CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:18

Có thể khởi tố vụ án hình sự vụ cắm đinh lên hàng loạt ngôi mộ ở Huế?

 

Được biết, nhiều người dân tỏ ra hết sức bức xúc do mộ phần của thân nhân gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột, cô bác chú dì… đều bị đóng đinh một phần một cách bí hiểm và thâm độc.

Loại đinh đóng lên mộ là đinh 10cm. Mỗi ngôi mộ thường được đóng 8-12 cái đinh. Vị trí đóng đinh là phía ngay đỉnh đầu nơi an nghỉ của người quá cố. Nếu là mộ người lớn số đinh đóng từ trên đầu, đến bụng và chân kể cả chung quanh mộ. Tình trạng đóng đinh lên mộ xảy ra với hầu hết các loại mộ từ lớn đến mộ nhỏ, mộ xây lẫn mộ đất; cụ già đến trẻ nhỏ sơ sinh quá cố…

Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã, cho biết đã tập hợp phản ánh của dân, kiểm tra thực tế tình hình để báo cáo, đề nghị lực lượng chức năng của huyện Phú Lộc vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Theo quan niệm dân gian tại nhiều vùng quê nói chung và ở Thừa Thiên Huế nói riêng, việc đóng đinh lên mộ phần được xem là một hành vi yểm bùa và là điều cực kỳ cấm kị, gây xáo trộn đời sống người dân.

Hành vi xâm phạm mồ mả trực tiếp gây ảnh hưởng đến hai yếu tố. Về tinh thần, khiến thân nhân bất an, lo lắng, hoảng sợ. Về vật chất, xâm phạm trực tiếp đến hài cốt và công trình mồ mả. Hai yếu tố này có quan hệ mật thiết với nhau và được pháp luật bảo vệ, cụ thể tại điều 246 Bộ luật Hình sự. Vậy thế nào là xâm phạm, thi thể, mồ mả, hài cốt? Hành vi ngày nguy hiểm cho xã hội thế nào, mức hình phạt và khung hình phạt ra sao? Người thực hiện hành vi đóng đinh có phạm tội không?

Theo Công ty Luật Minh Khuê, Điều 246. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt quy định: 1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm; 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm."

Theo quy định trên thì một người bị coi là phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt khi thực hiện một trong các hành vi sau đây:

Đào, phá mồ mả: là hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng mồ mả, làm cho mồ mà không còn nguyên vẹn như trước. Hành vi đào, phá mồ mả được thực hiện dưới nhiều phương thức khác nhau và với những động cơ, mục đích khác nhau như: để lấy những đồ vật quý hiếm mà thân nhân người quá cố cho vào quan tài chôn cùng với người quá cố; để trả thù thân nhân người quá cố; để che giấu hành vi phạm tội… Tuy nhiên, nếu hành vi đào, phá mồ mả, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không coi là hành vi phạm tội như: đào mộ để bắt chuột, bắt rắn; đập phá một vài hoa tiết trang trí trên mộ…

Chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ: Hành vi chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thường đi kèm với hành vi đào, phá mồ mả (đào phá mồ mả để chiếm đoạt những đồ vật để trong quan tài), nhưng cũng có trường hợp  người phạm tội không đào, phá mồ mả nhưng vẫn chiếm đoạt được những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ như: lợi dụng việc đổi mộ (bốc hài cốt) đã chiếm đoạt đồ trang sức chôn theo người chết; lấy các đồ vật có giá trị để trên mộ (bát hương, lọ hoa, di ảnh…)

Các hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt: Hành vi khác nói ở đây là bất cứ hành vi nào mà xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt như: đánh tráo thi thể, lấy các bộ phận của thi thể, đánh tráo hoặc chiếm đoạt hài cốt, chia sẻ hài cốt. v.v…

Căn cứ vào hành vi, động cơ, mục đích của người đóng đinh và chiếu theo điều này thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định tại Điều 246 Bộ luật Hình sự.

HUYỀN NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh