CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:30

Ngỡ ngàng làng đá bên chân sóng, tuyệt tác của thiên nhiên

 

Di tích quốc gia Gành Đá Đĩa.


Kiến tạo độc đáo, hiếm có trên thế giới

Cũng là chất liệu đá nhưng Gành Đá Đĩa, danh thắng cấp quốc gia ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An, Phú Yên) không gồ ghề, thô ráp mà được kiến tạo, sắp xếp đều tăm tắp trông xa như cái tổ ong khổng lồ (dài tới 200m và rộng khoảng 50m) trông thật kỳ thú. Hình thành cách đây khoảng 200 triệu năm, Gành Đá Đĩa không giống bất kỳ gành đá nào dọc bờ biển nước ta.

Theo các nhà khoa học, loại đá bazan nơi đây được hình thành do hoạt động phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa gặp nước biển lạnh nên đông cứng lại đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lực trên toàn bộ khối nham thạch theo mạch dọc, xiên, ngang… tạo thành những cột đá hình lăng trụ thẳng đứng san sát nhau hoặc nghiêng nghiêng theo thế vươn ra biển. Những khối đá có tiết diện hình tròn, hình lục giác xếp chồng lên nhau tựa như những chồng đĩa. Có lẽ vì vậy mà có tên là Gành Đá Đĩa.

Các nhà nghiên cứu nhận định kiến tạo như Gành Đá Đĩa là rất hiếm hoi. Trên thế giới chỉ còn vài địa điểm nữa là núi đá Giant’s Causeway ở bờ biển Đông Bắc Ireland (UNESCO đã công nhận là di sản thiên nhiên thế giới), gành đá Órganos ở đảo La Gomera Tây Ban Nha, đá trong hang động Figal thuộc đảo Staffa Scotland hay ở đảo JeJu Hàn Quốc.

Không chỉ độc đáo về mặt kiến tạo, Gành còn gây ấn tượng đặc biệt bởi những gam màu thay đổi liên tục trong ngày. Hàng ngàn, hàng vạn phiến đá được khoác “áo” màu đen huyền bí nổi bật giữa biển xanh ngăn ngắt và những con sóng vỗ bờ tung bọt trắng xóa. Tuy nhiên, lúc mặt trời vừa ló dạng, đá được phủ ánh vàng rực rỡ của tia nắng đầu ngày, còn khi hoàng hôn dần buông, đá lại được nhuộm hồng bởi ráng đỏ của ánh chiều. Đặt chân lên các phiến đá sẽ được cảm nhận làn nước mát lạnh vỗ về khi những làn sóng nối tiếp nhau xô vào gành.

“Gành Đá Đĩa còn nằm trong quần thể di tích, thắng cảnh vô cùng lý tưởng”, chị Thu Huê (quê ở huyện Tuy An, cán bộ ngành TT-TT) nói rồi đưa chúng tôi sang thăm bãi Bàng bên cạnh Gành. Bãi có những khối đá lớn màu vàng khá đẹp cùng hàng bàng xanh mướt; bờ biển thoai thoải, bãi cát trắng mịn ôm lấy bờ như vành trăng khuyết. Đây là nơi lý tưởng để tắm biển và thưởng thức các món hải sản tươi ngon, đặc biệt là sò huyết đầm Ô Loan danh bất hư truyền. Phía Đông là Vịnh Xuân Đài nổi tiếng, được Vietkings bầu chọn vào top 10 thưởng lãm vùng vịnh đẹp của Việt Nam. Phía Bắc là ngọn hải đăng sừng sững trên đỉnh cao của gành Đèn soi đường cho tàu thuyền ra vào Vịnh Xuân Đài.

 

Du khách tấp nập tham quan Gành Đá Đĩa.


Xóm nhà đá có một không hai ở Việt Nam

Ở thôn Phú Hạnh, nơi Gành Đá Đĩa đứng chân và một số thôn khác như Phú Lương, Phú Hội, Phú Sơn… có những xóm đá vô cùng độc đáo “đủ sức níu chân du khách bằng những tour du lịch khám phá”, nhận định của Thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Phú Yên, chủ biên tác phẩm Di sản văn hóa đá Phú Yên. Đến những thôn xóm ấy cứ như lạc vào thế giới đá. Từ những ngôi nhà, giếng nước, cầu ao, con đường… đến cả những ngôi mộ cũng được làm bằng đá.

Hiếm có nơi nào mà việc xây dựng các công trình dân dụng lại tốn ít chi phí như ở đây bởi chẳng phải mất nhiều tiền mua vật liệu xây dựng. Đá thiên nhiên bị chôn vùi trong lòng đất nhiều vô kể sau bao sự cố lở núi. Quá trình vỡ đất để canh tác ở những thửa quanh núi Hòn Bồ, nông dân lật đá (đào bới, bẩy đá lên) khiêng về để dựng nên những công trình bằng đá vừa rất đặc trưng vừa bền chắc.

“Sau khi đá được lật và khiêng đi hết để lộ ra lớp đất màu mỡ thì hạt bắp mẩy hơn, bụi khoai “đẻ” thêm nhiều củ”, cụ Nguyễn Văn Tư hào hứng nói và cho biết thêm: thợ xây toàn là người địa phương cả. Những nông, ngư dân sống cạnh Gành Đá Đĩa đã mày mò nghiên cứu những thế đá hình lăng trụ ở danh thắng này rồi mô phỏng, dựng nên móng, trụ và các bức vách cho ngôi nhà và các công trình dân dụng khác của mình.

Các thợ xây sử dụng đá nguyên tảng chứ không gọt đẽo gì cả. Họ khéo léo lựa chọn những tảng đá khép kín bề mặt với nhau sao cho vừa đẹp vừa hạn chế khoảng trống nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ và bền vững. Đặc biệt, với những góc nhà và trụ cột càng đòi hỏi kỹ thuật sắp xếp đá thật tinh tế. Theo thợ xây Trần Văn Tình, để có một căn nhà hoặc chuồng bò rộng khoảng 60-70m2, phải bỏ ra 2 năm để lật và tập kết đá về nơi xây dựng, sau đó nếu huy động được 4 thợ thì phải mất thêm tháng rưỡi nữa để lựa chọn, sắp xếp đá thành những trụ, bức vách rồi dùng ngói, tôn hoặc tranh để lợp mái.

Thấy tôi dồn sức đẩy thử bức vách, anh Tình đoan chắc: “Vách dày tới nửa thước lận nên dễ gì lay chuyển?”. Chỉ với một loại vật liệu xây dựng duy nhất là đá chứ không hề dùng sắt, thép hoặc các chất kết dính như vôi, xi măng… vậy mà chưa có ngôi nhà đá nào ở đây bị sập dẫu trải qua bao mùa gió bão”, cụ Tư tiếp lời và cho biết thêm: “Thoạt nhìn những ngôi nhà đá gam màu trầm lợp mái tôn, người ta nghĩ trong nhà nóng lắm, thế nhưng nhờ lớp tường dày nên cách nhiệt rất tốt. Lúc trời nắng thì nhà mát mẻ, còn khi trời lạnh, trong này luôn ấm áp”.

Thực vậy, đang gần như phát sốt với cái nóng hầm hập hơn 38oC ngoài trời nhưng vừa bước vào ngôi nhà đá chợt thấy mát mẻ, dễ chịu ngay. Từng cơn gió mang không khí trong lành từ phía biển lùa qua những ô thông gió được thiết kế bằng... đá. Quả là không phương tiện làm lạnh hiện đại nào có thể sánh bằng. Đến xem chuồng bò gần đó, không khí cũng mát lạnh như có máy điều hòa nhiệt độ. Mấy con bò đang ung dung gặm cỏ tươi được chất đầy trong máng. Ông Tư cho biết bò ở vùng này lớn nhanh lắm. Nhà nông thường mua những con ốm trơ xương từ nơi khác về để vỗ béo. Chỉ tròm trèm một năm là chúng trở nên béo tốt, lông láng mướt, giá mỗi con tăng cả chục triệu đồng.

Cụ Nguyễn Thị Lương, tuổi ngoài 70 cho chúng tôi xem cái hộp chứa những viên đá nhỏ như hòn bi và nhẵn bóng trông rất đẹp mắt. Cụ kể đã cùng bạn bè đi qua tuổi ấu thơ với những trò chơi dân gian như bắn bi, ô ăn quan cùng những viên đá này. Các món ăn, thức uống hàng ngày được chế biến từ những dụng cụ xay, giã, nghiền bằng đá. Tuổi áo trắng thì cùng bạn bè rong chơi ở Gành Đá Đĩa và những khu vườn với cơ man nào là đá.

Đưa chúng tôi đi xem giếng nước có độ sâu chừng 6m với thành vách và miệng giếng hình tròn được quây bằng đá khá đẹp, cụ nói: “Giếng này đã có từ mấy chục năm trước. Thuở nhỏ được tắm gội bên những giếng đá mát lạnh thế này, lớn lên thì giúp mẹ gánh những đôi nước về nhà dùng”. Tôi dòng dây múc một gàu nước lên để rửa mặt. Nước trong vắt mát lành làm dịu cái nóng gay gắt giữa buổi trưa hè.

 

Ngôi mộ đá mang hình dáng một chiếc đĩa.

Chúng tôi theo cụ băng qua cánh đồng lúa chín nhuộm vàng óng ả cả một vùng trời bát ngát để đến ngôi mộ đá có hình thù giống như cái đĩa. “Có những mộ cổ xuất hiện cách đây hàng trăm năm chứ không ít. Ông bà cha mẹ tôi kể rằng từ thuở nhỏ đã trông thấy những ngôi mộ đá và bày tỏ ý nguyện khi chết đi cũng được chôn trong ngôi mộ tương tự. Tôi cũng muốn được yên nghỉ trong phần mộ như thế này”, cụ Lương tâm sự. Cạnh đó, chúng tôi còn nhìn thấy những ngôi mộ đá hình vuông, hình bầu dục...

Những thập niên gần đây, công nghệ xây dựng phát triển với nhiều loại vật liệu đẹp và tiện nghi nên người dân địa phương không cất những ngôi nhà hoàn toàn bằng đá nữa. Tuy nhiên nền và móng nhà, móng sân, nhà bếp, chuồng gia súc, lối đi, bậc thềm, bờ ruộng, rẫy, bờ kênh dẫn nước… vẫn được làm hoàn toàn bằng đá.

 

Những “kiến trúc”đá ở vùng đất này mang nét cổ xưa độc đáo trông như những tác phẩm nghệ thuật, vừa gần gũi, vừa lạ lẫm. Người dân nơi đây được sinh ra từ ngôi nhà bằng đá, lớn lên bên đá rồi một ngày về với tổ tiên cũng ở trong đá.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh