Dạy con những kỹ năng khi đi du lịch
- Văn hóa - Giải trí
- 21:40 - 29/04/2018
Dạy trẻ kỹ năng trước khi đi du lịch
Trước khi đi, cha mẹ nên dạy trẻ tuyệt đối không đi theo người lạ. Với trẻ 3-4 tuổi trở lên, cần dạy bé ghi nhớ tên tuổi của bố mẹ, địa chỉ, điện thoại liên lạc. Trẻ tầm 6 tuổi trở lên bố mẹ nên đưa ra các tình huống khi bị lạc. Rồi hướng dẫn con cách xử lý tình huống đó. Mặt khác, nên chuẩn bị những tấm thẻ ghi họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của bố mẹ trong balo, túi xách. Hoặc quàng lên cổ trẻ để đề phòng khi trẻ bị lạc.
Lựa chọn địa điểm phù hợp với trẻ nhỏ
Khác với người lớn, chỉ cần lên lịch trình để du lịch, khám phá. Với những gia đình có trẻ nhỏ, việc lựa chọn địa điểm du lịch hết sức quan trọng. Do sức đề kháng của trẻ, do thời gian ăn uống ngủ nghỉ của trẻ. Nên cha mẹ cần cân nhắc địa điểm cho hợp lý, đảm bảo các tiêu chí: Khu du lịch cần kết hợp nhà nghỉ với các tiện ích; Khoảng cách di chuyển từ nhà đến vị trí vui chơi không nên quá xa; Không nên lựa chọn nơi quá heo hút, thưa dân cư.
Lựa chọn phương tiện di chuyển
Nếu đi máy bay, khi mua vé bố mẹ cần lưu ý với nhân viên bán vé. Hoặc thông báo tại quầy khi làm thủ tục ở sân bay là có trẻ nhỏ đi kèm. Nếu di chuyển bằng tàu hoả hoặc ô tô, hãy đảm bảo con nhỏ có đủ chỗ để nằm. Và một không gian thoáng để hít thở. Với bé dưới 3 tuổi, khi di chuyển trên những phương tiện công cộng như máy bay, tàu hỏa hay xe khách, mẹ nhớ đóng gói đủ bỉm, khăn ướt, miếng lót thay bỉm, nước rửa tay khô và vài chiếc túi nilon.
Chuẩn bị quần áo và các vật dụng cần thiết cho trẻ
Về thuốc men, với trẻ nhỏ, bạn cần chuẩn bị sẵn một số loại thuốc dự phòng khi đi du lịch như: Thuốc cảm cúm, hạ sốt, thuốc ho, thuốc chống dị ứng, men tiêu hóa, băng, gạc y tế. Các loại kem chống muỗi, kem chống nắng, dầu gió.
Về thực phẩm, với trẻ lớn có thói quen ăn uống cùng gia đình thì điều này không có gì khó khăn. Các mẹ chỉ cần chuẩn bị một số món ăn vặt mà trẻ yêu thích để ăn trên hành trình đi lại. Cẩn thận hơn, các mẹ có thể chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống quen thuộc cho con để đảm bảo ăn uống vệ sinh và an toàn.Tuy nhiên, nếu nhà có trẻ đang ăn dặm hoặc bú sữa thì cần lưu ý mang theo dụng cụ pha sữa, bình giữ nhiệt.
Bố mẹ cũng nên tìm hiểu trước khi đặt phòng nghỉ về việc gia đình sẽ mang theo trẻ nhỏ. Biết trước nhà bếp có thể phục vụ các món ăn cho trẻ được hay không. Nếu muốn yên tâm trong việc chuẩn bị đồ ăn cho bé thì hãy mang theo các đồ dùng như bát, nồi nấu hoặc máy xay nếu cần thiết. Bên cạnh đó cần tăng cường cho trẻ uống đủ nước, ăn trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Về quần áo, tùy vào đặc điểm thời tiết tại điểm du lịch để bố mẹ quyết định sẽ mang theo loại quần áo phù hợp cho trẻ. Tiện lợi nhất là nên cho trẻ mặc các áo cotton. Nhớ mang theo áo khoác gió mỏng, khăn quàng.
Để mắt đến trẻ mọi lúc, mọi nơi
Tại những chỗ đông người, bố mẹ không nên rời mắt khỏi trẻ dù chỉ một phút. Bởi trẻ hiếu động thường hay chạy lăng xăng, rất dễ bị lạc. Cần tập thói quen giữ ảnh con trong ví, điện thoại. Những lúc khẩn cấp như thế có thể cần tới mà sử dụng ngay.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 thường rơi vào thời điểm nắng đầu hè. Du lịch những bãi biển, sông, hồ được nhiều gia đình lựa chọn. Khi đến những khu vực này, bố mẹ cần lưu ý nguy cơ đuối nước có thể xảy đến với trẻ. Cha mẹ chỉ nên cho trẻ chơi ở nơi gần bờ, có cha và mẹ trông giữ. Nên mặc áo phao cho trẻ hoặc dùng phao bơi cho trẻ để an toàn.
Dạy trẻ nhận biết người có thể trợ giúp:
Bạn có thể giúp bé nhận diện những người có khả năng giúp đỡ bé như công an, cảnh sát, nhân viên thu ngân… khi bị lạc. Nếu bé cảm thấy không an toàn và chỉ có một mình, hãy dạy bé tìm một bà mẹ có con nhỏ đi theo để nhờ trợ giúp.
Dạy trẻ cảnh báo người khác và chống trả nếu cần:
Việc trẻ em khóc lóc hay la hét là chuyện thường gặp, nên đôi khi tiếng khóc của trẻ có thể bị bỏ qua. Bạn cần dạy trẻ kêu cứu hay hét lên những câu như “Bố mẹ tôi đâu”, “Ông/bà là ai”… để gây chú ý với người khác khi bị người lạ khống chế. Bạn cũng cần cho trẻ biết khi có người lạ định đưa bé đi đâu đó, mọi quy tắc lịch sự đều bị phá bỏ. Bé có thể cắn, cào cấu hay giãy giụa, la hét để thu hút sự chú ý của người khác