THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:48

Nghị quyết 30a tạo động lực giảm nghèo nhanh và bền vững ở Lào Cai

 

Thu hoạch lúa ở huyện Bắc Hà, Lào Cai. (Ảnh: HM)

 

Theo thống kê của cơ quan chuyên ngành, sau hơn 7 năm (giai đoạn 2009 - 2015) triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đã thu được những kết quả tích cực.
Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo đã tạo cơ hội cho hộ nghèo ngày càng tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục; đời sống của người dân tại 3 huyện nghèo (Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai) ngày càng được cải thiện, giúp cho người nghèo có điều kiện phát triển và mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập. Qua đánh giá, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có hàng nghìn hộ thoát nghèo. Đặc biệt, giai đoạn 2009 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn nghèo theo Quyết định 09/2011/QĐ-TTg) bình quân giảm 7-10%/năm ở cả 3 huyện. 

Đồng chí Phùng Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Trong thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết, UBND huyện đã tích cực, chủ động quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 30a trên địa bàn, đem lại những kết quả tích cực. Từ năm 2009 đến nay, huyện đã nỗ lực triển khai tổ chức lồng ghép các nguồn vốn, thực hiện các chính sách của Nghị quyết 30a trên địa bàn, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số. Tính đến hết năm 2015, thu nhập bình quân đầu người ở huyện Mường Khương đạt 15 triệu đồng/người/năm, tăng 9,5 triệu đồng so với năm 2009. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác đang chuyển dịch theo hướng hàng hóa. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp bình quân tăng gần 14%/năm. 

Thực tế cho thấy, đến nay, hạ tầng nông thôn của 3 huyện nghèo đã được cải thiện đáng kể. Kết cấu hạ tầng khu trung tâm của các huyện đều được xây dựng khang trang; hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường giao thông đạt tiêu chuẩn; 100% các xã có điện lưới quốc gia và có đường ô tô đến trung tâm xã; xây dựng mới các trạm y tế phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân thôn bản; đầu tư xây dựng nhà ở giáo viên, nhà ở bán trú học sinh phục vụ nhu cầu dạy và học của học sinh, giáo viên ở 3 huyện; các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, cấp điện phục vụ sản xuất, đời sống văn hóa, xã hội đều được  chú trọng đầu tư, tạo nên khởi sắc mới của diện mạo nông thôn tại 3 huyện nghèo trên địa bàn của tỉnh.

Trong công tác hỗ trợ sản xuất, giáo dục - đào tạo và nâng cao dân trí cho người dân tại 3 huyện nghèo, Chương trình 30a đã hỗ trợ thông qua khoán, chăm sóc bảo vệ rừng, giao rừng và đất để trồng rừng cho hơn 21.700 hộ với diện tích 23.977 ha. Thông qua chính sách hỗ trợ, người dân địa phương đã tích cực tham gia bảo vệ rừng. Chất lượng các loại rừng được nâng lên, góp phần cải thiện thu nhập cho các hộ gia đình. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã có chuyển biến tích cực, phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng ở các cấp học và ngành học. 100% các xã thuộc các huyện 30a đều có trường, lớp mẫu giáo; giáo dục phổ thông bao gồm tiểu học đến trung học cơ sở đã có đủ từ lớp 1 đến lớp 9 ở tất cả các xã. Các công trình phòng học, phòng chức năng, nhà bán trú học sinh và công vụ giáo viên thuộc chương trình 30a giai đoạn 2009 - 2015 được đầu tư đã góp phần cải thiện cơ sở vật chất trường học, giúp cho học sinh có chỗ ăn nghỉ, sinh hoạt nhằm duy trì số lượng học sinh, tăng tỷ lệ chuyên cần và nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và dạy nghề cho người dân được thực hiện thường xuyên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tại 3 huyện nghèo đều đạt hơn 25%. Chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm kịp thời. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở thường xuyên được chú trọng triển khai. 

Nhìn lại chặng đường sau 7 năm triển khai thực hiện chương trình theo Nghị quyết 30a, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Lào Cai vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trước hết, đó là nguồn lực đầu tư cho các huyện còn thấp so với nhu cầu thực tế; có nhiều chính sách giảm nghèo nhưng chủ yếu mang tính hỗ trợ (chính sách y tế, giáo dục, nhà ở...), trong khi chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên thoát nghèo chưa nhiều; suất đầu tư trong vay vốn tín dụng ưu đãi, vay vốn giải quyết việc làm, đào tạo nghề còn thấp; nhận thức của người nghèo ở một số nơi chưa thay đổi nhiều, vẫn giữ những phong tục tập quán lạc hậu; tư duy và các kỹ năng phát triển kinh tế hộ gia đình còn mang nặng tính tự cung tự cấp…

Từ những kết quả đạt được và yêu cầu thực tế đặt ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai cho thấy, trong những năm tiếp theo, để hoàn thành tốt các mục tiêu của Chương trình 30a, tỉnh Lào Cai cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền tới người dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình 30a; thực hiện công khai, dân chủ trong quần chúng nhân dân nhằm tạo nên sự đồng thuận khi triển khai thực hiện các chính sách. Tiếp tục thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn, tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên cho phát triển nông, lâm nghiệp và quy hoạch dân cư. Đặc biệt, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, xây dựng chính sách theo hướng phát huy tính chủ động của người nghèo và cộng đồng, giảm cho không; thực hiện chuyển một số chính sách cho không, cấp không sang chính sách cho vay ưu đãi, cho không có điều kiện; có chính sách khuyến khích hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo vươn lên thoát nghèo, thông qua hình thức tăng thêm nguồn lực đối với những địa bàn thực hiện tốt; cần có chính sách đủ mạnh để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp chung sức tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh