THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:10

Nghề sửa kính: Liệu có trụ được trong xã hội hiện đại!

 

Bác thợ già ngồi lặng lẽ sửa kính trên góc phố Hà Nội

Với một bộ đồ nghề đơn giản, cùng một cái ca nhựa đựng ốc vít bé xíu, cùng các linh kiện nhỏ và rất nhiều các loại gọng kính, mắt kính cũ được móc vào một cái giá gỗ móc trên tường. “Cửa hàng” sửa chữa kính mắt của bác Ngô Đức Vinh, 65 tuổi nằm ở góc phố Vũ Lợi (Hà Nội) đã trở thành một trong rất ít địa điểm dịch vụ sửa chữa kính mắt còn sót lại ở Hà Nội.

Chia sẻ về nghề nghiệp của mình, bác Vinh cho biết, từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, là công nhân về 176, bác bắt đầu học và làm nghề sửa kính mắt. Nói là học cho “sang” chứ ngày đó thực ra là tự học tự làm, và tự nhiên thành nghề mà thôi. Vào thời điểm đó, kính mắt thường có giá trị khá cao, với thu nhập của người dân thì việc mua một cặp kính cũng là một vấn đề cần phải cân nhắc. Chính vì vậy, việc sửa chữa các loại kính mắt đã trở thành một nghề khá thịnh hành, đặc biệt là ở Hà Nội. Nghề sửa kính mắt không quá khó, chủ yếu là làm thủ công cắt các mắt kính cho vừa với gọng, sửa chữa, hàn lại hoặc thay thế ốc vít gọng kính,...

Các phố có nhiều hàng sửa chữa kính mắt khi đó, có thể kể đến nhiều nhất là phố Lương Văn Can, đường Nam Bộ (Lê Duẩn), sau nữa thì ở Trần Quý Cáp, Văn Miếu,... ngoài sửa chữa kính thì việc mua bán trao đổi kính cũ mới cũng rất phổ biến, điều này cũng giúp cho người làm nghề có thu nhập đáng kể.

Theo bác Vinh, những năm trở lại đây kính mắt Trung Quốc tràn về rẻ và sẵn, nên không còn nhiều người đến sửa kính như trước kia. Đặc biệt, giới trẻ ngày nay họ hầu như không để ý đến việc sửa kính. Nếu hỏng, thì mua luôn kính mới vừa nhanh chóng lại thời trang. Khách hàng của bác Vinh giờ đây, đa số là khách quen và là người có tuổi, họ đến sửa kính một phần vì tiết kiệm chi phí, nhưng nhiều hơn là việc gìn giữ cặp kính cũ như là một kỷ niệm của một thời đã qua. Khi lượng khách hàng ngày một ít đi, thì thu nhập của bác Vinh cũng giảm sút đáng kể, ước tính mỗi tháng chỉ còn được chừng 4-5 triệu đồng. Dù vậy, “người cũ - nghề cũ” nơi góc phố này đã trở thành một phần không thể thiếu được đối với cuộc sống hàng ngày của bác Vinh.

Nhìn lại lịch sử Hà Nội xưa, kính mắt đã có mặt từ thế kỷ 17-18, đến cuối thế kỷ 19 phát triển thành những cửa hàng, cửa hiệu có quy mô lớn. Sự tiện dụng và văn minh của kính mắt được người dân hưởng ứng. Cùng với sự xuất hiện của kính mắt, một nghề thủ công mới cũng xuất hiện theo là nghề sửa kính

Theo thời gian, nghề đã có nhiều thay đổi, những máy móc kỹ thuật hiện đại ngày càng được áp dụng nhiều vào nghề kính, những người thợ thủ công như bác Vinh không còn nhiều. Người cũ – nghề cũ, có lẽ chẳng còn bao lâu nưa nghề sửa kính sẽ chỉ còn trong hoài niệm. Thực ra đây không phải là nghề ngẫu nhiên, mà nó được hình thành bởi giá trị truyền thống của làng nghề, phố nghề đất Thăng Long xưa.

Giữa phố phường náo nhiệt, hiện đại hình ảnh người thợ sửa kính thủ công cần mẫn như bác Vinh khiến người ta chợt thấy cuộc sống dường như chậm lại, đâu đó vẫn còn những nghề thủ công giản dị, cũ kỹ. Nghề sửa kính dù không được bảo tồn hay xếp hạng như các nghề dệt lụa, chạm bạc, đúc đồng,... nhưng nó cũng khiến người ta cảm nhận được một nét riêng có của Hà Nội. Những người thợ thủ công như bác Vinh, với một công việc rất bình thường, ngoài sự mưu sinh họ đã góp phần tạo nên bức tranh sinh động riêng có của những làng nghề, phố nghề đất Hà Thành.

ANH QUANG - PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh