CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:20

Nghệ thuật phạt con nơi công cộng của người Nhật

 

  

Trẻ em Nhật Bản nổi tiếng là những đứa trẻ ngoan ngoãn và có tính kỉ luật cao. Rất nhiều người nghĩ rằng đây là 1 đức tính "sinh ra đã có". Tuy nhiên sau khi sống ở Nhật Bản, bà mẹ người Mỹ - Kate Lewis đã phát hiện ra bí quyết để trẻ em Nhật biết kỉ luật là do cách dạy dỗ của bố mẹ. Dưới đây là những chia sẻ của chị Kate Lewis:

Một trong những quan niệm sai lầm lớn khi tôi chuyển đến sống ở Nhật là suy nghĩ rằng trẻ em Nhật có tính kỉ luật ngay từ khi sinh ra. Tôi nghĩ rằng những đứa trẻ Nhật giống như những cỗ máy nhỏ luôn biết nghe lời bố mẹ với thái độ tôn trọng và nghiêm túc làm theo tất cả quy tắc một cách vô cùng tự nhiên.

Từ chuyến đi đầu tiên của chúng tôi, quan điểm này có vẻ khá chính xác. Những đứa trẻ Nhật dù nhỏ tuổi hơn cậu con trai 2 tuổi của tôi vẫn ngồi yên ngoan ngoãn trong khi con trai tôi ngọ nguậy, nghịch ngợm không yên. Nó nhảy nhót, cười đùa với người lạ và có nhiều hành vi kì lạ.

Tôi đã phải nhỏ tiếng nhắc nhở con trai mình trong khi các bà mẹ Nhật ngồi dịu dàng bên những đứa con ngoan ngoãn của mình. Sự thật con trai tôi không cư xử xấu. Văn hoá khác biệt giữa hai nước đã tạo nên sự khác biệt trong hành vi của con trai tôi và những đứa trẻ Nhật cùng lứa tuổi. Vì vậy tôi bắt đầu thắc mắc về cách các gia đình Nhật giáo dục con cái và một đứa trẻ Nhật được dạy dỗ về cách cư xử tốt như thế nào. 

 

 

Trẻ em Nhật cũng có giai đoạn khủng hoảng 

Trẻ em Nhật cũng có những giai đoạn nổi loạn giống như những đứa trẻ nước khác. Tôi cũng bắt gặp các em bé Nhật hờn dỗi bố mẹ ở công viên hay viện bảo tàng. Điều này chứng tỏ trẻ em ở khắp mọi nơi đều có những lúc khủng hoảng. Tuy nhiên, các ông bố bà mẹ Nhật không hề dỗ dành hay trách mắng con khi chúng ăn vạ, khóc lóc và la hét ở sân chơi hay công viên. Có lẽ đó chính là bí quyết dạy con của người Nhật.

Trong chuyến tàu từ Shinjuku đến Yamanote, con trai tôi đã lăn ra ăn vạ vì nó không muốn phải đi tàu về nhà. Con đã nghĩ ra đủ trò để tìm cách xuống tàu. Tôi đã hoàn toàn bất lực với con trai vì tôi còn bận bế cô con gái nhỏ. Rất nhiều hành khách đã xuống tàu vì sự phiền phức chúng tôi gây ra. Tôi đã phải xin lỗi tất cả những người còn lại trên tàu. Khi đó tôi dã mong có ai giúp đỡ vì con trai tôi không chịu nghe theo bất kì lời nào tôi nói. 

Tôi đã kể câu chuyện này cho cô giáo tiếng Nhật của mình và cô ấy nói rằng con trai tôi cư xử như vậy vì nó đang trong giai đoạn ẩm ương. Khi tôi hỏi cách giải quyết, cô ấy cười mà không nói gì. Cô cho biết, cha mẹ Nhật không bao giờ quát mắng, kỷ luật trẻ ở chỗ đông người.

 Nghệ thuật phạt con của bố mẹ Nhật

Một ngày tôi đã hiểu lí do vì sao tôi không thấy bố mẹ Nhật mắng con cái bao giờ. Trong chuyến tàu hôm đó tôi đã thấy một đứa trẻ Nhật hờn dỗi không muốn đi tàu về nhà. Ông bố và cả gia đình đã xuống tàu ngay khi đó. Lúc này ở trên sân ga vắng người, ông bố mới bắt đầu mắng con. Đó là một phát hiện mới.

Tôi muốn dạy con ngay để ngăn chặn các hành vi xấu của con nhưng bố mẹ Nhật lại đợi đến thời điểm riêng tư mới nhắc nhở con. Tôi bắt đầu nhận thấy việc này ở khắp mọi nơi: các bậc phụ huynh Nhật dừng lại ở phía sau các cột ở các ga tàu, hay ở hàng rào công viên, hoặc vào trong ô tô mới nói chuyện dạy bảo con cái.

Ngoài việc giữ thể diện cho con cái, phạt các bé ở nơi riêng tư cũng giúp bố mẹ giữ lòng tự trọng. Trong tiếng Nhật từ "Shitsuke" có nghĩa là phạt, cũng mang nghĩa là dạy dỗ và nuôi dưỡng. Các bậc phụ huynh chính là những tấm gương lớn cho con cái noi theo. Trong trường hợp của tôi thì nói chuyện với con ở nơi riêng tư chắc chắn tốt hơn là nhắc nhở con giữa đoàn tàu đông người.

Bố mẹ Nhật phạt hành vi chứ không phải phạt con cái

Trong thực tế, các gia đình Nhật cũng có các biện pháp kỉ luật con khá cực đoan. Một gia đình ở Nhật đã gây chú ý khi đứa con 7 tuổi của họ bị mất tích ở hẻm núi Hokkaido sau khi họ bắt cậu bé xuống xe vì đã phạm lỗi. Khi họ quay lại vài phút sau đó, cậu bé đã biến mất. May mắn là cậu bé đã được tìm thấy an toàn sau vài ngày tìm kiếm cật lực. Các nhà tâm lý học trẻ em trên toàn thế giới đồng ý rằng tốt nhất nên phạt hành vi chứ không nên phạt đứa trẻ.

Việc tập trung vào giáo dục con cái thay vì trừng phạt cùng với việc kỉ luật con cái ở nơi riêng tư cũng được thực hiện ở trường mẫu giáo của con trai tôi. Các bé tuân thủ theo một lịch trình nghiêm ngặt, các bài hát, trò chơi và những hành vi lịch sự như cất giấu gọn gàng, ngồi ngoan ngoãn được lặp đi lặp lại để tạo thành thói quen.

Nhưng cuối cùng, tất cả chúng ta chỉ áp dụng những việc có hiệu quả. Một buổi chiều khi tôi đến đón con, cô giáo đã nói chuyện với tôi rằng cô ấy đã gặp khó khăn trong việc dạy dỗ cậu con trai 2 tuổi của tôi. Cô không biết làm thế nào để giải thích cho con trai tôi dừng lại bằng tiếng Anh. Con đã nhầm lời nói của cô như một trò chơi mới nên đã cố gắng bắt chước cô giáo khi cô đang khiển trách con. 

Cuối cùng, cô giáo đã kể với tôi rằng cô đã phải mắng con như cách tôi hay làm. Tôi đã hơi ngạc nhiên và cũng xấu hổ. Tôi hỏi cô rằng tôi đã mắng con như thế nào? Cô đã mô tả cách cô gọi tên và gằn giọng khi để dạy dỗ thằng bé đúng như cách tôi hay làm. “Đó quả là một cách hoàn hảo”, cô giáo nói với tôi.

Do vậy, theo tôi, dạy dỗ con cái là cả một quá trình kiên trì. Bố mẹ cần phải thật kiên nhẫn chứ không nên quát mắng hay phạt đứa trẻ.

Sưu tầm

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh