Kỷ niệm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng 3-3: Nghĩa tình quân dân ở lưng chừng núi
- Dược liệu
- 17:05 - 04/03/2017
Ấm êm những mái nhà
Từ trung tâm huyện Nam Giang đến nơi đóng quân Đồn Biên phòng Cửa khẩu La Dêê, nơi cách biên giới 10km là mốc Việt-Lào, chỉ mất vài chục cây số vòng qua các đèo dốc. So với chục năm trước thì con đường là sự đổi thay kỳ diệu nhất, xe lớn, xe nhỏ tăng tốc trên con đường êm như ru. Thiếu tá Đỗ Xuân Trinh- Đồn trưởng Đồn Biên phòng La Dêê, vẫn còn nhớ, muốn đến La Dêê, trước đây phải dắt 4 con ngựa để thồ gạo, hàng hóa lên các vùng cách trở, đi bộ 3,4 ngày đường.
Cái tên La Dêê, vốn được gọi là tên một ngọn núi cao nhất ở làng bản này. Xã La Dêê là nơi định cư của người dân tộc Tà-Riềng và số ít người Cơ Tu với 385 hộ, 1.496 nhân khẩu, quây quần tạo thành từng cụm dân cư. Từ lâu, những người dân bản làng luôn hàm ơn các chiến sĩ Đồn Biên phòng. Già làng Brao Mớch, thôn Công Tơ Rơn, có hơn 50 năm tuổi Đảng, kể: “Trước khi người Cơ Tu định canh đi cư ở đây đã phải sống một cuộc sống khổ sở, du canh du cư khắp các vùng núi nhiều đời…”
Chuyện về thôn Công Tơ Rơn được các già làng kể. ẢnhH.T
Chuyện về thôn Công Tơ Rơn, là thôn duy nhất của xã chỉ có người Cơ Tu định cư là hành trình dài. Người Cơ Tu chính gốc ở làng này xưa kia chỉ có 1 hộ, thế rồi, từ các địa phương xung quanh, người Cơ Tu di cư dần dần đến triền núi La Dêê, thấy mặt đất bằng phẳng, có suối trong lành, núi non trùng điệp, họ quyết định dựng nhà sinh sống.
Từ khi biên phòng lên đây cắm bản, người dân La Dêê đỡ khổ,bộ đội đã cùng với nhân dân chủ động bảo vệ buôn làng, bảo vệ đường biên cột mốc ngay từ sau giải phóng. Với suy nghĩ “giúp dân bằng sức lực, bằng khoa học kỹ thuật,… nhưng phải làm điểm cho dân thấy học hỏi. Mỗi chiến sĩ phải luôn tâm niệm phải làm được, phải giúp được cho dân”- Thiếu tá nói, và thôn Công Tơ Rơn được chọn làm điểm sáng.
Người dân thôn Công Tơ Rơn dựng nhà không tốn một xu, cứ một hộ dựng nhà, các chiến sĩ cùng người dân thôn bỏ thời gian công sức đến làm, rồi tiếp tục làm xoay vòng cho nhiều hộ khác, đến nay thôn đã có 131 hộ, 537 nhân khẩu. Ông Brao Ngưu, Chủ tịch UBND xã La Dêê, cho biết: “Khi có chương trình hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân được nhận 25 triệu vay vốn làm nhà. Nhưng người dân chỉ mua xi măng, sắt thép, còn lại họ không tốn tiền thuê thợ, tình làng nghĩa bản đến nay vẫn trọn vẹn”.
Dạy dân làm lúa nước đến trồng rau sạch
“Làm nữa, làm mãi thì cây lúa nước cũng trồng được ở đất núi” ở vùng núi biên giới, người dân La Dêê giờ đã biết trồng lúa nước. Thiếu tá Trinh, Đồn Biên phòng, cho biết, mỗi mùa gặt, các chiến sĩ lại được phân công đến từng thôn, bản giúp nông dân “chia sẻ gánh nặng mùa màng”. Để những mùa màng không còn cảnh thất bát, thiếu ăn, Đồn Biên phòng đã đến từng bản làng thuyết phục các già làng chuyển dần sang làm lúa nước. Các chiến sĩ biên phòng dành mảnh đất nhỏ làm cho bà con xem, đến khi lúa gạo ở Đồn có, bà con nào thiếu ăn lại đến xin, rồi bà con quen dần chuyện làm lúa. Lúa ở La Dêê không dùng phân bón hay thuốc trừ sâu, mỗi hộ dân làm thủ công, bình quân thu hoạch 300kg/sào. Toàn xã đến nay đạt 213,6ha cây lương thực, so với các xã khác trên địa bàn huyện, La Dêê có diện tích lúa nước 54,27ha rộng lớn nhất. Ngoài ra, các kênh mương thủy lợi chạy thẳng và cánh đồng thôn Công Tơ Rơn, Đắc Ốc, Đắc Chờ Đay.
Đổi thay ở xã biên giới.ảnh:H.T
Lên với La Dêê, những ấp ủ dự định về miền đất rau sạch cho bà con vẫn là điều thiếu tá Trinh mong muốn khi những gánh hàng bán rong từ miền xuôi lên, thường qua nhiều ngày đường, rau hư hỏng. “Bây giờ ở Đồn đã có mảnh đất trồng rau khoảng 600m2, nuôi 100 con gà, làm chuồng trại heo với gần 60 con. Thời gian đến sẽ tranh thủ nguồn đất nơi vùng núi để làm điểm cho bà con làm theo, đồng thời, xây dựng mô hình Vườn-Ao-Chuồng gắn với đồng bào”-Thiếu tá cho biết.
Thắt chặt tình quân dân
Những câu chuyện về biên phòng giúp dân kể không siết, thiếu ăn có biên phòng, cái bệnh đau ốm, biên phòng lo. Rồi từ khi có trạm y tế xã, nhưng đồng bào nơi đây vẫn “quen rồi” cứ lên biên phòng khám. Những chiến sĩ quân y gắn bó lâu với mảnh đất La Dêê, để rồi cứ mỗi lần chuyển đơn vị lại muốn xin về với dân. Y sĩ Huỳnh Đình Hiển, Đồn Biên phòng La Dêê, đã có hơn 20 năm công tác, bao năm qua, người dân gọi lúc nào, dậy đi lúc đó. Anh nhớ rõ, những lần 2 giờ sáng đi đỡ cho sản phụ, phải đi bộ gần 3 tiếng đồng hồ. Bà con nhờ có bộ đội cũng không còn ma chay, cúng như trước kia. Ai cũng hiểu có bệnh phải đến bộ đội chữa trị.
Đồn Biên phòng còn hỗ trợ 3 em học sinh “nâng bước đến trường”, em Tờ Ngôn Thành, em Zơ Râm Dũng, xã La Dêê và 1 em ở bên nước bạn Lào. Biên phòng còn nhận phụng dưỡng 2 mẹ, em Hiên Nhast và mẹ Blúp Nhai, các mẹ đều là hộ neo đơn, cứ hằng ngày, trước bữa cơm, các chiến sĩ đem cơm cho mẹ. Các chiến sĩ ăn gì, mẹ ăn nấy. Người dân La Dêê coi bộ đội như người thân, nhà nào mới đi rừng bắt được con chim trên rừng, con cá dưới nước cũng chia cho bộ đội. Tết vừa rồi, Đồn cũng tổ chức gói bánh chưng rồi tặng cho từng hộ trong làng, ai cũng đón tết vui vẻ.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu La Dêê quản lý đường biên giới dài 31km. Hàng tháng, bộ đội lại cùng nhân dân chia làm 3 tổ, duy trì hoạt động tuần tra biên giới. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, xã La Dêê tổ chức với 4 đợt, 560 lượt người tham gia. Từ khi có biên phòng về, tỷ lệ hộ nghèo xã La Dêê giảm còn 53,71%.