THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:43

Ngọt ngào “Khúc hát sông quê”

Thấm đẫm tâm hồn Việt

PV: “Khúc hát sông quê” là tác phẩm âm nhạc được đánh giá cao, là tác phẩm thấm đẫm tâm hồn Việt, nhạc sỹ có thể cho biết đã sáng tác bài hát này trong hoàn cảnh nào? điều gì làm ông xúc động nhất?

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Khúc hát sông quê là một sáng tác bất ngờ. Sáng 2/9/2002, tôi ngủ dậy ra biển Vũng Tàu tắm rồi trở về định đi thăm bạn bè ngày Quốc khánh. Chợt thấy trên bàn chùm thơ 5 bài của nhà thơ Lê Huy Mậu vừa đưa tôi sau cuộc nhậu đêm qua, nhờ xem để mang về in báo Văn Nghệ. Tôi ngồi vào bàn xem, và khi đọc đến bài thơ dài Khúc hát sông quê thì tôi thực sự xúc động, và nảy ra những giai điệu đầu tiên. Thế là tôi lấy giấy nhạc ra viết một hơi. Có lẽ chỉ khoảng 30 phút là bài hát phổ thơ Lê Huy Mậu hoàn tất. Tôi chưa bao giờ viết một bài hát nhanh đến thế. Ngay bài “Làng Quan họ quê tôi” phổ thơ Nguyễn Phan Hách năm 1978 được viết nhanh kỷ lục (khoảng 1 giờ), nhưng kỷ lục này đã bị “Khúc hát sông quê” phá bỏ.

Điều khiến tối xúc động nhất khi viết ca khúc này chính là quê hương trong thơ Lê Huy Mậu. Nó da diết. Nó thương cảm. Nó máu thịt… Viết xong, tôi gọi điện thoại cho Lê Huy Mậu, bảo anh đến chỗ tôi (lúc ấy tôi đang dự trại viết của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Vũng Tàu). Lê Huy Mậu đến, tôi hát cho Mậu nghe. Nghe xong, anh nằm ngửa trên chiếc giường trải drap trắng, dang tay, như một cây thánh giá. Mặt anh sưng lên. Sau đó anh vùng dậy nói một câu xanh rờn: “Bác làm em nổi tiếng đến nơi rồi!”. Điều đó làm tôi xúc động lắm!

Nhà thơ- nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo

PV: Con sông trong bài hát có phải con sông quê hương ông không? Dường như đây là ký ức tuổi thơ của nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Tất nhiên, quê tôi cũng có một dòng sông lượn quanh làng. Sông Bùng. Tôi đã được sinh ra, lớn lên, và chứng kiến cả đạn bom Mỹ dội xuống dòng sông. Tôi đi bộ đội, và qua rất nhiều con sông. Tôi yêu tất cả những dòng sông tôi gặp, nhưng gặp dòng sông nào, tôi cũng nhớ sông Bùng “tôi đã tắm một ấu thơ ở đó”.

PV: Theo nhạc sĩ, điều gì đem lại cho bài hát sức sống, phải chăng là cái hồn quê trong trẻo được thể hiện qua từng giai điệu, câu chữ?

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Tình yêu con sông quê của nhà thơ Lê Huy Mậu đã hiện lên trong những câu thơ của anh. Còn tôi thì đã phù phép vào những dòng thơ đó. Vâng, phải nói là phù phép, vì âm nhạc có khi còn hơn cả phù thủy, nó mê hoặc cả nhân gian và cây cỏ, muông thú… Làm sao để làm được điều đó, tôi không biết, nhưng tôi là một hiện thân của sông nước làng tôi. Hiện thân của hồn quê ấy, bởi tôi chuyển tải được nó qua ngôn ngữ của mình.

PV: Nhạc sĩ có thể kể đôi chút về ký ức tuổi thơ và quê hương của ông?

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Tôi là một đứa trẻ như bao đứa trẻ ở cái làng Trường Khê ấy. Lăn lóc với ruộng đồng, con trâu, bến nước. Nhưng cũng nhiều thú vui thôn dã… Nhiều bài thơ của tôi đã viết từ kí ức tuổi thơ ở làng quê ấy: Cỏ may khâu áo làng quê/ Cớ chi gió thổi bay về trời cao/ Ta lên sân thượng chạm vào/ Cỏ may. Ta cúi xuống chào… cỏ may… Cuốn sách “Miền quê thơ ấu” (còn có tên là “Mảnh hồn làng”) của tôi được tái bản nhiều lần, và được giải thưởng cũng là kí‎ ức làng tôi.

PV: Khi sáng tác bài hát này, nhạc sĩ có gặp khó khăn gì không?

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Có lẽ cái khó nhất là phải vượt qua các làn điệu dân ca có sẵn. Tôi vượt qua rất tự nhiên. Vượt qua bằng kỹ thuât hay quan niệm về sáng tác mà tôi đã nung nấu. Tôi chỉ rút hồn dân ca chứ tôi không thuổng dân ca. Vì thế, bạn có thể nghe ở bài hát này âm hưởng của nhiều vùng dân ca miền trung Việt Nam, vì thế không chỉ người miền Trung mà người Bắc hay người Nam Bộ vẫn dễ dàng tiếp nhận.

PV: Rất ít ca sỹ thể hiện thành công ca khúc này, vậy theo nhạc sỹ, cần phải có tố chất gì mới có thể hát thành công “Khúc hát sông quê”?

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Họ phải có quê hương. Họ phải yêu quê hương. Họ phải có tâm hồn người Việt. Và họ phải có giọng hát… Rất nhiều ca sĩ đã hát bài hát này kể cả nam lẫn nữ. Anh Thơ là người hát đầu tiên trên sóng truyền hình. Thu Hiền cũng đã hát tại Vũng Tàu vào buổi tối 2/9/2002. Và ngày 2/9/2006 tôi tình cờ trở lại Vũng Tàu, anh Lê Huy Mậu cùng bạn bè đã mở tiệc đón tôi nhân kỷ niệm 4 năm “Khúc hát sông quê” ra đời.

Mỗi người đều có một dòng sông kỷ niệm, ký ức tuổi thơ (ảnh minh họa)

Một nhạc sĩ nước ngoài nói, nếu là tôi, anh ta đã có nhà lầu, xe hơi...

PV: Ông đã gặp phải scandal nào do các ca khúc của mình không?

          Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Nói scandal về ca khúc của tôi thì có. Nhưng nó không giống scandal các “sao”. Ví dụ, ca khúc “Làng Quan họ quê tôi” đã làm nhiều người nhầm tôi là người Bắc Ninh, đến nỗi chương trình Tiếng Thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1979 đã giới thiệu tôi là người Kinh Bắc! Nhưng cũng vì thế mà tôi được chơi với nhiều bạn Quan họ, và hồi tôi ở Huế còn được Hội đồng hương Hà Bắc mời cả nhà làm Hội viên danh dự. Bài “Khúc hát sông quê” thì gây nhiều rắc rối. Người ta nhậu nhẹt hay họp hành mà có ai hát bài này là mở máy gọi tôi, bắt tôi nghe kỳ hết bài mới thôi. Có vụ các bạn tranh nhau hát cho tôi nghe làm nóng cả con dế. Người ta cãi nhau về chữ này chữ kia, nốt này nốt nọ, đều gọi điện nhờ tôi làm trọng tài từ xa. Có một người (nghe nói là rất xinh đẹp), gần 5 năm nay vẫn gọi điện thăm hỏi tôi, có lúc còn gửi cả quà tặng. Và đi đâu tôi cũng bị chọc là “nhạc sĩ úp mặt” (Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê), “nhạc sĩ một xu” (Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng)...

PV: Hiện nay, bản quyền tác giả và bảo vệ bản quyền vẫn là một vấn đề nhức nhối, riêng những ca khúc của nhạc sỹ có bao giờ bị xâm phạm bản quyền không? Nhất là tác phẩm “Khúc hát sông quê”?

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Một nhạc sĩ nước ngoài nói với tôi: “Nếu tôi có 2 ca khúc nổi tiếng và được sử dụng nhiều như anh, tôi sẽ có biệt thự, xe hơi và vài ba năm du lịch quốc tế”. Tôi nghe mà rùng mình thấy sợ nếu mình có tất cả những thứ đó. Có ca sĩ nói với tôi khi tôi cho tiền boa: “Thú thực là mấy năm nay em hái được khá nhiều tiền từ bài hát của anh, anh lại còn boa em nữa?”. Đấy là một câu nói tử tế mà tôi nghe được.

Ca sĩ Anh Thơ là người đầu tiên hát "Khúc hát sông quê" trên sóng truyền hình

PV: Nhạc sĩ nhận xét thế nào về những tác phẩm mang âm hưởng dân ca đương đại của Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến… hiện nay?

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Tôi chỉ nghĩ là nó hay hay không mà thôi. Một bản nhạc hay thì nó dân ca hay không dân ca không quan trọng. Còn “dân ca đương đại” là gì nhỉ? Tôi chưa nghe nói …

PV: Vâng, có thể là như thế. Công việc hiện tại của nhạc sỹ như thế nào? Ông có thể kể cho độc giả nghe một chút về hành trình sáng tác nhọc nhằn của người nhạc sỹ không?

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Tôi không lựa chọn nghề nhạc, nên tôi thấy cũng nhẹ thôi. Sáng tác nhạc đối với tôi đa phần ngẫu hứng. Ngẫu hứng thì làm gì có nặng nhọc?

PV: Kế hoạch sắp tới của nhạc sĩ là gì?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Chơi. Và ngẫu hứng thơ, nhạc…

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Thanh Huyền (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh