THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:37

Nghệ sĩ Phạm Dũng: Tôi rất lo khi học sinh lơ mơ về lịch sử, văn hóa Việt

Không chỉ là một nghệ sĩ, Phạm Dũng còn là một người thầy với rất nhiều trăn trở

Không chỉ là một nghệ sĩ, Phạm Dũng còn là một người thầy với rất nhiều trăn trở

Học diễn viên, đạo diễn, sau đó lại về giảng dạy ở trường ĐH Văn hóa, rồi  vào Sài Gòn dạy ở trường ĐH Văn hóa TP HCM 10 năm, rồi lại ra Hà Nội và dừng chân trường ĐH Sư phạm nghệ thuật TƯ cho đến khi nghỉ hưu, có thể thấy nghề giáo chính là cái nghiệp của cả cuộc đời anh?

Đúng là tôi đã gắn bó với nghề giáo cả cuộc đời. Và tôi tự hào về điều đó. Bởi trong xã hội chỉ có ba người được gọi là thầy: thầy thuốc, thầy giáo, thầy chùa. Một người phụ trách về sức khỏe, một người về kiến thức và nhân cách và một người phụ trách về tâm linh, tinh thần. Ba ông thầy này mà tốt thì xã hội sẽ phát triển, mà 3 ông thầy này hỏng thì xã hội sẽ hỏng (cười)

Thế anh dạy môn gì?

Nhiều lắm: đào tạo diễn viên, đào tạo đạo diễn, lịch sử phát triển sân khấu Việt Nam, lịch sử văn minh thế giới, rồi cổ vật, tôi cũng dạy cả võ nữa…

Một thầy giáo với rất nhiều vai, vậy anh quan niệm thế nào về vai trò của người thầy?

Như tôi đã nói, thầy giáo không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người giáo dục nhân cách cho học sinh, thế nên đã là người thầy, đã là nhà nhà khoa học thì  trước hết anh phải nói thật, phải có nhân  cách của một kẻ sĩ, rồi còn phải  phải có kiến thức, có phương pháp để truyền đạt cho học trò.

Nhân nói về phương pháp truyền đạt, anh nghĩ thế nào về cách dạy và học hiện nay?

Tôi chỉ nói riêng về chuyện rất nhỏ như chuyện điểm danh khi vào lớp. Tôi quan điểm, đi  học không cần điểm danh, giáo viên vào giảng, học sinh có quyền nghe hoặc không nghe nếu như chán quá, nhưng khi thi thì phải chịu trách nhiệm về kiến thức của mình. Chứ bây giờ đi học thạc sĩ cũng điểm danh, tiến sĩ cũng điểm danh. Quản lý tiến sĩ mà giống trẻ con cấp 1 thì chỉ làm cho người ta thiếu tính tự giác. Rồi  việc giáo viên đứng trên bục giảng chỉ mở máy tính ra đọc còn học sinh thì ngồi chép  thì tuyển giáo viên làm gì, thuê một người biết đọc thôi. Tôi quan điểm, trước khi thầy giảng thì trò phải đọc tài liệu trước, đọc xong vào lớp học sinh chỉ hỏi từ lúc vào lớp  cho đến khi hết giờ. Nên những tiết học của tôi, học sinh sẽ chỉ hỏi những cái chưa biết, một người hỏi thì 60 người được nghe câu trả lời và lớp có 60 em thì sẽ có 60 câu hỏi cho một vấn đề . Khi đó, thầy cũng sẽ phải củng cố kiến thức mà trò thì cũng phải đọc rồi mới hỏi được, tôi chấm điểm câu hỏi chứ không chấm điểm bài viết,  quan điểm của tôi là phải cho học sinh  hiểu bài ngay trên lớp.

Và tôi cũng muốn nói, muốn thay đổi phương pháp dạy và học thì trước phải chọn được những người thầy giỏi. Giáo viên mà kiến thức yếu sẽ diễn đạt yếu, trình bày sẽ lúng túng, chỉ ngồi nhìn màn hình máy tính rồi đọc cho học sinh chép.  Tuyển chọn giáo viên phải có một hội đồng chuyên môn để đánh giá, phải có phương pháp đánh giá.  Nói tóm lại,  chọn giáo viên phải chọn người có tài, đức và lương phải trả đủ cho họ sống.

Rời bục giảng, Phạm Dũng vẫn tiếp tục với niềm đam mê cổ vật- một cách để anh lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của tiền nhân

Rời bục giảng, Phạm Dũng vẫn tiếp tục với niềm đam mê cổ vật- một cách để anh lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của tiền nhân

Thế còn về chương trình học?

Đứng về góc độ giáo dục tôi rất lo lắng,  hiện tất cả các trường đào tạo về xã hội đều đào tạo các môn giống nhau nhưng lại không đi sâu thật sự vào chuyên môn. Chúng ta phải đào tạo chuyên sâu thì mới có nhân tài, cho ra được những “máy cái” cho các chuyên ngành chứ không thì tất cả đều sẽ nhác nhác giống nhau.  Ví như đào tạo diễn viên, ngày xưa chúng tôi học nhảy, học múa, cả múa hiện đại, mua dân gian, học đàn, học thanh nhạc, học cả văn hóa rất kỹ. Bây giờ thì diễn viên chỉ học diễn và mấy môn bổ trợ linh tinh, ra trường diễn rất hời hợt.

Rồi tại sao học sinh sợ học văn, học sử, thật ra chúng không sợ học sử mà do chúng ta chưa coi trọng những môn học này. Lãnh thổ là cơ thể của quốc gia và văn hóa và lịch sử là tinh thần của cơ thể đấy. Nếu cơ thể có nhưng tinh thần không có thì đó là sống thực vật. Mà văn hóa là gì? Tại sao Nghị quyết TƯ 5 khóa 8 lại yêu cầu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc? Lịch sử, văn hóa là cả một quá trình bồi đắp, hình thành trong quá trình phát triển, giữ gìn và mở mang bờ cõi của một dân tộc. Nó kết tinh trong ăn, mặc, ở, đi lại và cách ứng xử với nhau trong xã hội.  Nó sẽ bồi đắp tinh thần, sức mạnh cho cả dân tộc. Mất sử không còn quá khứ nữa, con cháu chúng ta  biết tự hào về cái gì. Mất văn hóa, chúng ta sẽ trở thành những kẻ nô dịch…Rồi còn rất nhiều vấn đề khác nữa trong hệ thống giáo dục mà tôi rất trăn trở…

Ví dụ như?

Dạy thêm- học thêm chẳng hạn. Tôi nói thật, học thêm làm cho trẻ em mất tuổi thơ. Bọn trẻ phải có thời gian chơi, mà chơi thì mới sáng tạo được, bây giờ trẻ học nhiều quá như thế này kể cả bố mẹ cũng bị cuốn vào, cả xã hội cũng bị cuốn vào mà không hiệu quả. Trẻ con cứ đi học về là nằm bò vì quá mệt mỏi. Bố mẹ đi làm cũng không yên tâm về việc học hành của con, phải lo lắng, rồi chăm sóc, đưa đi đón về, không tập trung để làm việc được. Tôi cho là phải định hướng lại. Học cái gì, môn nào cần và  mạnh dạn lược bớt những môn không cần thiết. Trước mắt là thế, phải nhả bớt, việc học thêm phải chấn chỉnh lại. Nói thẳng ra, học ở trường không chất lượng nên mới phải học thêm và sự học thêm  đôi khi khiến quan hệ giữa trò- và thầy trở thành sự mua bán và không còn sự kính trọng nữa. Giáo dục trở thành cái chợ mua bán về kiến thức. Điều đó cực kỳ nguy  hiểm. Phải trả lại sự hồn nhiên cho trẻ em…

Và còn rất nhiều vấn đề nữa, như sử dụng con người như ra sao, lấy ví dụ như Chương trình Đường lên đỉnh Olympia, đó là nhân tài của đất nước đấy, nhưng  bao nhiêu em đoạt giải còn ở trong nước…...Nếu người không có trách nhiệm thì sẽ buông xuôi , lo thân mình thôi. Nhưng tôi hết cả cuộc đời gắn bó với ngành giáo dục, cũng không xin gì hết,  tất cả do bàn tay mình làm ra bằng tài năng, không làm gì phi pháp và sẽ cố gắng giữ mình cho đến chết.  Nhưng tôi vẫn đau đáu sau này đất nước sẽ thế nào, con cháu mình sẽ sống ra sao.  Trên bục giảng, tôi luôn bảo học sinh của mình rằng, con người không phải lúc nào cũng “nhẹ bước thang mây” dù thuận lợi hay không thuận lợi thì các em hãy cố gắng vượt qua, đừng bao giờ vì tiền mà bán rẻ bản thân bởi có những thứ khi đã có tiền cũng không bao giờ có thể lấy lại được…

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Bảo Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh