THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:28

Nghệ sĩ Xuân Bắc vào vai chính trong “Biệt đội báo đen”

“Biệt đội báo đen” được xây dựng từ kịch bản của nhà văn Chu Lai, do NSND Anh Tú làm đạo diễn. Đây là câu chuyện kể về cuộc chiến đấu của những người lính trong thời chiến và cả thời bình. Người lính trong thời chiến đã hy sinh xương máu để bảo vệ từng tấc đất cho quê hương, Tổ quốc thì trong thời bình, họ phải đấu tranh cho sự chân chính của lẽ phải.

Nếu như trong “Bệnh sĩ”, Xuân Bắc vào Văn Sửu đậm chất hài, có khả năng dẫn dắt câu chuyện, tải thông điệp và tư tưởng vở diễn, thì trong “Biệt đội báo đen”, anh vào vai Sáu Thành – nhân vật chính kịch, sâu sắc và đầy nội tâm. Sáu Thành là người lính đầy cá tính, không chịu thỏa hiệp với cái sai, cái xấu. Trong chiến tranh, anh đã ba lần phản biện lại mệnh lệnh của cấp trên, vì nếu như anh nghe lời, sẽ gây ra rất nhiều tổn thất cho đồng đội. Cuộc chiến lùi xa đã 30 năm, anh vẫn giữ nguyên vẹn cốt cách của người lính trận. Sáu Thành chống lại chủ trương của Tỉnh ủy khi lấy đất của Nông trường chiến binh làm khu công nghiệp và chia lợi nhuận cho một số kẻ chức quyền. Trong công cuộc đấu tranh đó, đã có lúc anh tưởng chừng thất bại trước sức mạnh của cái xấu, tiền bạc và quyền lực… Song tình đồng đội, tình đồng chí và tình người của những người lính một thời bom đạn đã giúp Sáu Thành chiến thắng.

Nghệ sĩ Xuân Bắc (bên phải ảnh) trên sân khấu kịch.

Đạo diễn, NSND Anh Tú cho biết: “Biệt đội báo đen” không phải là câu chuyện dễ gặp trong cuộc sống đời thường, vấn đề là nội dung vở diễn ít nhiều kể về những góc khuất của thời chiến mà ít ai được biết đến. Dù ở thời đại nào đi chăng nữa, thời chiến hay thời bình, quá khứ hay tương lai…thì sự thật và công lý sẽ luôn được bảo vệ, sẽ không bao giờ bị bóp méo dưới cái nhìn của những kẻ chủ nghĩa cơ hội cá nhân. Đây cũng là thông điệp vở kịch muốn gửi đến khán giả.

Bên cạnh NSƯT Xuân Bắc, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng tham gia vở diễn, như: NSƯT Việt Thắng, nghệ sĩ Tuấn Dũng, Quỳnh Hoa,  Ngô Thuận, Phú Đôn, Hồ Liên, Dũng Nam, Thu Thêu… Hy vọng, “Biệt đội báo đen” sẽ mang đến cho khán giả nhiều trải nghiệm thú vị.

Trong dịp này, Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng vở diễn “Thầy và trò”, do NSND Trần Ngọc Giàu làm đạo diễn, kịch bản của tác giả Nguyễn Đăng Chương. Lấy đề tài về giáo dục học đường, “Thầy và trò” kể về câu chuyện xảy ra tại một trường đại học - nơi đào tạo ra những nhân tài cho xã hội, nhưng vì một số cá nhân thoái hóa đạo đức “người thầy” nên đã gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. Nội dung vở kịch xoay quanh nhân vật Trung - Hiệu trưởng nhà trường, vì tin tưởng cấp dưới của mình nên đã giao mọi công việc cho Long - Phó Hiệu trưởng và Lan - Trưởng phòng đào tạo. Lợi dụng quyền hành trong tay, Long và Lan đã cặp kè với nhau và trở thành một cặp đôi lộng quyền, họ nhận tiền của thí sinh mua điểm để vào trường, bỏ bê việc giáo dục… Điều đó đã khiến ngôi trường nảy sinh nhiều tệ nạn: Nữ sinh phá thai, sinh viên đánh nhau…, thậm chí Long còn chăn “rau sạch” từ sinh viên … Cho đến khi Thông và Linh - hai sinh viên ưu tú của trường làm đơn xin nghỉ học, mọi chuyện mới bị vỡ lở…

Theo lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam,  “Thầy và trò” được viết theo ý tưởng và sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, nhằm góp tiếng nói thẳng thắn, trực diện và mạnh mẽ đối với ngành giáo dục. Con người sinh ra những quy định, nhưng đôi khi chính con người lại không tự rèn mình trong khuôn khổ của quy định. Đây là tác phẩm hứa hẹn mang lại những đóng góp tích cực cho ngành giáo dục, góp một tiếng nói nho nhỏ trong sự nghiệp đào tạo, sự nghiệp trồng người được vững vàng, trong sáng hơn.

NHƯ HOA/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh