Thừa Thiên Huế: Ngư dân tấp nập chuẩn bị vươn khơi nơi cửa biển Thuận An
- Văn hóa - Giải trí
- 16:17 - 22/10/2017
Ngư dân chuẩn bị để ra khơi tại cảng cá Thuận An
Tại khu vực cửa biển Thuận An, có một lượng lớn tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân các xã như: như Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Thị trấn Thuận An, xã Hải Dương…Lực lượng ngư dân ở đây vào khoảng 10 ngàn lao động từ trực tiếp tham gia theo tàu thuyền đánh bắt hải sản, đến dịch vụ hậu cần nghề cá,…Họ đóng góp hơn 40% tổng sản lượng thủy, hải sản của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Được biết trong những năm trở lại đây, đội tàu cá xa bờ - công suất từ 90 CV đến 830CV của Thừa Thiên Huế Huế đang tăng nhanh. Riêng địa bàn Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An quản lý đã có tới 638 phương tiện tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên, với 2.648 lao động tham gia hoạt động đánh bắt thủy hải sản.
Tại Hội nghị tuyên truyền thông tin liên lạc và phòng ngừa thiên tai trên biển do Đài thông tin tín hiệu duyên hải Huế phối hợp với Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An tổ chức với gần 100 ngư dân là chủ tàu, thuyền trưởng tham dự, chúng tôi gặp ngư dân Nguyễn Văn Hiền (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà). Ông Hiền cho biết, gia đình ông đã làm nghề đánh bắt xa bờ từ rất lâu. Cũng theo ông Hiền thì từ đầu năm đến nay, bà con ngư dân Thừa Thiên Huế hầu hết đều “trúng quả”, chuyến đi nào cũng đầy ắp cá, tôm trở về.
Một ngư dân khác mà chúng tôi gặp tại cảng cá Thuận An khi ông đang chuẩn bị để ra khơi vui vẻ nói: “Mấy hôm rồi có thông tin báo bão nên bà con ngư dân cho tàu thuyền vào tránh trú. Nay trời đẹp rồi chúng tôi lại tiếp tục vươn khơi”.
Trong khi đó, ngư dân Trần Dành (thị trấn Thuận An, Phú Vang) thì lại đang rất hồ hởi. Vì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, chiếc tàu vỏ thép có công suất lớn nhất ở Thừa Thiên Huế (gần 830CV) của gia đình ông đóng theo Nghị định 67 sẽ được hạ thủy. Theo ông Dành, khi chiếc tàu này chính thức được đưa vào sử dụng sẽ giúp bảo đảm việc đánh bắt dài ngày ở vùng biển xa bờ trên 120 hải lý.
Được biết, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 9 chiếc tàu võ gỗ công suất lớn được đóng mới, trong đó có 6 chiếc hoàn thành được hạ thủy và 3 tàu đang được đóng trên đà. Theo kế hoạch năm nay, Thừa Thiên Huế sẽ có 45 chiếc tàu vỏ gỗ, composite và tàu vỏ thép công suất lớn được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có quyết định trích ngân sách tỉnh hơn 10 tỷ đồng từ nguồn bổ sung có mục tiêu của Trung ương, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc để thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Có thể nói, với sự hồi sinh của biển sau sự cố Formosa cùng việc hình thành các đội tàu đánh bắt xa bờ đã giúp cho ngư dân vùng cửa biển Thuận An nói riêng, ngư dân Thừa Thiên Huế nói chung ngày càng an tâm bám biển và khai thác được nguồn lợi thủy hải sản có giá trị lớn. Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, sản lượng hải sản khai thác biển trên địa bàn tỉnh đã phục hồi và tăng trở lại. Ước tính sản lượng khai thác thủy sản tháng 9 năm 2017 đạt 3.136 tấn, tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển 2.738 tấn, tăng 6,7%; khai thác nội địa 398 tấn, giảm 0,7%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 tổng sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 28.777 tấn, tăng 19,7%, trong đó khai thác biển đạt 25.770 tấn, chiếm tỷ trọng 89,6% tổng số, tăng 22,6%; khai thác nội địa 3.007 tấn, chiếm 10,4%, giảm 0,3%. Nếu tính chung cả sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác 9 tháng đầu năm 2017, con số ước đạt đến 40.166 tấn, tăng 15,6% so cùng kỳ năm trước.
Một số hình ảnh ngư dân chuẩn bị vươn khơi:
Ngư dân nơi cửa biển Thuận An hối hả chuẩn bị vươn khơi sau những ngày vào bờ tránh trú bão
Đá, ga và những vật dụng cần thiết phục vụ những ngày dài bám biển
Cảnh tấp nập tại cảng cá Thuận An
Ngư dân đợi đến thời điểm tàu nhổ neo ra khơi
Những người làm công tác hậu cần nghề cá cũng rất khẩn trương
Trong những năm trở lại đây, tại Thừa Thiên Huế hình thành nhiều tổ, đội tàu đánh bắt xa bờ
Ngư dân vạn đò cũng chuẩn bị lưới, ngư cụ để khai thác nguồn lợi thủy hải sản nơi ven biển, gần bờ