riêng, và khu chăn nuôi. Đón tiếp chúng tôi với ánh mắt thân thiện và nụ cười rạng rỡ, ông Hạnh tâm sự: “Tui quê Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Năm 1994, cả  gia đình từ tỉnh Tiền Giang chuyển về thành phố Vũng Tàu lập nghiệp. Ngày mới đến vùng đất mới, cuộc sống của gia đình tui gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù vợ chồng tui đã làm thuê, làm mướn đủ thứ nghề, như tui thì làm phụ hồ, bà xã tui thì đi bán hàng rong, ban ngày làm việc quần quật, tối về lại vợ chồng lại bán hột vịt lộn ở vỉa hè, nhưng gia đình vẫn túng thiếu, cái nghèo đói vẫn đeo bám .

Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ tìm kế sinh nhai, đã có không ít hôm thức trắng, tui mang chiếc ghế ra hiên nhà bên ấm trà xanh đậm đặc, ngồi trầm ngâm suy nghĩ, dưới ánh trăng khi tỏ khi mờ, nhìn ra khu đất trống, bỏ hoang nhiều năm nay, chẳng lẽ với ngần này đất đai trong tay chẳng lẽ lại chấp nhận cảnh đói nghèo? Thế rồi sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ  tui cũng tìm ra được hướng đi” – ông Hạnh chia sẻ.

 

Ngày hôm sau, ông Hạnh bảo vợ chuần bị cho ông một nắm cơm, cùng với chiếc xe 81 cà tàng, ông đã rong ruổi  lặn lội khắp các tỉnh đồng bằng Cửu Long để học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Ông đã đến các tỉnh như Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre…những ngày lân la, tiếp xúc học hỏi kinh nghiệm, ông nhận thấy đã có không ít người họ đã thực hiện mô hình kinh tế VAC thành công, và  đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Trở về Vũng Tàu, bàn bạc với bà xã, được vợ ủng hộ, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 5.000 mét vuông đất nền rau muống làm kinh tế VAC. Vốn liếng ban đầu của nhà và mượn của anh em, bạn bè được gần 100 triệu đồng.

Sau khi thuê máy ủi, san mặt bằng, đào ao thả cá xong, ông mua và thả một số loại cá giống như: trắm, chép, mè , trôi… hàng ngày ông thuê hẳn 1 nhân công có nhiệm vụ đến các khách sạn, nhà hàng mua thức ăn bã đậu, thức ăn thừa về rải cho cá ăn. Kiên trì chờ đợi đúng một năm sau ông thu hoạch, trừ các khoản chi phí ông đã cầm chắc trong tay từ 70 – 80 triệu đồng/ năm.

 Không chỉ dừng lại ở công việc đào ao thả cá.  Xung quanh vườn ông Hạnh còn trồng cây ăn trái như: Xoài, chuối, đu đủ và phát triển chăn nuôi. Hiện nay, trang trại của ông lúc nào cũng có đàn vịt hơn 1000 con, với phương châm vừa nuôi vừa học kỹ thuật chăm sóc. Vịt con từ 1,5 tháng tuổi trở lên, buổi sáng cho chúng ăn, rồi lại lùa xuống ao, tự mò con tôm tép ăn. Khi vịt cái đến tuổi trưởng thành, thì ông mua lưới quây kín để vịt đẻ trứng.

 

Theo ông Hạnh: “Trung bình một con vịt cái có thể đẻ tới 100 quả trứng/năm, trứng vịt đẻ xong không phải mang đi bán các chợ đầu mối mà đã có các thương lái đến tận nhà thu mua. Cùng với mô hình đầu tư giống nuôi vịt đẻ trứng, ông còn nuôi  đàn gà đẻ 500 con, đàn dê hơn 50 con. Quá trình chăn nuôi ông đặc biệt chú trọng đến việc chăm sóc, tiêm phòng bệnh cho đàn gà, vịt, điều này giúp trại của ông tránh được dịch bệnh.   

Do biết áp dụng mô hình kinh tế VAC nên gia đình ông Hạnh đã thoát khỏi cảnh đói nghèo và từng bước vươn lên khấm khá. Hiện nay, trung bình tổng mức thu nhập của gia đình ông đạt từ 500 – 600 triệu/ năm. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho cả gia đình, ông còn tạo thêm công ăn việc làm cho 3 lao động, với mức thu nhập từ 3  – 4 triệu đồng/tháng.

Để có thành quả như ngày hôm nay đó là sự nỗ lực học tập, nghiên cứu tài liệu sách báo và sự phấn đấu không mệt mỏi của bản thân ông, niềm đam mê cộng với tinh thần cần cù chịu khó.

Ông Hạnh đã xây dựng thành công mô hình VAC đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguyễn Thanh Hải

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh