Nghệ thuật múa: Khó đột phá vì thiếu nam diễn viên
- Văn hóa - Giải trí
- 16:00 - 01/06/2015
Khi múa không còn là “thời thượng”
Khá bận rộn trong công việc chuyên môn, nhất là rèn nghề và đào tạo diễn viên trẻ, thế nên cứ lúc rảnh, Thành vẫn chạy show tại các tụ điểm âm nhạc để kiếm thêm thu nhập. “Chạy show khiến diễn viên bị phân tâm nhiều. Công việc dễ dãi khiến khán giả đánh giá thấp về giá trị của nghệ sĩ múa, trong khi để diễn tốt một vai trong vở kịch múa là rất khó. Các nhà hát ở quốc gia khác phải mất từ 3 đến 5 tháng cho một vở vũ kịch, diễn viên chỉ ăn và tập chứ không phải đi làm công việc khác. Tuy nhiên, ngoài lý do thu nhập, các diễn viên cũng mong muốn được diễn trên sân khấu lắm chứ”-Cao Chí Thành tâm sự.
Những diễn viên múa nam.
Nam diễn viên múa nổi tiếng từng tâm sự, ước muốn được tham dự các cuộc thi tài năng biểu diễn múa ở trong nước, nhưng lại ngại ngần vì mình đã lớn tuổi. Sinh năm 1980, Thành có giải thưởng Helsinki làm bước đệm "hoành tráng", nhưng anh bảo vẫn muốn có thêm sân chơi mới "nhảy nhót" cho thỏa sức. “Biết làm sao được, tuổi thọ của diễn viên múa rất ngắn”-Thành thở dài.
Các diễn viên múa phải học tập, khổ luyện suốt thời gian dài nhưng khi tốt nghiệp, về các nhà hát, đơn vị nghệ thuật rất ít diễn viên múa có cơ hội trở thành solist. Phần lớn trong số họ chấp nhận múa tập thể, chẳng bao giờ được khán giả nhớ mặt, biết tên. Bên cạnh đó, đa số diễn viên múa thường mắc các bệnh về khớp và cột sống do vận động nhiều. Vì thế, nghề múa giờ đây không còn là sự lựa chọn “thời thượng” của bạn trẻ, nhất là nam giới.
Diễn viên Kiều Ngân, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, cho biết: “Tôi dạy một lớp ở trường múa chỉ toàn nữ. Một số giáo viên khác chung hoàn cảnh với tôi, không có học sinh nam, đành phải bỏ một số môn như múa đôi, múa tập thể nam nữ”.
Theo ông Quốc Cường, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng múa Việt Nam, tỷ lệ học sinh nam theo học ngành này giảm rõ rệt trong những năm gần đây, đặc biệt số học sinh theo học hệ 7 năm (từ 13 đến 14 tuổi). Cũng theo ông Cường, tâm lý các em nam và cha mẹ các em thích con trai học các ngành kỹ thuật, kinh doanh hơn là theo nghiệp múa.
Khó tuyển sinh, đào tạo
Nghệ sĩ Đặng Hùng, Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen TP. Hồ Chí Minh lại có nỗi bức xúc riêng. Ông chia sẻ, diễn viên múa được đào tạo một cách chính quy, bàn bản đang bị “lấn át” bởi làn sóng vũ công múa minh họa ngày một nở rộ trên sân khấu.
Không ít diễn viên sau khi tốt nghiệp trường múa quyết định chọn con đường vũ công, vì nhiều cơ hội diễn trước đám đông khán giả. “Tìm một diễn viên múa sắc vóc đẹp, kỹ thuật biểu diễn cao hiện tại rất khó. Diễn viên nam múa giỏi gần như cạn kiệt”-ông nói.
Ví như diễn viên nữ Linh Nga đã tốt nghiệp Đại học Múa Bắc Kinh rất khó để tìm một diễn viên nam xứng tầm với cô là rất khó. Bởi lẽ Linh Nga là một trong số rất hiếm những diễn viên múa Việt Nam được đào tạo ở bậc đại học. Điều này cũng hiếm ngay ở Trung Quốc - nơi được coi là “đất múa”. Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen từng cử 10 diễn viên đi đào tạo nâng cao ở Trung Quốc, trong đó niềm hy vọng diễn viên nam chỉ có thể trông chờ vào người duy nhất bên cạnh 9 cô gái xinh đẹp khác.
Lớp múa Những ngôi sao nhỏ của nghệ sĩ Vương Linh – Đặng Hùng, vốn là nguồn cung cấp khá nhiều diễn viên triển vọng cho các đoàn nghệ thuật, những năm trước còn có vài học sinh nam, rồi dần dà chỉ còn toàn nữ dù sĩ số lên đến hơn 100 người. Với sự bèo bọt, không có đất sống cho nghề múa, nhất là múa nam, càng ngày càng khó tìm diễn viên múa nam theo nghề, bởi không bố mẹ nào muốn con theo một nghề mà không thấy tương lai.
Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cũng từng đang lâm vào tình trạng “ỉu xìu” trong các tiết mục múa. Một cán bộ phụ trách phòng nghệ thuật cho biết, chất lượng nam diễn viên múa không đều như nữ đã thành chuyện thường trong mấy năm gần đây. “Chúng tôi về các trường múa tuyển diễn viên nhưng rất ít khi chọn được người ưng ý. Hình thức, thanh sắc và tài năng đều kém ngày trước rất nhiều.
Có lẽ sự yếu kém này bắt nguồn từ khâu tuyển sinh. Ở nhà hát tôi có gần 20 diễn viên nam múa, nhưng chỉ có hai người có thể làm solist, mà cũng chỉ ở mức khá”-ông cho biết. Chính vì lẽ đó, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, nơi từng được coi là con chim đầu đàn về múa dân gian, cũng khó tạo nên bước đột phá.