THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:14

Nghi án quay vòng vé tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ?


Clip trên mạng xã hội

Trước đó, trong một clip post lên mạng xã hội, một khách hàng tại Hà Nội đã bày tỏ sự bức xúc khi nhận được cuống vé rách không rõ serie khi đi qua trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Sau khi khách hàng này phản ứng, nữ nhân viên thu phí trả lời bằng cách hỏi "Anh có cần xem số series không?" và một nhân viên khác nhanh chóng đỡ lời rằng tại cuống vé bị rách do vô tình trong lúc xé và đưa ra một cuống vé mới có cả mã vạch đồng thời khẳng định rằng thế mới đúng.

 Clip trên ngay lập tức tạo sóng trên mạng xã hội với hàng trăm ý kiến nghi vấn về dự án BOT này đang có hiện tượng quay vòng vé.

Nhân viên thu phí trạm BOT Pháp Vân - Cầu Rẽ thu tiền phí cước đường bộ của lái xe mà không trả "vé cước đường bộ" cho lái xe. (Ảnh cắt từ clip)

Nhiều bình luận đi kèm chỉ rõ: Việc đưa cuống vé rách, thiếu mã vạch, nhân viên thu phí tại trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là hành vi cố tình quay vòng vé. Không chỉ vậy, việc phải có mã vạch hay không trên cuống vé đang là câu hỏi nhiều người đặt ra liên quan tới vấn đề minh bạch trong hoàn vốn dự án BOT này. Để tìm hiểu về sự việc trên, PV Báo LĐ&XH đã nhiều lần liên hệ đặt lịch làm việc với công ty quản lý trạm thu phí BOT trên, tuy nhiên đều nhận được những cuộc hẹn không có ngày giờ cụ thể, sau đó gọi lại thì không liên hệ được.

Để tìm hiểu thực tế, phóng viên Báo LĐ&XH đã nhập vai lái xe chạy tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Điều thật bất ngờ, khi đi qua các trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ dù đã trả tiền phí cước đường bộ đầy đủ, tuy nhiên lái xe lại không hề nhận được “Vé cước đường bộ (liên 2)” từ cán bộ thu phí tại các điểm trạm.

Video ghi lại quá trình nhân viên thu phí trạm BOT Pháp Vân - Cầu Rẽ thu tiền phí cước đường bộ của lái xe mà không trả "vé cước đường bộ" cho lái xe.

Theo điều 11 chương II Thông tư 05/2010/TT-BGTVT do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải  ký ngày 9/2/2010 quy định về “các điều cấm trong tổ chức và hoạt động của trạm thu phí sử dụng đường bộ”.

Tại điều 11 có nêu: “1. Gian lận phí sử dụng đường bộ, biển thủ tiền phí hoặc thông đồng gian lận trong hoạt động thu phí, gây thất thoát tiền phí.

2. Tổ chức bán vé, soát vé không hợp lý, không kịp thời, gây phiền hà, sách nhiễu đối với người mua vé; gây cản trở, ùn tắc giao thông đường bộ tại khu vực trạm thu phí; thu phí không đúng quy định.

3. Nhận tiền mặt của người sử dụng phương tiện giao thông mà không giao vé; cho phương tiện giao thông (thuộc đối tượng phải mua vé) không có vé đi qua trạm.

4. Tự ý di chuyển trạm thu phí; mở rộng, sắp xếp, thay đổi hoặc bổ sung số làn thu phí không đúng với thiết kế đã được phê duyệt; đào lòng, lề đường, vỉa hè khu vực trạm thu phí, kể cả đào hố để chôn cột biển báo, cột lắp đặt tín hiệu; làm thêm vệt sơn giảm tốc hoặc tạo gờ giảm tốc ảnh hưởng đến độ bằng phẳng, êm thuận của các phương tiện đi qua khu vực trạm khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

NHÓM PV/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh