CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:01

Làng quan họ... của tôi

Nếu có người nước ngoài vì khâm phục sức sống của dân tộc trồng lúa nước này mà đặt ra câu hỏi “Tại sao Việt Nam?” thi chính tôi cũng đã có lần tự ngạc nhiên về mình mà đặt ra câu hỏi “Tại sao Làng quan họ…?”. Tôi không phải người làng quan họ, cũng chưa đến xứ quan họ lần nào mà lại nhận vơ “Làng quan họ quê tôi”? Vâng, đúng vậy, tôi đã coi Làng quan họ như chính làng mình và đã viết ra bài hát ấy 16 năm trước khi đặt chân lên đất Bắc Ninh.

Tôi sinh ra ở một làng quê bên dòng sông Bùng uốn lượn như muốn ôm lấy tre xanh mái rạ trước khi hòa vào biển Đông rộng lớn. Tuổi nhỏ cùng bạn đội nắng dong trâu trên những cánh đồng ven đê ngạt ngào hương lúa hương ngô. Ở đó có những điệu dân ca ví dặm quê kiểng lấp lánh ánh trăng hòa vào lời ru của mẹ. Ở đó có những bài hát về làng quê cứ nuôi lớn tâm hồn những đứa trẻ quê: "Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh, Có sông sâu lơ lững vờn quanh, xuôi về Nam, Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau, Bóng tre ru bên mấy hàng cau, Đồng quê mơ màng..." (Chung Quân); “Làng tôi xanh bóng tre từng tiếng chuông ban chiều tiếng chuông nhà thờ rung,Đời đang vui đồng quê yêu dấu bóng cau với con thuyền, một dòng sông” (Văn Cao), “Làng tôi sau lũy tre mờ xa, Tình quê yêu thương những nếp nhà”(Hồ Bắc)… Vâng, những câu hát ấy đã nâng bước lớp trẻ chúng tôi hòa vào mọi làng quê đất nước. Dù năm tháng chiến tranh đạn bom ác liệt, nhiều ngôi làng bị đốt cháy tan hoang, nhưng những câu hát êm đềm ấy thì mãi mãi thắp sáng trái tim con người luôn hướng về làng quê yêu dấu.

Ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tôi được điều về Hà Nội. Và tôi luôn nhớ làng tôi…

Bỗng một hôm, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đưa tôi bài thơ “Làng quan họ” của anh… Hôm ấy tôi đến làm việc với Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới và tình cờ gặp lại anh Hách mới chuyển về làm việc ở đấy. Anh rất vui vì đêm qua tình cờ nghe được một bài hát mới của tôi, bài “Nụ cười Việt Nam”, phổ thơ Chính Hữu. Có lẽ vì thế mà anh nảy ra ý định nhờ tôi phổ nhạc cho bài thơ của anh. Để cho chắc hơn, anh ngồi chép lại bài thơ rồi đưa cho tôi với một lời nhờ như áp đặt: “Bài này phổ nhạc được ông ạ. Ông phổ cho tôi nhé”. Tôi nghe toát mồ hôi và lại hơi buồn cười vì sự hồn nhiên của anh. Thơ thì mênh mông mà mấy bài được phổ nhạc? Nhạc sĩ thì nhiều như lá rừng nhưng có phải ai cũng phổ được bài thơ của anh? Tôi thấy ngại, nhưng cũng vui vẻ hẹn anh: “Vâng, tôi sẽ xem và nếu phổ được, tôi sẽ hát cho ông nghe để xin ý kiến nhà thơ”.

Tôi vốn rất mê những điệu hát dân ca quan họ. Từ thời máy bay Mỹ ném bom xuống những trận địa pháo phòng không đặt ở làng tôi, tôi đã được nghe những anh chị văn công xung kích của quân đội đến làng hát cho bộ đội và dân làng tôi nghe những điệu hát quan họ mượt mà tơ lụa. Một liền chị trẻ đẹp đội nón ba tầm mặc áo tứ thân đẹp mê hồn đã hát “Bèo dạt mây trôi” và “Người ở đừng về”. Quan họ chinh phục tôi từ đó. Mỗi khi nghĩ đến quan họ, tôi lại thấy hiện lên sông Cầu giống dải bao xanh mà liền chị đã thắt ngang lưng thuở ấy. Và tôi sợ cái làng quê tươi đẹp của chị cũng sẽ bị bom Mỹ dội xuống tan hoang như làng tôi. Và tôi mơ thấy làng quan họ của chị luôn rộn rã hội hè dưới rợp bóng cây xanh cùng những lời hát long lanh cất ra từ đôi môi “lúng liếng” của chị… Tôi cũng bị quan họ chinh phục bởi phim “Đến hẹn lại lên”. Vâng, bộ phim ấy đã dấy lên trong tôi tình yêu thương những con người xứ ấy, những con người suốt đời làm lụng và ca hát, nhưng bao biến động đã vỗ sóng lên số phận không may của họ. Tôi đã mê những câu thơ đẹp và đau đến nao lòng của “Ông Hoàng thơ Kinh Bắc” Hoàng Cầm khi được đọc sớm bản thảo “Về Kinh Bắc” của ông: “Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông…”.  Nhưng tôi đâu biết một ngày mình sẽ viết ra bài hát “Làng quan họ quê tôi”!

Ca khúc "Làng quan họ quê tôi" - Thể hiện ca sỹ Anh Thơ

Lại nói chuyện hôm gặp anh Nguyễn Phan Hách, sau khi chia tay anh, tôi cũng quên mất bài thơ còn cất trong túi áo. Mấy ngày sau, tôi đem áo ra giặt. Bên cái giếng xây gạch sứt mẻ của gia đình bà Tâm mù trong làng Khương Hạ (Hà Nội) nơi các nhà văn quân đội chúng tôi đang ở nhờ, tôi móc túi ra bài thơ anh Hách gửi và đọc lại. Lúc ấy từ cái loa làng phát ra những điệu hát quan họ mê hồn. Tôi bỗng thấy bài thơ đang trở thành bài hát trong đầu tôi. Và câu nhạc mở đầu đã hiện lên. Tôi bỏ lại chậu áo quần bên giếng, vào nhà lấy giấy bút ngồi phổ nhạc cho thơ. Không có giấy nhạc kẻ sẵn, tôi lấy tờ giấy nâu khổ A4 rồi kẻ khuông “nhạc ba dòng” để viết. (Bản nháp đầu tiên đó tôi vẫn còn giữ được). Viết được nửa bài hát thì kẻng báo giờ ăn cơm tập thể. Nhà thơ Nguyễn Hoa ở cùng nhà với tôi từ đâu về lấy bát đũa định rủ tôi đi ăn cơm, nhưng thấy tôi đang say sáng tác, anh lặng lẽ đi một mình. Phải nói là Nguyễn Hoa rất hiểu tôi, anh sợ tôi sẽ dang dở mạch cảm xúc. Còn tôi thì hiểu rằng, Nguyễn Hoa sẽ lấy suất cơm lính về cho tôi. Thế là yên tâm tôi ngồi viết một mạch. Khi tôi viết nốt nhạc kết thúc thì Nguyễn Hoa cũng đưa cơm về. Tôi bảo xong rồi, và cám ơn bạn. Anh cười và bảo hát xem nào? Tôi hát cho anh nghe “Làng quan họ quê tôi”. Anh lặng người run rẩy trong xúc động, rồi nói: “Tôi không biết nhạc. Nhìn vào bản nhạc chỉ thấy như giá đỗ. Nhưng bài này hay lắm Tạo ạ”. Lời nhận xét đầu tiên của người bạn khiến tôi rất vui. Lúc đó là một chiều tháng 9 năm 1978.

Ca sĩ đầu tiên hát “Làng quan họ quê tôi” là Kim Phúc, lúc đó mới 18 tuổi đang học năm thứ nhất tại trường Âm nhạc Việt Nam, và được nghệ sĩ Tôn Thất Triêm đệm đàn trong đêm giao lưu của các nhà thơ quân đội với trường. Tiết mục được hoan nghênh nhiệt liệt, khiến tôi cũng bất ngờ. Nhưng người thu thanh đầu tiên bài hát này là ca sĩ Thanh Hoa (hát cùng tốp nữ), và được phát sóng trên đài TNVN vào tháng 6.1979. Từ đó nó trở thành bài hát quen thuộc của người yêu nhạc, rồi được dàn nhạc giao hưởng Lepzich trình diễn trong tuần văn hóa VN tại Đức, được hãng JVC đưa vào chương trinh karaoke của Nhật. Bài hát này được nhiều ca sĩ thu thanh, thu hình, sản xuất đĩa nhạc. Gần đây nhất là Anh Thơ, Trọng Tấn, Trung Anh… Nhiều biên đạo múa cũng lấy nhạc "Làng quan họ quê tôi" dàn dựng múa.

Có người thắc mắc tôi vì sao lời ca trong các bản thu thanh có chỗ khác nhau? Và lời nào là “chuẩn”? Có một thay đổi quan trọng là câu hát gốc “Làng quan họ quê tôi, những năm bom Mỹ thả” được đổi thành “Làng quan họ quê tôi, tiếng ca xanh ước hẹn”. Đó là do nhà xuất bản Âm Nhạc khi thu đĩa hát (1984) đã yêu cầu tôi sửa lại để phát hành ra quốc tế thuận lợi hơn?!!! Và tôi bất đắc dĩ phải sửa lại. Tuy nhiên, sau đó nhiều ca sĩ vẫn hát theo bản nhạc ban đầu công bố, và tôi thích được hát như bản đầu tiên. Còn một số từ do ca sĩ nhầm nên đã làm sai lạc đi như “Con sông Cầu làm bao xanh, ngang lưng làng quan họ xanh xanh” bị hát sai thành “Con sông Cầu làng bao quanh, ngang lưng làng quan họ xanh xanh”; câu “Chị cả tựa mạn thuyền, anh hai ngồi bẻ lái” bị hát sai thành “Chị cả tựa mạn thuyền, anh hai ngồi thổi sáo… thì cũng là “tam sao thất bản” vậy. Điều quan trọng là bài hát đã đi vào lòng người, nó làm cho tâm hồn người ta đẹp hơn,  yêu đời hơn, yêu quê hương đất nước hơn.

Đã hơn 30 năm bài hát ra đời và đi cùng hàng triệu người Việt Nam của tôi. Tôi cũng đã mấy lần được nghe người Việt hát "Làng quan họ quê tôi" tận bên châu Âu, châu Mỹ. Lần nào nghe tôi cũng xúc động và, vui vẻ nói với mọi người: Đó là Làng-Quan-Họ… của tôi.

Ca khúc "Khúc hát sông quê" - Ca sỹ Anh Thơ thể hiện

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh