Ngư dân vùng cửa biển ở Huế tổ chức lễ cầu ngư - vươn khơi đánh bắt vụ cá Nam
- Văn hóa - Giải trí
- 16:58 - 02/02/2023
Theo nhiều tài liệu lịch sử, làng Thai Dương hình thành từ khá sớm trên vùng đất Thuận Hoá khi xưa. Theo ThS Nguyễn Thăng Long - Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, vào giữa thế kỷ thứ XVI, làng Thai Dương là một trong 60 làng của huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong. Đến thời các chúa Nguyễn (1558 - 1775), do chịu sự tác động của những biến động địa lý tự nhiên ở cửa biển Thuận An, làng Thai Dương bị chia tách làm hai. Dưới thời vua Đồng Khánh, Thai Dương là một trong 19 xã, giáp thuộc tổng Vĩnh Trị, huyện Hương Trà.
Đến năm 1904, một trận bão lớn xảy ra tại Huế và vùng phụ cận, hải triều dâng cao cộng với nước lũ từ thượng nguồn sông Hương đổ về đã lấp đi cửa Thuận An cũ và mở ra cửa Thuận An mới, chia làng Thai Dương ra làm hai, lấy cửa biển làm ranh giới. Làng trên gọi là Thai Dương Hạ thượng giáp (nay là làng Thai Dương Hạ, xã Hải Dương, TP Huế) và làng dưới gọi là Thai Dương Hạ hạ giáp (nay là làng Thai Dương, phường Thuận An, TP Huế).
Ngày nay, các tổ dân phố An Hải, Minh Hải, Hải Bình, Hải Thành, Hải Tiến được cho là nằm trên địa giới của làng Thai Dương và chiếm gần 3/4 dân số của phường Thuận An (TP Huế). Do nằm ở vùng cửa biển Thuận An, với chiều dài bờ biển khoảng 5km và nằm bên đầm phá Tam Giang, cư dân làng Thai Dương chủ yếu sống bằng nghề khai thác nguồn lợi thủy hải sản cũng như chế biến các mặt hàng có nguyên liệu từ biển như làm mắm, nước mắm, ruốc,…
Cũng theo các nhà nghiên cứu, dù trải qua bao thăng trầm của thời gian và biến cố lịch sử, địa giới hành chính… làng Thai Dương vẫn còn bảo lưu, gìn giữ được nhiều nét đặc trưng văn hóa làng Việt trên vùng đất mới của cư dân ven phá, biển. Hàng năm, tại làng Thai Dương diễn ra nhiều lễ hội nhưng lễ hội Cầu Ngư là lễ hội lớn nhất, được toàn thể cộng đồng mong chờ, tham dự. Đây là sinh hoạt văn hoá mang đậm yếu tố tâm linh của cư dân vùng ven biển cả nước nói chung và ở Thừa Thiên Huế nói riêng.
Lễ hội được tổ chức từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng Âm lịch, tại đình làng theo chu kỳ ba năm một lần vào các năm Tý - Mão - Ngọ - Dậu, nên dân làng thường gọi là “tam niên đáo lệ”.
Lễ hội Cầu Ngư ở Thai Dương có những nét tương đồng như các lễ hội cầu ngư ở các địa phương khác, đồng thời thể hiện yếu tố đặc thù mang tính địa phương. Lễ hội biểu hiện khát vọng trường tồn của ngư dân, cầu cho dân bình an, cầu cho biển rộng, sóng yên để ngư dân đi biển đánh bắt được nhiều, đạt kết quả tốt, dân ấm no hạnh phúc.
Lễ hội còn là dịp để bà con tỏ lòng nhớ ơn công đức tiền nhân vị khai canh của làng - ông Trương Quý Công (húy là Trương Thiều), người có công khai khẩn và truyền nghề cho người dân đánh bắt trên đầm, phá và cả ngoài biển khơi.
Theo các vị cao niên, lễ Cầu Ngư ở làng Thai Dương bao gồm các phần lễ chính, như: lễ túc yết (cúng tế lễ vật để cáo yết với thần linh và buổi tối ngày đầu tiên). Sau lễ túc yết thường có diễn tuồng, vừa là một nghi tiết dâng cúng, vừa để toàn dân thưởng thức. Rạng sáng hôm sau là mở đầu chánh tế với đầy đủ nghi thức cổ truyền như dâng hương dâng rượu tam tuần, đọc chúc với sự phụ họa của phường bát âm và chiêng trống. Đến khoảng 6h sáng là lễ trình nghề diễn ra ngoài sân đình. Phần lễ trình nghề bao gồm các trò trên bờ và trò dưới nước (các hoạt động sân khấu hoá mô tả cảnh chèo thuyền ra khơi, câu cá, thả lưới, tiểu thương mua bán tôm cá,...).
Trước khi diễn ra lễ chính, người dân làng Thai Dương cũng thường tổ chức cung nghinh Thành hoàng làng từ các am, miếu về đình; lễ Cầu an; các hoạt động văn hoá, văn nghệ chào mừng. Một sinh hoạt không kém phần sôi nổi của lễ hội Cầu Ngư là cuộc thi đua trải trên mặt phá Tam Giang (diễn ra sau lễ chính).
Lễ hội Cầu Ngư làng Thai Dương năm 2023 là lần đầu tiên lễ hội truyền thống này được tổ chức sau khi phường Thuận An trở thành đơn vị hành chính thuộc TP Huế (sáp nhập vào TP Huế và thành lập phường năm 2021 trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang theo Nghị quyết của Quốc hội). Nơi tổ chức lễ hội nằm ngay đối diện với Cảng cá Thuận An, trên vùng cửa biển Thuận An và được xem là vùng cửa biển có vị trí, vai trò quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay, nơi có đội tàu thuyền công suất lớn, đánh bắt xa bờ nhiều nhất của tỉnh. Thuận An cũng từng được vua Thiệu Trị xếp vị trí thứ 10 trong "Thần kinh nhị thập cảnh" và hiện đang phát triển mạnh về du lịch dịch vụ.
Vì vậy, lễ hội Cầu Ngư năm nay còn thể hiện khát vọng vươn lên, phát triển về mọi mặt, với mục tiêu sớm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Ngay sau khi các phần chính của lễ “Cầu Ngư” kết thúc, hàng chục tàu đánh bắt cá xa bờ, công suất lớn ở khu vực Thuận An đã nổ máy xuất bến, ra khơi khai thác nguồn lợi hải sản vụ Nam, với mong muốn chuyến vươn khơi thành công, trở về đầy ắp cá.
Trước đó một ngày (ngà 1/2/2023, nhằm ngày 11 tháng Giêng Âm lịch), người dân làng Thai Dương Hạ (xã Hải Dương, TP Huế) cũng đã tổ chức lễ Cầu Ngư để tưởng nhớ vị khai canh làng (ông Trương Quý Công) cùng các nội dung, nghi thức gần như tương tự làng Thai Dương.