Ngục Đắk Min: Một thời để nhớ
- Văn hóa - Giải trí
- 13:24 - 17/02/2016
Theo sử sách ghi lại, ngục Đắk Min ngày ấy được thực dân Pháp xây dựng giữa khu rừng thâm u của đại ngàn cao nguyên M’Nông, có lịch sử gắn liền với lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, khi phong trào cách mạng khắp cả Bắc, Trung, Nam lên cao, Nhà đày Buôn Ma Thuột trở thành nơi giam giữ tù đày những chiến sĩ cách mạng từ khắp nơi đưa tới. Năm 1940, số lượng tù chính trị ở Nhà đày Buôn Ma Thuột tăng lên nhanh và trở nên quá tải. Đồng thời vào thời điểm ấy, để phục vụ cho việc thi công tuyến đường xuyên qua cao nguyên M’Nông , thực dân Pháp tuyển mộ một số lượng phu lục lộ rất lớn. Nhưng vì bị bóc lột sức lao động thậm tệ và tiền lương rẻ mạt, nên nhiều cuộc bãi công đòi tăng lương nổ ra.
Nhà trưng bày tư liệu và hiện vật về di tích lịch sử ngục Đắk Min
Để đàn áp và giam giữ những người bãi công, đòi các yêu sách khác, thực dân Pháp đã cho xây thêm Ngục Đắk Min. Ngục Đăk Min được xây dựng với 9 gian được bao quanh bởi một hàng rào hoàn toàn bằng gỗ chồng khít lên nhau và có thêm vòng dây thép gai bên ngoài, rất kiên cố, chắc chắn. Bên trong ngục có 2 dãy sàn cũng được làm bằng gỗ là chỗ ngủ của phạm nhân với những cùm chân, xích tay sắt rất an toàn. Sau khi xây dựng xong, thực dân Pháp chuyển một phần tù nhân từ Nhà đày Buôn Ma Thuột tới giam giữ tại đây. Được biết, vào đầu tháng 11/1942, đoàn tù nhân đầu tiên bị lưu đày tới đây gồm 45 người, sau đó nhanh chóng tăng lên tới hơn 100 người. Ngục Đắk Min là một trong những nhà tù khắc nghiệt, được thực dân Pháp áp dụng những chính sách vô cùng tàn bạo. Mặc dù giữa chốn đại ngàn thâm u “rừng thiêng nước độc”, nhưng suốt 4 mùa mỗi tù nhân chỉ được phát một mảnh chăn mỏng, một chiếc chiếu và một bát cơm. Ngày nào tù nhân cũng phải làm những công việc nặng nhọc như đào đất đóng gạch, làm đường trong tư thế chân tay bị xiềng xích, đêm ngủ cũng trong tư thế bị gông cùm. Nhưng, với lòng kiên định và ý chí kiên cường đấu tranh, những tù nhân chính trị đã biến nhà ngục trở thành một môi trường rèn luyện tinh thần yêu nước, vừa công khai phản kháng vừa âm thầm xây dựng thành lập chi bộ Đảng. Năm 1943, một chi bộ cộng sản được thành lập ngay trong ngục, do đồng chí Nguyễn Tạo làm Bí thư, từ đây cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của tù nhân và quần chúng nhân dân trên địa bàn Đắk Min đã chịu ảnh hưởng và chịu sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Những cuộc đấu tranh trực diện chống chế độ hà khắc, chống áp bức và tổ chức vượt ngục hết sức táo bạo, ngoạn mục đã lần lượt diễn ra.
Hình ảnh phục dựng cảnh gông cùm của hàng trăm chiến sĩ cộng sản nơi "địa ngục trần gian" trong nhà ngục Đắk Min từ năm 1941 - 1943
Ngục Đắk Min chỉ tồn tại trong vòng 3 năm, nhưng nơi đây đã thực sự trở thành một chứng tích lịch sử về tội ác của thực dân Pháp và đồng thời là một trường học lớn góp phần đào tạo, rèn luyện nên bao chiến sĩ cộng sản trung kiên của Đảng, của cách mạng Việt Nam từ những năm tiền khởi nghĩa tháng 8/1945. Đó là các đồng chí: Nguyễn Tạo, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp; Hoàng Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thiếu tướng Võ Bẩm, nguyên Trưởng đoàn Binh đoàn Trường Sơn năm 1959; Trần Hữu Dực, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Dương, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Trần Văn Quế, nguyên Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp; Nguyễn Hữu Khiếu, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thượng tướng Trần Thọ, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần; Thượng tướng Trần Sâm, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Lê Nam Thắng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV…
Ngục Đắk Min nay đã trở thành địa chỉ về nguồn tham quan tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng của nhiều đoàn du khách trong và ngoài tỉnh
Sau một thời gian dài bị bỏ hoang giữa đại ngàn, Ngục Đắk Min đã trở thành phế tích đổ nát. Ngay sau khi thành lập tỉnh Đắk Nông vào năm 2004, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều đợt khảo sát xác minh, sưu tầm hiện vật và gặp gỡ các nhân chứng còn sống nhằm hoàn thiện hồ sơ khoa học lịch sử trình Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2005. Tuy nhiên, phải đến năm 2008 với vốn đầu tư hơn 9 tỷ đồng, khu di tích mới chính thức được khởi công trùng tu, xây dựng trên nền nhà ngục cũ và hoàn thành vào năm 2010. Khu di tích được xây dựng với hai hạng mục chính gồm Khu nhà trưng bày hiện vật và Khu tái hiện những hình ảnh giam giữ, xiếng xích, tra tấn tù nhân. Nhà ngục đã được tái hiện lại với diện tích tương tự nhà ngục cũ mà thực dân Pháp đã xây dựng. Khôi phục, trùng tu, tôn tạo lại nhà ngục chính là nhằm để các thế hệ sau ghi nhớ, tri ân, học tập truyền thống đấu tranh bất khuất của thế hệ đi trước. Ngày nay, Khu di tích lịch sử Ngục Đắk Min đã thực sự trở thành một địa chỉ về nguồn, tham quan của nhân dân trong và ngoài tỉnh.