THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:45

Ngòi bút tôi đã bỏ quên…!

 

 Vào nghề với mảng “kiếp trâu”

Ngày mới vào nghề, tôi được tòa soạn giao viết mảng nông nghiệp. Ông trưởng ban kinh tế nhìn tôi nói như thánh phán: “Cậu viết nông nghiệp là quá chuẩn rồi, có ai hiểu đất đai, kênh mương, rừng rú… như TNXP được chứ!”. Cái chất của TNXP là chấp hành trước, khiếu nại sau nên mặc cho những người bạn thân rỉ tai: “Xin chuyển sang ban khác đi, viết nông nghiệp là khổ như trâu đó!”, tôi vẫn chấp nhận để thử xem cái… “kiếp trâu” của mình nó như thế nào!

Hồi ấy, khoảng một nửa phóng viên đi làm bằng xe đạp, tôi nằm trong số đó. Hồi đầu những năm 1980 dường như có một cái lệ, là cán bộ ở các huyện ngoại thành chỉ làm việc tới 10 giờ sáng. Ai mẫn cán lắm thì nán tới 11 giờ, còn buổi chiều thì các trụ sở đều cửa đóng then cài. các cán bộ ấp-xã đều về nhà lo cho thửa ruộng, mảnh vườn của gia đình, hoặc sẽ ngồi ở một độ nhậu nào đó. Thế nên muốn lấy tư liệu hay phỏng vấn ai đó thì chúng tôi đi từ 3-4 giờ sáng đạp xe vài chục cây số mới đến kịp. Hồi đó, còn có một thứ “lệ” dành riêng cho cánh nhà báo (mỗi khi về nông thôn) mà cán bộ nhân viên làm việc ở ngoại thành áp dụng triệt để được coi thể hiện tình cảm đối với cánh làm báo: “Muốn có tin thì mấy anh chị phải “dzô” một trăm phần trăm với tụi này đã, rồi muốn tài liệu, hồ sơ gì đó tính sau!”. Theo mảng nông nghiệp được một thời gian thì tôi đuối thật. Đuối vì phải thức khuya dậy sớm, đuối vì đạp xe đường xa và cả đuối vì phải nín thở uống rượu đế. 

Rất may, không lâu sau tôi thoát khỏi danh hiệu “phóng viên chuyên trị mảng… nông nghiệp” và được viết “rộng” hơn khi chuyển sang một tờ báo khác. Trách nhiệm của một nhà báo viết ở mảng kinh tế - chính trị - xã hội thì rất rộng nhưng người viết thì không đông, nên chúng tôi phải “chạy” cật lực mới đủ bài. Công việc cứ nối tiếp ngày sang đêm, tuần sang tháng, năm này sang năm khác. Giờ ngoảnh lại đã 35 năm. Thời đất nước mở cửa tôi viết chống tham nhũng không ít bài, viết chống các tiêu cực - tệ nạn xã hội càng không ít; tôi cũng dùng ngòi bút của mình để xây dựng xã hội bằng việc phản ánh những việc làm tốt, những con người tốt; tôi cũng thường xuyên có những bài viết về những người cùng đinh của xã hội – với tấm lòng của độc giả, đã giúp cho những đứa trẻ nhà nghèo được mổ tim; giúp cho những học sinh, sinh viên nghèo, khuyết tật được tiếp tục đến trường; giúp cho những người bị oan sai lấy lại được công bằng; giúp cho đồng bào các vùng bị thiên tai vượt qua nghịch cảnh, sớm ổn định cuộc sống… 

Vậy mà, tôi đã chẳng có một bài viết nào về những người bạn TNXP của mình – những người mà 41 năm về trước tôi cùng họ ở chung một đơn vị. Những người bạn ấy, khi giã từ chiếc áo kaki xanh trở về thành phố, chúng tôi không gặp lại nhau nữa. Thông qua bạn bè, nghe nói người này đang chạy xích lô nuôi mẹ bệnh, người kia đang bán vé số nuôi con thơ, người nọ vì khó khăn đã bán nhà về quê… tôi định lúc nào đó sẽ tìm đến các bạn ấy trong tư cách người viết báo, với hy vọng, biết đâu sẽ giúp được gì đó cho bạn mình. Vậy mà, công việc ở tòa soạn cứ như những con sóng, sự bận rộn liên tục ập đến rồi kéo tôi ngày càng xa dần những dự định mà mình muốn làm cho đồng đội. Mãi đến bây giờ, tôi mới có dịp trở lại thăm những đồng đội năm xưa, họ đã và đang sống trong vô vàn khó khăn… 

Những cuộc gặp lại đầy nước mắt 

Sau khi từ TNXP trở về, anh Đặng Văn Đủ sống trong căn nhà 15m2 của cha mẹ, nhà chật nhưng chẳng mấy ai đủ điều kiện ra riêng. 11 năm trước, khu vực chợ Bình Thới quận 11 được quy hoạch, nhà của gia đình anh bị giải tỏa, tiền đền bù được trên 800 triệu đồng. Số tiền ấy chia đều cho 10 anh chị em. Với khoản tiền được chia chắc là chỉ đủ để mua vài tấc đất trong nội thành, vậy nên hai vợ chồng anh Đủ cùng đứa con bắt đầu cuộc sống lang bạt. Cho đến giờ họ vẫn tá túc ở căn phòng trọ chưa tới 12m2 trong con hẻm nhỏ trên đường Hòa Bình, quận 11. Hàng ngày anh kiếm sống bằng nghề bán bong bóng, đồ chơi trẻ em trên chiếc xe đạp cũ. Vợ anh bệnh, chẳng làm gì ra tiền. Cậu con trai duy nhất phải nghỉ học từ rất sớm đi làm công cho một cơ sở làm nệm xe. “Nó nay đã 30 tuổi mà chẳng thể lấy vợ được, vì nghèo quá nghèo, ai mà chịu lấy!” – anh Đủ thở dài xót xa khi nói về người con độc nhất của mình. 

Vợ chồng anh Đặng Văn Đủ (thứ 3 và 4 từ phải sang) trong căn phòng chưa tới 12m2 cùng những người bạn TNXP ngày xưa đến thăm. (Ảnh: PHÙNG NGỌC SƠN) 

Xuất ngũ trở về địa phương. Lấy vợ. Thôi vợ. Rồi đi thêm bước nữa. Chẳng may, vợ qua đời. Anh Nguyễn Văn Trang hiện đang nuôi đứa con gái đang học lớp 8. Hai cha con sống trong căn phòng thuê nhỏ xíu ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. Hàng ngày anh đi giao hàng và làm bảo vệ cho một tiệm bánh, lương chỉ đủ trả tiền nhà với những bữa ăn rau dưa cho hai cha con. Vậy mà, căn bệnh xơ gan lại vừa bộc phát trong anh. “Mình cũng cố lắm, nhưng chắc là không đủ sức cho con bé học tiếp”, anh Trang rơm rớm nước mắt. Hồi cấp một cháu học khá lắm, nhưng từ ngày mất mẹ, cháu học sa sút hẳn. Tương lai của hai cha con anh Trang, tôi cố hình dung mà chẳng thể nào thấy chút màu tươi sáng. 

Anh Nguyễn Văn Trang (bìa trái) cùng những đồng đội TNXP ngày xưa đến thăm. (Ảnh: TRẦN XUÂN LONG) 

Thay vì xuất ngũ trở về thành phố, chị Tăng Bình ở lại An Minh, Kiên Giang (nơi ngày xưa đơn vị TNXP đóng quân) rồi lấy chồng. Chồng chị làm công trên những thuyền đánh cá ngoài khơi. Thay vì được đến trường thỉ cả 4 người con, từ nhỏ đã theo cha đi đánh cá, hoặc bì bõm lội ruộng chạy theo sau đàn vịt chạy đồng. Hai đứa con gái của chị lấy chồng, cho chị 5 đứa cháu ngoại. Cả 5 đều tuổi ăn tuổi học, thế nhưng các cháu đều không biết trường lớp là gì. Thế là cả gia đình 11 người đều mù chữ. “Vì nghèo quá mà…!”. Chị Bình cho biết. Năm 1999, chị trở lại thành phố khi cha qua đời. Hàng ngày chị kiếm sống bằng việc phụ dọn hàng cho một vài sạp ở chợ Phú Bình, quận 11 cũng kiếm được năm bảy chục ngàn đồng. Nay hai khớp gối của chị Bình bị thoái hóa, đau quá chẳng thể làm nặng được. Chồng con ở quê nghèo đến kiệt quệ. Anh chị em thì có cuộc sống riêng của họ, nào ai đỡ đần cho ai.

Chị Tăng Bình (áo đen) hôm các đồng đội cũ đến thăm (Ảnh: TRẦN XUÂN LONG)

Chị Trịnh Thị Kim Hoàng tham gia TNXP năm 1976, rồi đi chiến dịch biên giới Tây Nam. Xuất ngũ trở về. Có chồng, sinh hai người con. Vợ chồng chia tay khi con còn nhỏ. Cách đây 3 năm, đang lúc đi bán vé số-nghề chính của chị thì bị ngất xỉu. Người đi đường đưa vô bệnh viện và chi mới biết mình bị ung thư ngực. Bao nhiêu tiền của trôi sạch. Cô con gái gửi con lại cho chồng ở Malaysia về chăm sóc mẹ. Hai mẹ con sống trong căn phòng thuê 2 triệu đồng mỗi tháng. Chủ nhà mấy lần đòi tăng tiền nhà, nhưng thấy hoàn cảnh của mẹ con chị như vậy, họ không đành tăng tiền. Cậu con trai đã lấy vợ, sống ở Bình Chánh, trình độ văn hóa chẳng có nên cũng nghèo quá nghèo, nuôi vợ con còn chật vật, chẳng lo được gì cho mẹ.

Chị Trịnh Thị Kim Hoàng (đứng) và các bạn thời TNXP 41 năm về trước trong căn phòng thuê. (Anh: PHÙNG NGỌC SƠN)

Chục ký gạo, vài gói bột ngọt, đường; chai nước tương, nước mắm và vài trăm ngàn đồng… chỉ là món quà mang tính tượng trưng khi tôi đi thăm những đồng đội thời TNXP ngày trước. Cuộc gặp nào cũng đầy nước mắt. Xót xa đến quặn lòng mà chẳng biết làm sao. Lớn tuổi hết rồi, cũng chẳng có ai trong chúng tôi là “ông này bà nọ” để có “của ăn của để” mà lo cho bạn mình đến nơi đến chốn, chỉ biết thở dài. Chẳng thể kể hết những hoàn cảnh của bạn bè tôi, những người mà 41 năm trước chúng tôi còn là các chàng trai cô gái tuổi đôi mươi tràn trề sức sống với ước vọng về một tương lai mạnh giàu cho đất nước. Hồi ấy, chúng tôi là TNXP.

BÙI NGUYỄN TRƯỜNG KIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh